Chiều 27/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam có buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng khẳng định, TP HCM là đầu tàu kinh tế không chỉ của vùng Đông Nam Bộ mà là của cả nước. “TP HCM chỉ chiếm 0,6 diện tích cả nước, 6,6% dân số, nhưng lại chiếm tới 22% GDP, 30% ngân sách. Đặc biệt, sau 40 năm giải phóng, TP HCM luôn đi đầu, đổi mới”, Thủ tướng khẳng định.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là cuộc họp xử lý kiến nghị của TP HCM về cơ chế, chính sách. “Mỗi lần vào TP HCM là chúng ta tạo ra những điều kiện về cơ chế, chính sách cho nơi này phát triển”, Thủ tướng nói. Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, cuộc làm việc sẽ kéo dài tới 18h và đề nghị các bộ, ban, ngành tham gia cuộc họp phát biểu trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề.
Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng |
Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, đã trình bày tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đồng thời, đề xuất nhiều vấn đề lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó chính quyền địa phương này kiến nghị 7 vấn đề quan trọng liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền; cơ chế tài chính đặc thù; tổ chức bộ máy; đầu tư kết cấu hạ tầng; xử lý nhà đất do các cơ quan, đơn vị, công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn; địa điểm đặt trụ sở Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam; đảm bảo an ninh trật tự.
Về phân cấp, ủy quyền, TP HCM kiến nghị phân cấp cho TP thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành/lĩnh vực cho phù hợp với tình hình địa phương như phí và lệ phí, xử lý vi phạm hành chính, tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ viên chức.
Về một số cơ chế tài chính, TP HCM kiến nghị cho phép chủ động xây dựng dự thảo nghị định, sửa đổi về cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù. Lãnh đạo TP HCM đặc biệt kiến nghị về việc sử dụng quỹ dự trữ tài chính, tạm ứng từ quỹ để chi cho các dự án hạ tầng quan trọng mà ngân sách chưa bố trí trong phạm vi kế hoạch đầu tư công. Địa phương này cũng đề nghị được sử dụng nguồn vốn từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và thoái vốn nhà nước từ các doanh nghiệp do UBND TP làm chủ sở hữu.
Về tổ chức bộ máy, TP HCM kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm, là cơ quan chuyên môn thuộc UBND, trên cơ sở tổ chức lại chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế.
Liên quan đến đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, TP HCM kiến nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn như đường sắt đô thị, đường vành đai, đường trên cao và một số đường hướng tâm quan trọng. TP HCM cũng muốn được chủ động quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, giảm áp lực ngân sách nhà nước đối với các dự án cải tạo chung cư cũ, chỉnh trang đô thị, di dời và tái định cư, cải thiện đời sống cho các hộ dân ở trên và ven kênh rạch; 19 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn.
Về bảo đảm an ninh trật tự, TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhất là đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.
Cho phép lực lượng Công an TP được áp dụng cơ chế đặc thù về tăng cường biên chế, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và các chế độ chính sách của cán bộ chiến sĩ ngang tầm với quy mô địa bàn trọng điểm và đặc điểm phức tạp của TP, thí điểm bố trí Công an chính quy tại các xã có tốc độ đô thị hóa nhanh.