Top 5 không quân mạnh nhất ĐNA (kỳ 3)
Không quân nhân dân Việt Nam được thành lập vào ngày 03/03/1955, ngay sau khi thành lập không lâu Không quân Việt Nam đã phải chạm trán với lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới của Mỹ.
Tuy non kém về kinh nghiệm, thiếu thốn về trang thiết bị nhưng Không quân nhân dân Việt Nam đã giành được những chiến công hiển hách trước Không quân Mỹ.
Su-30MK2V tiêm kích hiện đại nhất Không quân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. |
Trong chiến tranh, có đến 16 phi công Việt Nam đạt danh hiệu “Át chủ bài” (phi công có số lần bắn rơi máy bay đối phương từ 5 lần trở lên). Sự xuất sắc của các phi công Việt đã buộc Không quân Mỹ phải tiến hành quá trình huấn luyện chiến đấu khác biệt Top Gun để cải thiện khả năng không chiến của họ.
Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Không quân Việt Nam lại tiếp tục tham chiến trên chiến trường Tây Nam. Những chiếc trực thăng tấn công Mi-24 thực hiện nhiệm vụ chi viện hỏa lực, tiêu diệt các tiền đồn và truy quét tàn quân Khơ-me đỏ.
Những năm 1980, Không quân Việt Nam đã được Liên Xô chuyển giao cường kích tấn công mặt đất Su-22M, đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á có phi đội máy bay chiến đấu hùng mạnh.
Vào thời điểm đó có khoảng 250 chiếc MiG-21 cùng với 40 chiếc Su-22M cùng với số lượng khá lớn máy bay chiến đấu các loại thu giữ được của VNCH.
Không quân nhân dân Việt Nam bắt đầu tiến hành quá trình hiện đại hóa vào những năm 1990. Năm 1994, Việt Nam đã đặt mua từ Nga 5 chiếc Su-27SK và 1 chiếc Su-27UBK đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 2 ở châu Á và đầu tiên ở Đông Nam Á sở hữu tiêm kích tốt nhất thế kỷ 20 này.
Việt Nam là quốc gia thứ 2 ở châu Á và đầu tiên ở ĐNA sở hữu tiêm kích tốt nhất thế kỷ 20 Su-27. |
Đến năm 1996, Việt Nam lại đặt mua tiếp 2 chiếc Su-27SK và 4 chiếc Su-27UBK, tuy nhiên trong quá trình vận chuyển đến Việt Nam, chiếc An-124 chở theo 2 chiếc Su-27UBK đã gặp nạn, sau đó phía Nga bồi thường cho Việt Nam 2 chiếc Su-27PU tiền thân của Su-30.
Cuối năm 2003, Việt Nam tiếp tục trở thành khách hàng đầu tiên ở Đông Nam Á sở hữu tiêm kích Su-30MK2 bằng hợp đồng mua 4 chiếc Su-30MK2 tương tự như biến thể Su-30MKK xuất khẩu cho Trung Quốc với một vài cải tiến về hệ thống điện tử và trang bị ghế phóng mới.
Đến năm 2009, Việt Nam tiếp tục ký hợp đồng mua thêm 8 chiếc Su-30MK2V, một biến thể được thiết kế chuyên dụng cho nhiệm vụ đánh biển. Năm 2011 Việt Nam tiếp tục ký hợp đồng mua thêm 12 chiếc Su-30MK2V trị giá 1 tỷ USD.
Hợp đồng lần này ngoài máy bay còn đi kèm theo hợp đồng mua tên lửa không đối không tầm ngắn R-73M, tên lửa không đối không tầm trung R-27ER tầm bắn tới 130km, tên lửa chống hạm Kh-31A và tên lửa hành trình không đối đất Kh-29 cùng với bom thông minh các loại.
Tính đến năm 2013, Không quân nhân dân Việt Nam có tổng cộng 24 chiếc Su-30MK2 cùng 12 chiếc Su-27SK/UBK/PU đưa Việt Nam trở thành quốc gia có phi đội tiêm kích Sukhoi đông đảo nhất khu vực Đông Nam Á.
Đôi cánh ma thuật Su-22M3/M4 luôn sẳn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. |
Su-30MK2V của Việt Nam được đánh giá thuộc loại hiện đại hàng đầu khu vực. Nếu xét ở khía cạnh kỹ thuật đơn thuần thì Su-30MKM của Malaysia có phần nhỉnh hơn nhưng Su-30MK2V của Việt Nam lại đánh biển tốt hơn.
Mặt khác, máy bay bay hiện đại chỉ là một yếu tố cần chứ chưa đủ để dành chiến thắng trong một cuộc không chiến. Điều đó còn phụ thuộc vào kỹ năng của phi công cũng như chiến thuật hợp lý và đây chính là thế mạnh của Không quân Việt Nam.
Trong năm 2005 Việt Nam đã ký hợp đồng mua 40 chiếc cường kích Su-22M3 đã qua sử dụng từ Ba Lan. Đây là biến thể xuất khẩu của Su-17M3, máy bay đã được nâng cấp hệ thống điện tử hàng không, tăng sức chứa nhiên liệu, trang bị bổ sung thêm 2 giá treo vũ khí ở mỗi bên cánh.
Đến năm 2006 Việt Nam tiếp tục mua thêm một số Su-22M4 đã qua sử dụng từ Ukraine và CH Séc cũng như nâng cấp một số Su-22M3 lên chuẩn M4. Su-22M4 đươc nâng cấp hệ thống điện tử hiện đại hơn, trang bị hệ thống dẫn hướng vô tuyến CHAYKA tương tự như hệ thống dẫn hướng vô tuyến Loran-C, hệ thống dẫn hướng quán tính mới.
Én bạc MiG-21 50 năm vẫn luôn sẳn sàng cất cánh làm nhiệm vụ bảo vệ không phận quốc gia. |
Mặc dù Su-22M3/M4 được cho là đã lạc hậu nhưng với chiến lược quốc phòng của Việt Nam cùng điều kiện địa lý thuận lợi sẽ cho phép Su-22M3/M4 thực hiện những cuộc tập kích đường không tốc độ cao vào biên đội tàu chiến của đối phương bằng sát thủ chống hạm đáng sợ nhất thế giới Kh-31A.
Tuy rằng Không quân nhân dân Việt Nam đã được bổ sung trang bị 36 chiếc tiêm kích Sukhoi hiện đại nhưng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ không phận vẫn là những chiếc tiêm kích MiG-21 huyền thoại. MiG-21 của Việt Nam vẫn liên tục được nâng cấp lên các tiêu chuẩn mới hiện đại hơn như: MiG-21 Lancer, MiG-21 Bis và MiG-21-93.
Gần đây nhất, MiG-21 của Việt Nam đang được nâng cấp lên tiêu chuẩn Mig-21-2000 với sự trợ giúp của tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Israel IAI.
Trực thăng vận tải đa năng Mi-17 đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho nhà dàn ĐK-1, một hình ảnh thiêng liêng về chủ quyền biển đảo nơi đầu sóng ngọn gió. |
Ngoài lực lượng máy bay chiến đấu hùng hậu, Không quân Việt Nam còn có phi đội trực thăng hùng hậu nhất Đông Nam Á với khoảng 195 chiếc các loại đang hoạt động. Trong đó đông đảo nhất là phi đội trực thăng vận tải đa năng Mi-8 và Mi-17.
Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã thành lập Không quân-hải quân với nòng cốt là phi đội trực thăng EC-225 Super Puma và 6 chiếc thủy phi cơ đa dụng DHC-6 Twin Otter series 400.
Tương lai nhiều khả năng Việt Nam sẽ mua từ Mỹ 6 chiếc máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-3C Orion. Tuy nhiên, điểm hạn chế của Không quân Việt Nam là năng lực vận tải đường không chiến lược. Năng lực vận tải đường không chiến lược của Việt Nam phụ thuộc vào phi đội 10 máy bay vận tải An-26 cùng một số máy bay vận tải hạng nhẹ M-28.
Bên cạnh đó, Không quân Việt Nam thiếu máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm đường không AWACS. Đây là một hạn chế lớn trong việc xây dựng phi đội chiến đấu hùng mạnh. Theo một số nguồn tin, Việt Nam đang quan tâm đến máy bay AWACS CN-295 AEW&C do Tây Ban Nha sản xuất.
quốc việt
Theo Infonet