Theo báo cáo, việc triển khai công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trong 10 năm qua được thực hiện cơ bản đúng thời gian, đúng trình tự thủ tục theo quy định.
Tuy nhiên, việc kê khai chưa phát huy hiệu quả cao, còn nặng hình thức, chủ yếu quản lý bản kê khai, chỉ sử dụng khi có vấn đề phản ánh, tố cáo, xác minh giữa tài sản kê khai và tài sản thực tế cũng như nguồn gốc tài sản của người kê khai.
Kết quả, từ đầu năm 2007 đến 30/6 có một trường hợp đưa vào diện xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập và đã bị kết luận kê khai không trung thực. Đó là trường hợp ông HĐA, chuyên viên Đội Quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh.
Báo cáo cũng nêu rõ trong thời gian trên đã xảy ra 23 trường hợp xử lý người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Kết quả có một trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng tại quận Gò Vấp.
Phát hiện ít, xử lý còn kéo dài
UBND TP HCM nhận định tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu: Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản đạt kết quả thấp. Điều này gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của TP.
Những việc như mừng nhà mới, nhận chức vụ, tổ chức sinh nhật, việc nhận bằng cấp, học hàm, học vị, danh hiệu thi đua, khen thưởng… đã giảm đáng kể, không còn tổ chức rình rang.
Tuy nhiên, trong thực tế việc tặng quà để được việc, nhận quà biếu có tính chất hối lộ vẫn còn ngấm ngầm diễn ra, rất khó phát hiện, khó định giá quà tặng nào là vi phạm. Do đó, không thể phát hiện được ai nhận quà sai quy định mà không nộp lại để xử lý, đồng thời cũng khó phân định mức khen thưởng cho người nhận quà và nộp lại quà tặng.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức còn có thái độ cáu gắt, nhũng nhiễu với cá nhân, tổ chức khi đến giải quyết công việc tại cơ quan, đơn vị; chưa đảm bảo giờ giấc làm việc.
UBND TP cũng nhận định một bộ phận người dân, doanh nghiệp xuất hiện tâm lý khi giao dịch, tiếp xúc với cơ quan, đơn vị cần phải “lót tay”, chấp nhận tiêu cực, tham nhũng. Hoặc tìm cách tác động bằng nhiều hình thức khác nhau đối với cán bộ, công chức với mục đích được thuận lợi, suôn sẻ trong công việc mà chưa chú trọng đến hành vi góp phần tham nhũng, tiêu cực.
Qua thống kê, tổng hợp từ các cơ quan, đơn vị đã có 147 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và đã bị xử lý.