Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'TP Thủ Đức sẽ có hệ thống giao thông tốt nhất thành phố'

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TP Thủ Đức sẽ là nơi có hệ thống giao thông tốt nhất thành phố và việc bỏ HĐND cấp quận, phường không hạn chế quyền dân chủ.

Thành lập thành phố Thủ Đức và chính quyền đô thị là hai vấn đề nóng tại buổi tiếp xúc sáng 21/11 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM (đơn vị số 7) với cử tri quận 9 sau kỳ họp Quốc hội thứ 10, khóa XIV.

Các cử tri bày tỏ phấn khởi khi nghị quyết về chính quyền đô thị được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, người dân băn khoăn về nhiệm vụ giám sát khi bỏ HĐND quận, phường và vấn đề hạ tầng, giao thông tại TP Thủ Đức.

Đánh giá kỳ họp vừa qua, nhiều cử tri cho rằng Quốc hội lần này đã chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận. Các cử tri đặc biệt dành lời khen cho những đại biểu trẻ vì đã có góc nhìn thẳng thắn, truy vấn đến cùng, mang lại làn gió mới cho Quốc hội.

Giảm cán bộ, thủ tục hành chính có nhanh?

Cử tri Đặng Thị Hà (phường Tân Phú) băn khoăn chất lượng các dịch vụ hành chính công sau khi sáp nhập 3 quận. Theo bà, dù hiện có cơ chế một cửa, việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, quy hoạch, tranh chấp... vẫn còn chậm.

Nhận định việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ giúp thành phố tiết kiệm ngân sách khi số lượng cán bộ giảm còn 1/3, song bà Hà băn khoăn "lượng cán bộ giảm, liệu các thủ tục hành chính có nhanh không?".

Cử tri cũng cho rằng việc bỏ HĐND cấp quận, phường, sẽ tạo áp lực rất lớn cho mặt trận tổ quốc phường, xã. Do đó, chính quyền cần có biện pháp hỗ trợ để các mặt trận cấp cơ sở có đủ trình độ giải quyết nhanh các nhiệm vụ.

dai bieu Quoc hoi tiep xuc cu tri TP.HCM anh 1

Nhiều cử tri góp ý cho việc thành lập thành phố Thủ Đức. Ảnh: Thu Hằng.

Cử tri Nguyễn Thị Dung (phường Tăng Nhơn Phú A) cho rằng khi bỏ HĐND cấp quận, phường, trách nhiệm giám sát chỉ còn tập trung vào đại biểu HĐND và đại biểu Quốc hội. Do đó, bà đề nghị cơ quan dân cử cần thay đổi, phân công trách nhiệm từng đại biểu, không để tình trạng chung chung.

"Ví dụ như vụ Thủ Thiêm, trách nhiệm giám sát của đại biểu Quốc hội và HĐND TP như thế nào?", bà Dung đặt câu hỏi.

Nữ cử tri cho rằng để lắng nghe ý kiến của dân, các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cần công khai thông tin liên hệ, gồm số điện thoại cá nhân, email, mạng xã hội... để dân có thể kết nối khi cần.

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Thị Tâm (phường Hiệp Phú) chia sẻ từ khi có thông tin thành lập thành phố Thủ Đức, giá nhà đất tại khu vực quận 9 ngày càng tăng. Cử tri nhận định khi lên thành phố, dân cư sẽ ngày càng đông hơn. Từ đó, bà đặt ra các vấn đề về số lượng trường học, bệnh viện, giao thông, hạ tầng đáp ứng cho người dân.

Bà Tâm dẫn chứng hiện nay, nhiều lớp học sĩ số đã lên đến 50 em/lớp, nếu dân tăng nhanh, sĩ số có thể tăng nữa. Vì thế, đề nghị chính quyền cần có chính sách hạn chế sự tăng dân số cơ học nhằm đảm bảo xây dựng TP Thủ Đức theo chuẩn đã đặt ra.

Cơ chế giám sát khi bỏ HĐND quận, phường

Đại diện tổ đại biểu Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM), cho biết khi nghiên cứu thiết kế TP Thủ Đức, chính quyền đã tổ chức thi tuyển quốc tế quy hoạch 3 quận thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao.

"Mục tiêu là phát triển khu vực này thành nơi có hệ thống giao thông tốt nhất, thuận tiện nhất thành phố", ông Nhân nhấn mạnh. Theo ông, hoàn thiện giao thông nhưng phải có quy hoạch mới, để bà con có thể tin tưởng "thành phố mới là mẫu mực".

Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM dẫn chứng TP Thủ Đức có cảng vận tải hàng hóa lớn nhất phía nam, có kết nối tàu điện ngầm lên khu vực Suối Tiên. Khi sân bay Long Thành hoàn thành, TP Thủ Đức cũng sẽ nằm giữa 2 sân bay. Trong tương lai, TP Thủ Đức có thể sẽ là nơi thử nghiệm xe không người lái.

dai bieu Quoc hoi tiep xuc cu tri TP.HCM anh 2

Ông Nguyễn Thiện Nhân trả lời cử tri. Ảnh: Thu Hằng.

Về băn khoăn bỏ HĐND quận, phường có ảnh hưởng đến quyền dân chủ của nhân dân hay không, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết thành phố đã thí điểm mô hình này từ năm 2009 đến 2016 và có nhiều cơ chế cho nhân dân phản ánh.

Ông thông tin Quốc hội đã có nghị quyết cho phép TP.HCM tăng số đại biểu chuyên trách lên 19 người. Bên cạnh đó, các chương trình giám sát của HĐND TP sẽ phân cho từng quận, phường để các đại biểu trực tiếp chịu trách nhiệm giám sát. HĐND TP cũng sẽ kết hợp với Mặt trận tổ quốc để giám sát, kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra và phản ánh của người dân.

Ông Nhân nhấn mạnh ý nghĩa của hệ thống phản ánh tại mỗi quận, phường đến quá trình giám sát. Ông dẫn chứng trong 33 tháng, thành phố đã tiếp nhận gần 8.000 ý kiến người dân, bình quân mỗi tháng tiếp nhận 239 ý kiến và xử lý kịp thời 96%. Từ đó, một tháng thành phố xử lý bình quân 10 đảng viên và 11 cán bộ, công chức có sai phạm do người dân phát hiện.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội nhận định mặt thuận lợi của việc bỏ HĐND cấp quận, phường là sẽ giúp chính quyền giải quyết nhanh hơn, tốt hơn khi giảm bớt được nhiều công đoạn và thúc đẩy quá trình giám sát. "Trước đây, ngân sách phải thông qua HĐND quận, phường thì giờ chỉ cần HĐND thành phố quyết một lần là địa phương có thể thực hiện ngay, đảm bảo nhanh, đồng bộ", ông dẫn chứng.

Về các góp ý còn lại của cử tri, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khẳng định đã ghi nhận và sẽ trình lên Quốc hội. Riêng với việc công khai thông tin liên hệ của đại biểu, ông Nhân cho biết sẽ thảo luận với đoàn đại biểu về phương án phù hợp và sớm công khai với cử tri.

Ông Trần Lưu Quang: Xin lỗi bà con cử tri

Đại biểu Quốc hội Trần Lưu Quang gửi lời xin lỗi đến cử tri vì giải quyết vấn đề Thủ Thiêm chậm trễ. Ông cho biết chính quyền sẽ hoàn thành việc này trước tháng 6/2021.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm