Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Top 3 cổ phiếu của Forbes Việt làm ăn ra sao?

Cùng nhìn lại kết quả kinh doanh của top 3 cổ phiếu để tìm hiểu về sự “tốt nhất” của các doanh nghiệp (DN) trong danh sách 50 của Forbes Việt Nam.

Vinamilk: Vua không ngai ngành sữa Việt

Công ty sữa Việt Nam (VNM) được biết đến là công ty dẫn đầu ngành sữa Việt Nam với thị phần 35% toàn thị trường, là đại diện xuất sắc của ngành hàng tiêu dùng, cũng là công ty đứng đầu danh sách của Forbes. Vốn hóa thị trường của Vinamilk đạt 115.855 tỷ đồng xấp xỉ 6 tỷ USD.

Trước ảnh hưởng của việc tăng giá sữa nguyên liệu và sức cầu tiêu dùng trong nước còn yếu, VNM cũng đã có nỗ lực trong tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý DN, duy trì đà tăng trưởng tốt. Sau 6 tháng, doanh thu 14.847 tỷ đồng, tăng trưởng doanh thu 14,1% so với cùng kỳ, hoàn thành 45,3% kế hoạch năm; lợi nhuận thuần đạt 3.373 tỷ đồng, tăng 21,6% và hoàn thành 53,7% kế hoạch năm.

Vinamilk - đại diện xuất sắc của nghành hàng tiêu dùng, đứng đầu danh sách Forbes.

Với mức P/E 17,6 lần và P/B 6,65 lần, VNM liên tục được đánh giá với triển vọng khả quan, cộng với kỳ vọng nới room dành cho nhà đầu tư nước ngoài, giá CP VNM đã tăng 75% so với đầu năm, từ mức 84.700 đồng lên 149.000 đồng tháng 8/2013. Tuần 3-6/9 là một tuần sôi động của VNM, đứng trong Top 10 CP được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng với hơn 1 triệu CP VNM giá trị 15,3 tỷ đồng, chủ yếu do Norges Bank mua.

VNM cam kết hoàn thành kế hoạch doanh thu 32.500 tỷ đồng, tăng 23,1% và lợi nhuận thuần đạt 6.230 tỷ đồng, tăng trưởng 10,6% nhờ triển vọng tươi sáng của hai nhà máy sản xuất sữa bột và sữa nước tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư 210 triệu USD. Đồng thời Vinamilk đã ký xong hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2013 với tổng trị giá 230 triệu USD, tăng 28% so với năm 2012.

GAS: Cổ phiếu khuynh đảo chỉ số VN Index

GAS, cổ phiếu của Tổng công ty Khí Việt Nam là tên tuổi đình đám trên sàn HSX. Với giá trị vốn hóa đạt hơn 124 ngàn tỉ, GAS luôn nằm trong nhóm CP quyết định sự tăng giảm chỉ số VN Index. Đây cũng là CP tăng mạnh nhất trên HSX trong 8 tháng đầu năm, với mức tăng 72,2% từ 37.740 đồng/CP (giá đã điều chỉnh) lên 65.000 đồng/CP. GAS cũng thuộc Top 10 CP được mua ròng nhiều nhất, giá trị lên tới 13.46 tỷ đồng, là CP ưu tiên hàng đầu của các quỹ ETFs.

Trên góc độ cơ bản, GAS đã đạt 96% kế hoạch lợi nhuận năm với doanh thu đạt 29.230 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng ấn tượng 7.040 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ, đóng góp 2.071 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước nhờ: Chuyển 1.100 tỷ đồng từ quỹ phát triển công nghệ không sử dụng vào lợi nhuận trước thuế; Sản lượng và giá bán khí gas tự nhiên tăng đóng góp 10% vào mức tăng lợi nhuận chung. Đặc biệt ưu thế này sẽ được phát huy trong dài hạn theo lộ trình tăng giá gas so với khu vực sau năm 2015.

Trong 6 tháng cuối năm, GAS dự kiến doanh thu gần 30.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 4.500 tỉ đồng. Ước tính EPS đạt khoảng 6.400 đồng, và P/E 10.03 lần được coi khá hấp dẫn với vị thế độc quyền của GAS trong khai thác khí.Triển vọng tăng trưởng dài hạn tốt với dự đoán tổng lượng khí tăng trưởng 12% cho giai đoạn 2013-2015.

DPM: Có cho NĐT bội thu?

DPM là CP của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, đứng thứ 3 trong danh sách của Forbes và thuộc danh mục mua ròng cao nhất của khối ngoại, với giá trị đạt 14.5 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu thuần và lợi nhuận 6 tháng 2013 của DPM giảm lần lượt 14% và 17% so với cùng kỳ, chỉ đạt 6.099 tỷ đồng1.602 tỷ đồng, do sản lượng cung ứng giảm 10% song DPM vẫn hoàn thành 57% kế hoạch về doanh thu và 76% lợi nhuận, đóng góp 297 tỉ đồng thuế.

Điểm nổi bật của DPM có thể thấy: EPS đáng mơ ước 7.090 đồng/CP, P/E 5,6 lần thấp hơn trung bình ngành; chiến lược mở rộng thị trường nhiều tiềm năng với kế hoạch khai thác thị trường Campuchia và Myanmar hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích cho cổ đông, tỉ lệ trả cổ tức/lợi nhuận sau thuế được duy trì ở mức khá cao 40-50%, cổ tức bằng tiền mặt duy trì ở 15-20%. DPM được coi là CP ưu tiên đầu tư nắm giữ trên cả khía cạnh cơ bản và thị trường.

Trong xu hướng sàng lọc của thị trường, các yếu tố cơ bản và các yếu tố thị trường ngày càng kết hợp chặt chẽ. Vì vậy, sẽ là dễ hiểu khi các DN tiêu biểu của thị trường cũng chính là các CP tác động lớn đến sự vận động của chỉ số, thu hút sự quan tâm của các NĐT hơn là những CP tăng giá do sự đẩy giá của đầu cơ và xa hơn đó sẽ là cơ sở để định hướng dòng tiền thị trường, phản ánh sức khỏe nền kinh tế.

Theo Lao động

Bạn có thể quan tâm