Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Touch ID trên iPhone có thực sự cần thiết?

Apple không công bố con số thống kê số liệu người dùng Touch ID của mình. Tuy nhiên theo nhiều bên thứ 3, chỉ có khoảng 15% người dùng iPhone sử dụng tính năng này.

Không phải ai cũng muốn dùng cảm biến vân tay bởi sự không ổn định của nó. Thay vì mở khóa điện thoại thông qua 2 bước đơn giản là trượt ngang và nhập mật khẩu thì giờ đây người dùng iPhone phải nhấn nút home và giữ nguyên trong vòng nửa giây, không quá ngắn để khởi động nhưng cũng không được quá dài để kích hoạt Siri. Sau đó mới đến công đoạn nhập mã pin.

Mặc dù không tốn quá nhiều thì giờ, song việc phải lặp lại chuỗi hành động trên cả trăm lần mỗi ngày đủ khiến chúng ta cảm thấy khó chịu.

Vấn đề này sẽ được khắc phục triệt để trên iPhone 7 và iPhone 7 Plus bằng nút home cảm nhận lực cực kỳ nhạy. Tuy nhiên, với phần đông người dùng chưa kịp sở hữu bộ đôi siêu phẩm này, việc sử dụng iPhone với Touch ID đang là điều phức tạp với họ.

Vậy tại sao họ không sử dụng Touch ID? Có nhiều lý do để giải thích cho điều này. Một số người do lao động, chơi nhạc cụ hoặc vì tai nạn nên có đường vân tay quá mờ để iPhone nhận diện.

Số khác dù rất muốn sử dụng nhưng đành bất lực trước công nghệ hiện đại này vì bàn tay ra mồ hôi trộm quá nhiều. Hoặc đơn giản vì tính năng này không khả dụng trên những mẫu điện thoại cũ như iPhone 5, 5C…

Bên cạnh đó, việc quá lạm dụng tính năng Touch ID còn làm dấy lên mối lo ngại về việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền riêng tư cá nhân đối với các thiết bị điện tử.

Trong tàng thư của cơ quan an ninh mỗi quốc gia có lưu trữ hàng triệu mẫu dấu vân tay của người dân. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, việc mô phỏng ngón tay người dựa trên những dấu vân tay này hoàn toàn có thể thực hiện được.

Đầu năm 2016, các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan - Mỹ đã sử dụng mô hình dấu vân tay giả để mở khóa thành công Galaxy S6 sau khi chủ nhân của chiếc điện thoại bị chết trong một tai nạn đáng ngờ.  

Không dễ bị “qua mặt” như trong trường hợp trên, iPhone có mức độ bảo mật cao hơn hẳn. Bởi tùy từng trường hợp các sản phẩm của Apple chỉ có thể mở khóa bằng mật mã. Nếu điện thoại bị tắt nguồn hoặc ở chế độ nghỉ (idle) quá 48 giờ đồng hồ, tính năng nhận diện dấu vân tay sẽ bị vô hiệu.

Đây là lý do tại sao FBI chịu bó tay trong vụ lùm xùm San Bernardino vừa qua. Tuy nhiên, sau sự kiện đối đầu căng thẳng giữa FBI và Apple, người dùng đã trở nên cảnh giác hơn rất nhiều dù Tim Cook và đội ngũ phát triên luôn khuyến khích sử dụng Touch ID trong mỗi chu kỳ sản phẩm mới.

Theo một báo cáo vào hè năm ngoái, chỉ khoảng phân nửa người dùng iPhone được hỏi nói rằng họ có dùng công nghệ này. Các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba cho biết lượng người dùng thậm chí còn thấp hơn, chỉ ở mức 15%.

Ở một khía cạnh khác, đây không phải chiêu trò quá mới mẻ của Apple. Tương tự như cách công ty ép người dùng thay đổi thói quen dùng tai nghe từ giắc 3,5 mm sang cổng Lightning.

Những bức xúc ban đầu là không tránh khỏi. Khi mới chuyển sang cổng Lightning, hàng tá người dùng buông lời than phiền, cho rằng họ không thể sử dụng điện thoại nếu thiếu các phụ kiện cũ, nhưng rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Các kỹ sư của Apple luôn tự tin vào khả năng đón đầu xu hướng của mình. Họ luôn khẳng định những thay đổi này chỉ nhằm mục đích duy nhất là đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Hãng nóng lòng đốt cháy giai đoạn, đẩy nhanh quá trình sử dụng TouchID để khách hàng mau chóng làm quen.

Suy cho cùng, dấu vân tay là sở hữu cá nhân của mỗi người. Không một ai có quyền bắt chúng ta phải trình diện một phần cơ thể mình cho bất cứ ai hay bất cứ loại máy móc công cụ nào kiểm soát mỗi ngày. Phải chăng Apple đã quá độc tài trong các quyết định của mình?

Minh Minh

Bạn có thể quan tâm