Nguyễn Thúc Thùy Tiên sinh năm 1998, hiện là sinh viên Khoa Pháp văn, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM. Cô đoạt danh hiệu Người đẹp Nhân ái và Top 5 Hoa hậu Việt Nam 2018. Trước đó, cô là Á khôi Nam Bộ 2017.
Thùy Tiên cũng nổi tiếng trên mạng xã hội với việc là thí sinh nhận câu hỏi ứng xử: “Bạn nghĩ có chỗ cho hoa hậu và các người đẹp trong việc thực hiện cách mạng 4.0 không?”. Câu trả lời của cô là: “Em học chuyên ngành ngôn ngữ, cách mạng 4.0 hơi xa lạ với em. Theo em, bất kỳ thời đại, xã hội nào, nếu như bạn cố gắng hoàn thành vai trò, nhiệm vụ của mình, bạn đều có thể cống hiến. Cách mạng 4.0 không nằm ngoài quy luật đó”.
Zing.vn trò chuyện với cô gái có ánh mắt sắc sảo và câu trả lời gây tranh luận của Hoa hậu Việt Nam 2018.
“Rất nhiều người chưa hiểu cách mạng 4.0 là gì”
- Mọi người biết đến chị với màn trả lời ứng xử Hoa hậu Việt Nam về cách mạng 4.0. Nhìn lại, chị có hài lòng với câu trả lời của mình?
- Tôi có đọc bình luận trên mạng, câu trả lời của tôi tạo ra 2 luồng ý kiến. Một là không đồng tình, còn một cho rằng tôi đã xử lý tốt. Với riêng tôi, tôi đã trả lời thật lòng. Lúc đó, tôi hoàn toàn tự tin, bình tĩnh trước một câu hỏi khó như vậy và đến bây giờ, tôi vẫn hài lòng với câu trả lời đó. Nếu có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về cách mạng 4.0, tôi sẽ trả lời kỹ hơn.
Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Người đẹp Nhân ái và lọt vào top 5 tại Hoa hậu Việt Nam 2018. Ảnh: Kiếng Cận. |
- Nhưng cộng đồng mạng cũng cho rằng câu hỏi đó nằm ngoài khả năng của hầu hết thí sinh hoa hậu?
- Câu hỏi đó nhằm thử khả năng ứng biến của thí sinh chứ không chỉ là kiến thức. Mỗi câu hỏi được ban giám khảo (BGK) đưa ra đều có lý do của nó nên tôi không hề thắc mắc mà chỉ quan tâm làm sao để mình trả lời được.
- Nếu bây giờ trả lời lại, chị sẽ nói gì?
- Nếu không kịp tìm hiểu thì câu trả lời của tôi vẫn sẽ như vậy. Còn nếu có thời gian tìm hiểu, chắc chắn tôi sẽ trả lời tốt hơn.
- Nếu nhiều người nghe câu trả lời đó và đánh giá là chị kém thông minh?
- Tôi nghĩ mình có sao nói vậy. Thực sự, bên ngoài cũng có rất nhiều người chưa hiểu cách mạng 4.0 là gì. Tôi cũng biết khái niệm đó nhưng chưa hiểu rõ. Một người bạn học ngành công nghệ thông tin cũng nói với tôi rằng, bạn ấy không dám nhận là hiểu rõ về cách mạng 4.0. Tôi thành thật với bản thân, với BGK và với khán giả nên tôi đã hoàn thành tốt phần thi rồi.
Còn với những người bảo tôi kém thông minh, tôi sẽ nói với họ rằng: không thể nào dùng một câu trả lời để đánh giá 20 năm học hành của người khác.
Không sợ bị coi là “nhan sắc ao làng” vì đoạt danh hiệu nhỏ
- Khi trở thành Người đẹp Nhân ái và vào thẳng top 5 Hoa hậu Việt Nam, chị có nghĩ mình sẽ là hoa hậu?
- Tôi không nghĩ là mình sẽ được vào top 5 Người đẹp Nhân ái cơ, chứ chưa nói là Top 5 Hoa hậu Việt Nam. Thế nên khi được xướng tên là Người đẹp Nhân ái, tôi bất ngờ đến mức quên cả việc mình sẽ là thí sinh trả lời ứng xử đầu tiên. Cảm giác của tôi là rất hài lòng vì tôi không đặt mục tiêu vào Top 5 mà chỉ Top 10 thôi. Tôi mãn nguyện và không có suy nghĩ gì khác cả.
Nguyễn Thúc Thùy Tiên trên sân khấu đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2018. Ảnh: Bá Ngọc. |
- Trước Hoa hậu Việt Nam, chị cũng có kinh nghiệm thi sắc đẹp nhưng đó là cuộc thi nhỏ mang tính vùng miền (Hoa khôi Nam Bộ 2017, Thùy Tiên giành giải Á khôi), chị có sợ sẽ bị xếp vào diện nhan sắc ao làng?
- Sau cuộc thi Hoa khôi Nam Bộ 2017, tôi hầu như không có hoạt động gì cả. Tôi không có ê-kíp hay công ty định hướng cho mình về showbiz nên tên tuổi không được nhiều người biết đến. Cuộc sống của tôi sau danh hiệu Á khôi là cuộc sống của một cô sinh viên bình thường. Vì thế, tôi cũng không bị soi mói là nhan sắc ao làng.
Đối với tôi, nếu người ta đánh giá với mình chỉ qua việc nhìn vào một bức hình thì tôi không quan tâm lắm. Tôi chỉ quan tâm đến góp ý của những người đã tiếp xúc với mình.
Đến bây giờ vẫn vậy, mọi người biết đến tôi theo nhiều cách. Có thể là “Người đẹp Nhân ái, Top 5 Hoa hậu Việt Nam”. Trong mắt một số người sẽ là “cô gái trả lời kém thông minh”, với một số khác lại là “cô gái trả lời sắc sảo”. Tôi không thể đi tiếp xúc với từng người và thể hiện cá tính của mình với họ.
Bố mẹ ly dị năm tôi 4 tuổi, tôi khóc nhiều đến chai sạn
- Chuyện bố mẹ chị ly dị được nhắc đến khá nhiều nhưng chị chưa từng chia sẻ cụ thể. Chuyện đó xảy ra đã tác động như thế nào đến chị?
- Ba mẹ tôi ly dị năm tôi 4 tuổi. Việc này khiến tôi trở nên tự lập như bây giờ. Tính cách của tôi khá đàn ông, mạnh mẽ và độc lập.
Khi tiếp xúc với tôi, kể cả 42 bạn thí sinh hoa hậu khác dù chỉ trong thời gian ngắn, các bạn cũng bảo tôi “Mày bớt đàn ông lại đi!”. Khi các anh chị xách vali xuống xe cho các bạn, tôi cũng chạy lại giúp, dù vẫn đang mặc váy và mang guốc. Tôi tự tay mình làm rất nhiều thứ.
Nhan sắc đời thường của Thùy Tiên. Ảnh: Viết Quý. |
- Thời gian đầu sau khi bố mẹ ly dị, chị vượt qua như thế nào?
- Những ngày đó rất khó khăn. Ngày đầu tiên mẹ tôi đi khỏi nhà, tôi khóc đến nỗi mắt sưng như 2 quả bóng nước. Tôi kể với mẹ là buổi tối, con ngồi ở cầu thang chờ mẹ về nhưng bà dì không cho con chờ, bà đánh con. Khoảng thời gian đầu sau khi mẹ đi, tôi khóc rất nhiều. Bố tôi cũng lấy vợ khác và ở ngay cạnh, còn tôi ở với bà dì, là em của bà nội.
Sau này, khi tôi lên cấp 1 và cấp 2, tôi ít khi khóc trước mặt người khác. Nhưng buổi đêm, khi nằm kế bên bà dì, tôi vẫn ôm gối khóc một mình. Tôi rất nhớ mẹ, hay viết thư gửi mẹ và hỏi thăm em mình. Lên cấp 3, tôi cũng bớt nhạy cảm hơn và không còn thể hiện cảm xúc nhiều nữa, có thể nói là hơi chai sạn.
Nhiều khi tôi ngồi nghĩ mình có đang chai sạn quá không, nhưng lại thấy rằng mình cần như vậy để mạnh mẽ hơn, vì bây giờ tôi đã ra ở riêng.
- Chị ra ở riêng khi vào đại học, dù gia đình cũng sống tại TP.HCM. Vì sao chị quyết định như vậy?
- Từ khi còn nhỏ xíu, tôi đã có ý định ở riêng, đến năm 18 tuổi mới thực hiện được. Bà dì nuôi tôi mà không hề có trợ cấp thường xuyên từ ba mẹ tôi, chỉ lâu lâu ba mẹ mới tới chơi, cho tiền, mua cho ít đồ. Mà bà dì cũng có gia đình cần lo toan. Việc bà cưu mang tôi từ năm 4 tuổi đến 18 tuổi là cái ơn quá lớn rồi. Nên khi tôi đủ trưởng thành, đi học đại học, tôi ra ở riêng.
Nguyễn Thúc Thùy Tiên trong hoạt động thiện nguyện riêng đầu tiên của Người đẹp Nhân ái. Ảnh: TrườngPK. |
- Mới 18 tuổi đã ở riêng, chị đối mặt với những khó khăn gì?
- Tôi chạy đua với công việc để kiếm đủ tiền trả học phí. Sau khi thi đại học xong, tôi có 2 tháng trống trước khi trường nhập học vào tháng 10. Tôi dành 2 tháng đó để làm một lúc 2 công việc, làm từ 16 đến 18 tiếng mỗi ngày. Tôi làm lễ tân khách sạn và lễ tân spa bên quận 1. Công việc khiến tôi phải đi lại liên tục. Rồi những ngày nghỉ thì tôi làm mẫu trang điểm, chụp hình, kiếm 60.000 đồng mỗi buổi.
- Học đại học, chị không có trợ cấp từ gia đình?
- Dạ không. Sau những công việc mùa hè đó, tôi vẫn tiếp tục đi làm thêm khi đã vào đại học. Tôi làm phục vụ ở nhà hàng, làm trợ giảng trung tâm Anh ngữ… Thời gian đầu, tôi vừa làm vừa học nên không tập trung được nhiều. Về học lực, tôi tự tin vào tiếng Anh của mình nhiều hơn tiếng Pháp. Hiện tại, tôi vẫn cố gắng học để giao tiếp tiếng Pháp cơ bản.
Từ trước cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, tôi đã đăng ký bảo lưu kết quả học một năm để lấy bằng IELTS rồi đăng ký tham gia các chương trình tình nguyện quốc tế. Sau đó, tôi sẽ trở lại trường và học xong đại học. Tôi chắc chắn không để việc học hành bị dở dang.