Đất công ở TP.HCM cần sử dụng hiệu quả, không cần cho thuê giá tốt là nhận định của Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trong buổi giám sát về hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất của TP.HCM ngày 30/6.
Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn thành phố, trọng tâm là tài nguyên đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập và thành phố cần có giải pháp xử lý.
Vì sao thừa 14.000 căn hộ tái định cư ?
Nhiều đại biểu đặt thẳng vấn đề vì sao các dự án tái định cư đang dư thừa hàng chục nghìn căn? Việc tồn tới gần 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư cần phải minh bạch rõ ràng.
TP.HCM đang lãng phí hàng chục nghìn căn hộ tái định cư. Ảnh: Lê Quân. |
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết trong 10 năm (từ 2006-2017), TP.HCM đã đầu tư xây dựng và dùng ngân sách mua lại hơn 40.000 căn hộ, nền đất tái định cư để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong các dự án. Đã bố trí hơn 26.000 căn hộ và nền đất, chiếm khoảng 65%. Còn dư gần 14.000 suất tái định cư, tương đương với 35% chưa sử dụng, hiện Nhà nước đang quản lý.
Ông Tuấn nói có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là do có sự thay đổi về chính sách pháp luật bồi thường, tái định cư. Theo Giám đốc Sở Xây dựng, trước đây khi chính sách bồi thường, tái định cư chưa sát với giá thị trường thì gần như 100% người dân đồng ý nhận căn hộ. Có trường hợp để ở nhưng cũng có trường hợp sau khi nhận tái định cư xong, họ đã bán lấy tiền đi nơi khác sinh sống.
“Sau này khi chính sách sát với giá thị trường thì rất nhiều người dân nhận tiền để tự lo nơi ở mới. Chỉ trừ những trường hợp không đủ tiền mua nhà ở thương mại thì mới nhận căn hộ tái định cư. Điều này dẫn đến việc thừa căn hộ so với nhu cầu đăng ký ban đầu của người dân”, ông Tuấn nói.
Sau tái định cư, dân đi đâu chính quyền cần phải biết
Ngoài ra quá trình bố trí, tái định cư cũng chưa sát với đời sống của người dân. Có tình trạng nơi tái định cư quá xa nơi ở cũ, có nơi thì điều kiện sinh hoạt không thuận lợi…
“Tái định cư không chỉ là nơi ở mà còn là không gian sống, làm việc, đi lại, là phong tục, tập quán của ngời dân. Đây là bài học mà thành phố cũng như các sở ngành quận huyện đã nhận thức được trong quá trình tổ chức tái định cư cho người dân bị giải tỏa”, Giám đốc Sở Xây dựng nhìn nhận.
Về việc dư gần 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư, ông Tuấn cho biết trong số này, thành phố sẽ tiếp tục giữ lại hơn 8.500 căn hộ và nền đất giao cho các quận huyện bố trí tái định cư cho người dân bị giải tỏa trong 153 dự án đã và đang chuẩn bị triển khai. Gần 5.500 căn hộ và nền đất còn lại sẽ bán đấu giá để thu hồi vốn.
Việc bố trí tái định cư không hợp lý khiến cho hàng chục nghìn căn hộ đầu tư cho mục đích này bị bỏ hoang, lãng phí. Ảnh: Lê Quân. |
Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng thuận với ý kiến của Giám đốc Sở Xây dựng phải quan tâm đến đời sống người dân sau tái định cư. Bà Tâm nhìn nhận hiện tại đời sống của người dân sau khi nhận suất tái định cư chưa được quan tâm đúng mức. Và quan trọng nhất sau tái đinh cư, dân đi đâu chính quyền phải biết.
“Nhiều trường hợp người dân sau khi giải tỏa không đủ tiền phải ra ngoại thành mua vài chục mét vuông đất nông nghiệp bằng giấy tay dựng nhà để ở. Nếu quản lý không tốt thì vừa phá vỡ quy hoạch, vừa phát sinh ra những khu ổ chuột mới, thậm chí có những trường hợp lấn chiếm sông rạch để ở”, bà Tâm nói.
Sử dụng đất công hiệu quả không phải là cho thuê giá tốt
Cũng tại buổi giám sát này, UBND TP.HCM nhìn nhận thời gian qua tại nhiều mặt bằng đất công do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước được giao quản lý, sử dụng nhưng lại bố trí cho cán bộ - công nhân viên ở, cho thuê kinh doanh sai mục đích, trái quy định.
Lãnh đạo TP.HCM cho rằng việc quản lý nguồn tài nguyên này vẫn còn hết sức khó khăn, vì đất đai ở thành phố không chỉ được quản lý bởi một đầu mối, mà có rất nhiều cơ quan khác nhau.
Nhiều khu đất công tại TP.HCM đang sử dụng sai mục đích. Ảnh: Lê Quân. |
Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết giai đoạn 2011-2017, UBND TP.HCM đã ban hành 727 quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích đất với tổng diện tích hơn 2.663 ha. Tuy nhiên theo ông Thắng, sau khi được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích đất, vẫn có nhiều trường hợp chậm đưa vào sử dụng, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất.
Ông Thắng cho hay giai đoạn 2003-2010, TP.HCM đã thu hồi hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất với 87 dự án, tổng diện tích 1.159 ha; giai đoạn 2011-2015 là 90 dự án với tổng diện tích 1.657 ha.
Về đấu giá sử dụng đất, ông Thắng thông tin từ năm 2012-2017, thành phố đã tổ chức bán đấu giá 20 khu đất với tổng diện tích gần 14 ha, thu ngân sách hơn 3.915 tỷ đồng.
Giá trị các khoản thu từ đất đai của TP.HCM hàng năm đều tăng và chiếm 8%-9% tổng nguồn thu ngân sách.
Thành phố đã phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp 10.832 mặt bằng nhà đất, trong đó cho các đơn vị tiếp tục sử dụng 6.597 mặt bằng; thu hồi 197 mặt bằng (thu hồi được 169 mặt bằng, còn 28 mặt bằng chưa thu hồi được); cho bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng 1.597 địa chỉ.
Quận nào ở TP.HCM cũng có nhà, đất công sử dụng sai mục đích. Ảnh: Lê Quân. |
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng quản lý đất đai và sử dụng đất đai tốt thì sẽ tạo ra nguồn lực rất lớn. Nói như vậy không phải thành phố đem quyền sử dụng đất cho thuê hoặc bán để thu trực tiếp tiền vào ngân sách. Vấn đề là thành phố phải quy hoạch, quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai, nguồn tài nguyên đất, nhà mà Nhà nước đang quản lý như thế nào cho hiệu quả.
“Nếu chúng ta quản lý tốt không để lãng phí, thất thoát, không để có những hiện tượng tiêu cực xảy ra thì nguồn lực vốn hạn hữu này sẽ phát huy hiệu quả, giúp cho thành phố có nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.
Thành phố cần rà soát, việc thống kê thông tin địa chỉ nhà đất, đơn vị quản lý... để đảm bảo sự quản lý thống nhất, có cơ quan chủ trì chứ không giao nhiều cơ quan quản lý như hiện nay, nhằm tránh sự thất thoát.