Khi Tổng thống Obama đặt chân đến sân bay ở Hà Nội từ ngày 23/5, ông là tổng thống Mỹ thứ 3 từng đến thăm Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc. Hình ảnh và các tin tức dồn dập về chuyến đi chắc chắn sẽ khiến một số cựu binh nhớ lại những ký ức khi tham gia Chiến tranh Việt Nam.
Chuck Hagel, cựu bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền Obama, nói ông đã sẵn sàng đối mặt với những hình ảnh này cũng như ký ức thời chiến trong quá khứ.
Hagel đã tham gia chiến tranh Việt Nam trong 12 tháng. Sau khi xuất ngũ và tham gia chính trường, trở thành nghị sĩ, rồi sau này là bộ trưởng, Hagel khẳng định khoản thời gian ở Việt Nam đã giúp định hình cuộc sống sau này của ông. “Tôi biết chắc chắn những hình ảnh (về chuyến đi của ông Obama) sẽ khơi gợi lại nhiều ký ức”, Hagel nói.
Ảnh trái: Ông John McCain (đứng bên phải) cùng đồng đội ở Việt Nam năm 1965. Ảnh phải: Ông Chuck Hagel và em trai, Tom Hagel, khi tham gia chiến tranh Việt Nam. Ảnh: AP |
Chuyến thăm của Tổng thống Obama được xem là cơ hội để giúp củng cố lời hứa về chính sách tái cân bằng của ông đồng thời tăng cường mối hợp tác an ninh và kinh tế với một quốc gia ngày càng quan trọng ở khu vực.
Tuy nhiên, đối với những cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, chuyến đi của tổng thống gợi nhớ về khoảng thời gian đánh mất tuổi trẻ, sự hồn nhiên, và sau này là những tranh cãi bất tận về hậu quả chiến tranh.
“Bóng ma chiến tranh vẫn còn lảng vảng quanh đây và ám ảnh chúng tôi. Cuộc chiến là sự tổn thất lớn về sinh mạng, và những bài học cay đắng mà chúng ta rút ra vẫn còn nguyên giá trị”, ông Hagel nói.
Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ khẳng định, mọi quyết định mà ông ban hành, hoặc các lời cố vấn dành cho Tổng thống Obama, đều dựa trên kinh nghiệm từ cuộc chiến ở Việt Nam.
Đã 2 thế hệ người Mỹ trưởng thành từ sau chiến tranh Việt Nam. Ông Bobby Muller, một cựu binh bị thương khi tham chiến đã trở thành nhà hoạt động chống chiến tranh sau khi hồi hương. Giờ đây, sống tại căn nhà ở Washington đầy ắp sách và tài liệu về chiến tranh Việt Nam, ông nói vẫn rất căm giận 2 lãnh đạo Mỹ thời chiến là Tổng thống Richard Nixon và cố vấn Henry Kissinger của ông ta.
Khi đến Việt Nam lần này, Tổng thống Obama sẽ không tập trung nhiều về những binh sĩ tử nạn ở chiến trường Việt Nam như chuyến đi của Tổng thống Clinton năm 2000.
Khi đó, Tổng thống Clinton đã cùng hai con trai của phi công Lawrence G. Evert, mất tích trong cuộc chiến cùng đến cánh đồng ở ngoại ô Hà Nội, tham gia tìm kiếm những mảnh vỡ có thể còn sót lại của phi cơ ném bom F-105D bị rơi năm 1967. Với sự giúp sức của người dân địa phương, đoàn đã tìm thấy cả những mẩu xương của ông Evert.
Trong khi đó, Tổng thống Obama dự kiến sẽ hoan nghênh việc hợp tác giữa hai nước trong việc dọn sạch các khu vực nhiễm chất độc da cam dioxin, một vấn đề từ thời chiến tranh nhưng rất quan trọng trong nền tảng quan hệ Việt - Mỹ.
Một cựu binh Chiến tranh Việt Nam khác, ông John McCain, thượng nghị sĩ kỳ cựu tại Mỹ, nói những nỗ lực nhằm giúp bình thường hoá quan hệ với Việt Nam “là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của cuộc đời tôi”.
McCain đã nhiều lần trở lại thăm Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc. “Tôi có thể nhận ra nhiều thứ ở đường phố tại Hà Nội”, ông nói. Những nỗ lực thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt chính là cách giúp ông gác lại sau lưng những ký ức đau đớn thời chiến cùng khoảng thời gian bị bắt làm tù binh ở Việt Nam.