Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP HCM làm đầu mối tiêu thụ vải thiều tại miền Nam

Năm 2016 này, dự kiến sản lượng vải tiêu thụ tại TP HCM, miền Tây và Đông Nam Bộ sẽ đạt con số lớn nhất từ trước tới nay, khoảng 60.000 tấn.

Tại hội nghị xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều vào thị trường phía Nam sáng nay, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những việc cần làm để dễ bán hàng và gia tăng giá trị cho trái vải.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích vải thiều năm 2016 là 30.000 ha, giảm 1.000 ha so với năm ngoái, sản lượng sẽ đạt khoảng 130.000 tấn (giảm 65.000 tấn so với năm 2015). Dự kiến sản lượng xuất khẩu 52.000 tấn, chiếm khoảng 40%, còn lại tiêu thụ nội địa, với khoảng 78.000 tấn.

Vai thieu mien Bac ban tai mien Nam anh 1
Ước tính sẽ có khoảng 78.000 tấn vải thiều Bắc Giang trong vụ 2016 được tiêu thị tại thị trường nội địa. Ảnh: Lê Hiếu.

Bước vào chính vụ vải thiều năm nay, Sở Công Thương TP HCM cam kết nỗ lực hết sức để trái vải đến được nhiều hơn với người tiêu dùng phía Nam. Năm 2016 này, dự kiến sản lượng vải tiêu thụ tại TP HCM, miền Tây và Đông Nam Bộ sẽ đạt con số lớn nhất từ trước tới nay, khoảng 80.000 tấn.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, vào chính vụ năm 2015, một đêm chợ đầu mối Thủ Đức tiếp nhận khoảng 500 đến 1.000 tấn và cả mùa là 33.000 tấn.

Năm nay, đã vào chính vụ nhưng lượng vải nhập chợ hàng đêm chỉ 400 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ) giá bán trung bình 25.000-35.000 đồng/kg. Mặc dù không thể hỗ trợ 100% sản lượng nhưng chợ đầu mối là một kênh tốt góp phần tăng tiêu thụ nội địa.

Các doanh nghiệp cho rằng, dù thị trường phía Nam luôn đón nhận và hỗ trợ việc tiêu thụ vải thiều chính vụ, nhưng cũng cần phải có những bước đi bài bản cụ thể về chiến lược sản phẩm. Trong đó, việc quan trọng nhất là tăng chất lượng, tiến đến xây dựng hợp lý về tiêu chuẩn an toàn. Trước mùa vụ cần có thông tin và bài học kinh nghiệm của những vụ trước để bán hàng một cách bài bản hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho biết: Saigon Co.op hiện có đến 83 siêu thị trên cả nước, và sẽ là kênh tiêu thụ tốt cho vải thiều. Năm ngoái hệ thống này đã tiêu thụ 500 tấn, năm nay có thể là 600 tấn. Tuy nhiên để tiêu thụ nhiều và chất lượng cao thì cần phải nâng cao bảo quản sau thu hoạch, để vừa giữ chất lượng vừa giữ giá thành. Hiện tại khâu đóng gói để đưa hàng vào siêu thị vẫn bị các nhà sản xuất bỏ qua, nên chưa thể bán hàng như ý.

“Khâu đóng gói rất quan trọng. Mặc dù là tiêu thụ trong nước, vải thiều thì có nhiều loại (Lục Ngạn, Thanh Hà…)  nên rất cần đóng gói, ghi rõ xuất xứ để giúp người tiêu dùng nhận diện được giá trị thực nhất của sản phẩm. Để vải trơn như hiện nay rất dễ nhầm lẫn giữa nhiều loại hàng",  ông Hòa chia sẻ.

Ngoài ra, chuyện vận chuyển cần phải được giải quyết triệt để. Thị trường phía Nam quá xa vùng nguyên liệu, tình trạng xuống cấp chất lượng quả vải sẽ rất nhanh nếu vận chuyển không đúng cách.

 “Nhà sản xuất cần phải tính toán diện tích, sản lượng là bao nhiêu? Trong đó tỷ lệ xuất khẩu và nội địa là bao nhiêu? Khi định hình được thì mới có kế hoạch đồng bộ với giải pháp vận chuyển”, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM Nguyễn Ngọc Hòa nói.

Sở Công Thương TP HCM cũng cho biết, sẽ đứng ra làm đầu mối để gắn kết với các kênh bán lẻ hiện đại trong vụ vải năm nay.

Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang: “Vấn đề khó nhất vẫn là bảo quản chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Để đầu tư công nghệ bảo quản hiện đại thì chi phí rất cao, trong khi vụ vải chỉ có 2 tháng, như vậy cần phải tính toán chi phí hợp lý kết hợp cũng các loại nông sản khác để gối vụ cho tiết kiệm. Đây sẽ là vấn đề được cân nhắc cho những vụ tiếp theo”.


Bình Nguyên - Phạm Oanh

Bạn có thể quan tâm