Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng thống Trump và chính sách châu Á thời hậu bầu cử giữa kỳ

Cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ mở ra 2 năm đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện và sẽ có nhiều quyền lực trong việc kiềm chế tổng thống.

Đối ngoại tuy không phải là tâm điểm của bầu cử giữa kỳ Mỹ hôm 6/11 nhưng kết quả Thượng viện tiếp tục đa số Cộng hòa và Hạ viện đa số về tay Dân chủ đã mở ra cục diện mới đảng Dân chủ đối trọng chính quyền Trump trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại.

Chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cơ bản sẽ được tiếp nối, ưu tiên, song tính ngẫu hứng, khó lường mang sắc thái Tổng thống Trump sẽ phần nào giảm bớt dưới sự giám sát và phản biện mạnh hơn của đảng Dân chủ tại Hạ viện.

bau cu giua ky My anh 1
Tổng thống và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham trên đường từ Tòa Tối cao về Nhà Trắng hôm 8/11. Ảnh: Reuters.

Gương mặt cũ, sức ép mới

Ứng viên dự kiến giữ vai trò chủ chốt về chính sách khu vực cơ bản là sự tái xuất của các gương mặt cũ. Thượng viện với đa số Cộng hòa tiếp tục ổn định về chiều hướng chiến lược, Thượng nghị sĩ Jim Inhofe (Iowa) hay James Risch (Wisconsin) sẽ tiếp nối chủ trương của John McCain và Bob Corker tại Ủy ban Quân vụ và Ủy ban Đối ngoại.

Tại Hạ viện, ứng viên Dân chủ cho ghế Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (California) hay ghế Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương Brad Sherman (California), Joaquin Castro (Texas) đều là những gương mặt lão luyện, chủ trương cứng rắn hơn về nhân quyền (gắn nhân quyền với thương mại), xử lý quan hệ với Trung Quốc và vấn đề Biển Đông. Tân Hạ nghị sĩ Tom Manilowski (New Jersey) từng là Trợ lý ngoại trưởng phụ trách dân chủ nhân quyền thời Obama. Hạ nghị sĩ gốc Việt duy nhất Stephanie Murphy (Florida) tái cử, có tầm nhìn chiến lược về khu vực.

Nhìn chung, dư luận đánh giá quan điểm chiến lược khu vực của Dân chủ tại Hạ viện cơ bản có sự đồng nhất với Thượng viện và chính quyền, song sẽ khác biệt về biện pháp. Sức ép dân chủ nhân quyền cùng các quan tâm truyền thống như môi trường, lao động sẽ gia tăng, tác động nhất định đến chính sách thương mại. Ngoại giao sẽ được ưu tiên nguồn lực, quốc phòng sẽ bớt phóng tay ngân sách hơn.

Việc thông qua các đề cử nhân sự của chính quyền Trump chắc chắn sẽ phức tạp hơn, nhưng trước mắt đề cử Tướng không quân David Stilwell cho vị trí trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực bỏ trống hơn gần 2 năm nay dự báo sẽ được cả hai đảng ủng hộ cao. Dư luận cũng dự đoán nếu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ra đi thì người kế nhiệm ông cũng sẽ có cùng nhãn quan chiến lược khu vực và dễ dàng được Quốc hội thông qua.

Đảng Dân chủ tại Hạ viện cũng sẽ gia tăng vai trò giám sát chính quyền, yêu cầu trách nhiệm giải trình, minh bạch thông qua tổ chức nhiều hơn các cuộc điều trần chính sách, chia sẻ thông tin và thúc đẩy dự luật.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do đó sẽ tiếp tục được triển khai cân bằng, toàn diện hơn, chú trọng đồng minh, đối tác, cả song phương và đa phương chứ không chỉ cuốn theo vòng xoáy của cạnh tranh Mỹ - Trung.

bau cu giua ky My anh 2
Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: Reuters.

Đồng tâm bảo hộ thương mại

Đảng Dân chủ coi Tổng thống Trump là “đồng minh” bảo hộ thương mại, thậm chí còn cứng rắn hơn với những điều kiện đi kèm về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, dư luận dự đoán sức ép từ quốc hội về chính sách thương mại đối với Tổng thống Trump sẽ không hiệu quả do tổng thống có nhiều quyền hành pháp về thương mại.

Như vậy, chính sách thương mại của chính quyền Trump sẽ không có đột biến lớn, chiến tranh thương mại với Trung Quốc sẽ còn kéo dài (khó có thỏa hiệp tại G20 sắp tới và khả năng cao Mỹ tiếp tục áp thuế mới từ 1/1/2019), sức ép đàm phán thương mại với Nhật Bản và các đối tác còn gia tăng.

Dù Đảng Dân chủ từng ủng hộ mạnh nhưng khả năng Mỹ quay lại đàm phán hiệp định CPTPP là rất thấp, ít nhất đến 2020 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Hiệp lực xử lý nguy cơ Trung Quốc

Trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhận thức Trung Quốc là nguy cơ chiến lược và chủ trương xử lý cứng rắn, buộc Trung Quốc phải trả giá được xem là mẫu số chung hiếm hoi có được sự đồng thuận cao giữa đảng Dân chủ với đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump.

Từ sau tuyên bố 4/10 của Phó tổng thống Mike Pence, chính quyền Trump và quốc hội càng tin cách tiếp cận mới của Mỹ là đúng đắn do thái độ Trung Quốc “ăn miếng trả miếng” và lảng tránh xử lý trực tiếp những lo ngại mang tính “hệ thống” của Mỹ.

Dự luật Sáng kiến Trấn an Châu Á sẽ tiếp tục được thúc đẩy ở Thượng viện. Cả hai Đảng cũng sẽ tiếp tục ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ hơn, đẩy mạnh bán vũ khí. Công thức cứng rắn quân sự (liên quan đến an ninh hàng hải) cộng bảo hộ thương mại (thậm chí có quan điểm cực đoan đề xuất tách rời kinh tế Mỹ với kinh tế Trung Quốc) của chính quyền Trump sẽ đẩy cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Quốc hội có thể có vai trò ngăn khả năng chính quyền thỏa hiệp với Trung Quốc về lợi ích thương mại, công nghệ, bỏ qua lợi ích về an ninh chiến lược, nhân quyền.

Khó thỏa hiệp với Triều Tiên

Đảng Dân chủ phản đối chính quyền Trump hòa dịu với Triều Tiên mà không đạt tiến bộ cụ thể nào về phi hạt nhân hóa. Khi quan hệ Hàn - Triều tan băng, cải thiện rất nhanh thì Mỹ có nguy cơ bị mất vai trò trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, liên minh Mỹ - Hàn, Mỹ - Nhật càng thêm rạn nứt.

Gần đây Tổng thống Trump có dấu hiệu “buông” vấn đề Triều Tiên, giao phó cho Ngoại trưởng Pompeo cầm lái trong lúc đối thoại hai bên đang lâm vào bế tắc, cuộc gặp lần hai giữa Pompeo và Kim Yong Chol cũng như khả năng thượng đỉnh Trump - Kim Jong Un đều bị trì hoãn.

bau cu giua ky My anh 3
Ngoại trưởng Mike Pompeo là người chịu trách nhiệm cho quá trình đàm phán với Triều Tiên thời gian gần đây, dù vậy sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không có nhiều tiến triển. Ảnh: Reuters.

Quốc hội có thể tiếp tục cơ bản nhất trí với chính sách gây áp lực tối đa, song cả quốc hội và chính quyền còn lúng túng giữa yêu cầu phi hạt nhân hóa toàn diện hay tiếp tục nhượng bộ Triều Tiên bằng một thỏa thuận hòa bình. Đảng Dân chủ trong Hạ viện có thể sẽ tiếp tục thúc ép Chính quyền không nhượng bộ vô điều kiện, gắn vấn đề nhân quyền với đàm phán phi hạt nhân hóa.

Nhìn xa hơn 2020

Việc Đảng Dân chủ giành đa số trong Hạ viện Mỹ khó tạo đột biến lớn trong chính sách của Chính quyền Trump với khu vực. Chiều hướng đến hết nhiệm kỳ 2020 của Tổng thống Trump sẽ là sự tiếp nối chính sách có phản biện và kiểm soát.

Đảng Cộng hòa giữ được Thượng viện và không xuất hiện “làn sóng xanh” ở Hạ viện cộng tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump tăng báo hiệu với khu vực không chỉ thích ứng, đối phó với ngắn hạn mà phải chuẩn bị cho cả dài hạn sau 2020.

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn riêng của tác giả, một người làm nghiên cứu ở Hà Nội. 

TT Trump tranh cãi tay đôi với phóng viên CNN trong họp báo hậu bầu cử Trong cuộc họp báo hậu bầu cử giữa kỳ 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tranh cãi gay gắt với phóng viên CNN và cho rằng ông "thô lỗ", "tồi tệ".

Bầu cử giữa kỳ Mỹ khép lại, cuộc đua cho năm 2020 mở ra

Mất Hạ viện sẽ hứa hẹn 2 năm khó khăn cho Tổng thống Donald Trump, nhưng nhiều nhà quan sát lại cho rằng ông có thể hưởng lợi ở lần tái tranh cử sắp tới.

Giáo sư Mỹ: Hạ viện sẽ chịu áp lực luận tội Tổng thống Trump

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia Mỹ dự đoán sau khi giành quyền kiểm soát Hạ viện, đảng Dân chủ sẽ sớm phát huy quyền lực giám sát và chất vấn đối trọng Nhà Trắng.

Anh Huy

Bạn có thể quan tâm