Ngày 29/6, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng có công văn khẩn gửi UBND tỉnh Bình Dương và các đơn vị liên quan như Công an tỉnh, Sở Y tế tỉnh, Trung tâm Y tế tỉnh, UBND TP Dĩ An, UBND TP Thuận An.
Trong đó, TP Thủ Đức đề nghị Bình Dương phối hợp tăng cường biện pháp ứng phó khẩn cấp trong phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ truyền thống trên địa bàn giáp ranh giữa Bình Dương và TP Thủ Đức (TP.HCM).
Hộ kinh doanh, buôn bán tại chợ truyền thống khu vực giáp ranh phải thực hiện đúng hướng dẫn hoạt động kinh doanh với mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu; đảm bảo tuyệt đối tuân thủ biện pháp phòng chống dịch.
Đồng thời, Ban Quản lý các chợ truyền thống tại khu vực giáp ranh triển khai cho tiểu thương ghi nhật ký bán hàng; trong đó có đầy đủ thông tin cần thiết như: Họ tên, số điện thoại khách hàng, thời điểm giao dịch trong ngày... để phục vụ công tác cách ly, truy vết khi cần thiết.
Các cơ quan chức năng phải nắm số hộ kinh doanh, người dân ra/vào các chợ truyền thống khu vực giáp ranh; không để người dân tự ý di chuyển giữa các chợ mà không khai báo, kiểm tra y tế theo quy định.
Cuối cùng, UBND TP Thủ Đức đề nghị Bình Dương chủ động phối hợp các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối khu vực cách ly.
TP.HCM liên tục phát hiện nhiều ca nhiễm liên quan đến các chợ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận 3.548 ca mắc mới, vượt Bắc Ninh và đang là ổ dịch có số ca mắc nhiều thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.
Ngày 19/6, UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 10 về giãn cách xã hội với các quy định như không tụ tập quá 3 người nơi công cộng, giữ khoảng cách 1,5 m, tạm dừng chợ tự phát... TP.HCM cũng quyết định phong tỏa hàng loạt khu vực có nhiều ca nhiễm nCoV tại huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, quận 8.
Ngày 26/6, ngành y tế bắt đầu chiến dịch lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm diện rộng toàn thành phố trong 10 ngày.
Ngày 28/6, TP.HCM phân nhóm mức độ diễn biến dịch. Theo đó, các nơi có nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ). Nơi có nguy cơ cao là huyện Củ Chi, quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và 9 cũ). Các nơi có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 7, 10, 11, và Phú Nhuận.
Thành phố cũng quyết định tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 sau 0h ngày 29/6 đến khi có thông báo mới.