Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng thống Mỹ có học vị cao nhất lịch sử, suýt tự tử vì tình

Cho tới tận năm lên 9 tuổi Woodrow Wilson mới có thể đánh vần. Thật bất ngờ khi đứa trẻ bị cho là khờ khạo ấy trở thành tổng thống có học vị cao nhất trong lịch sử Mỹ.

Woodrow Wilson(1856-1924) là tổng thống Mỹ thứ 28. Một phần con người ông được tiết lộ trong cuốn sách Bí mật cuộc đời các tổng thống Mỹ (tác giả Comac O'brien, Eugene Smith minh họa).

Được sự đồng ý của Nhã Nam - đơn vị nắm bản quyền tiếng Việt cuốn sách - Zing.vn trích đăng một phần nội dung.

Cậu bé khờ khạo và ốm yếu

Wilson trải qua vô số nỗi đau đớn suốt cuộc đời mình. Khi còn nhỏ, ông mắc chứng khó đọc và không thể đánh vần cho tới tận năm lên chín. Đến độ thanh niên, ông phải chịu đựng đủ thứ từ chứng buồn nôn kinh niên, táo bón, và ợ nóng. Ông thậm chí còn sử dụng một chiếc bơm dạ dày để chống lại axít tích tụ trong dạ dày bằng cách bơm nước vào.

Woodrow Wilson anh 1
Cuốn Bí mật cuộc đời các tổng thống Mỹ.

Hầu hết mọi người cho rằng, chính tình trạng căng thẳng quá độ là nguyên nhân dẫn đến thể trạng bạc nhược của ông, vì nó gây ra những vấn đề về dạ dày, và cuối cùng là về tim. Không có gì đáng ngạc nhiên khi sức ép của chương trình vận động cho Hội Quốc Liên rút cục đã gây ra cơn đột quỵ khiến ông bị liệt nửa người bên trái và ngăn không cho ông kết thúc nhiệm kỳ của mình trong thắng lợi. 

Wilson lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkins, viết một số cuốn sách ấn tượng về lịch sử và chính trị nước Mỹ, và có rất nhiều kinh nghiệm cải cách cấp tiến. Nhưng vũ khí giá trị nhất của ông khi làm tổng thống là đa số ghế thuộc về phe Dân chủ ở Quốc hội, điều đã giúp ông có thể thông qua một trong những chương trình pháp lý ấn tượng nhất trong lịch sử.

Woodrow Wilson anh 2
Tổng thống Woodrow Wilson, người đã có bằng tiến sĩ trước khi thành ông chủ Nhà Trắng.

Trong đó có việc hạ thấp hàng rào thuế quan, luật chống độc quyền, Đạo luật Hội đồng Thương mại Liên bang, và Đạo luật Dự trữ Liên bang, có tác dụng bình ổn nền tài chính quốc gia thông qua việc thành lập 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang và một ủy ban để quản lý chúng. Một làn sóng cải tổ nữa vào năm 1916 xử lý vấn đề lao động trẻ em và những chương trình cấp tiến khác.

Nhưng khi chương trình giảng dạy của Ông Giáo tại quê nhà đang có những bước tiến ấn tượng, thì ở nước ngoài nó lại đang gặp phải những vấn đề trầm trọng. Wilson kiên quyết muốn nước Mỹ tránh khỏi Thế chiến I đến nỗi thậm chí những thảm họa như việc tàu Lusitania bị tàu ngầm U-boat của Đức đánh chìm (khiến 120 người Mỹ thiệt mạng) cũng không thể làm suy suyển thái độ trung lập của ông.

Nhưng việc Đức đẩy mạnh và mở rộng hoạt động của tàu ngầm, cùng với việc chặn được một bức điện theo đó nước này muốn xúi giục Mexico xâm lược Texas, đã khiến ông tỏ ra quá sức chịu đựng. Wilson miễn cưỡng thỉnh cầu Quốc hội tuyên chiến vào năm 1917. Suốt hàng năm trời ông đã khẩn nài các cường quốc châu Âu ngừng bắn giết lẫn nhau - nhưng giờ đây, dường như cách duy nhất để tạo dựng một trật tự thế giới hòa hảo lại là viện đến thứ mà ông muốn loại bỏ nhất: chiến tranh.

Và cuộc chiến tranh ấy thật khủng khiếp. Wilson, một người ủng hộ nhiệt thành chủ nghĩa tự do lại thấy mình phải cầm đầu một chính phủ đang hô hào dân chúng của mình xông ra chiến trận với những phương thức tuyên truyền xấu xí, khát máu. Những người lên tiếng phản đối cuộc chiến - hay kể cả là phản đối bạo lực gia tăng đối với người Mỹ gốc Đức - bị bỏ tù một cách chóng vánh và trơ tráo.

Bất chấp tất cả những điều xấu xí ấy, Wilson, vẫn luôn là một con chiên lạc quan của Giáo hội Trưởng lão, chưa bao giờ sao nhãng mục tiêu: một tương lai hòa bình. Để không ai còn có thể trốn tránh trách nhiệm, ông thậm chí còn đơn giản hóa sự việc cho toàn thế giới bằng cách đưa ra giải pháp Mười bốn điểm của mình, với hy vọng thỏa thuận hòa bình sắp tới sẽ trở thành cơ hội để thành lập một Hội Quốc Liên có khả năng làm trọng tài phán xử các tranh chấp.

Đáng tiếc là, rất nhiều học trò của thầy Wilson không thèm nghe giảng - thật vậy, thậm chí một số còn không thèm đến lớp. Dù ngài tổng thống được chào đón như thể một đấng cứu thế tại Paris, nhưng các lãnh đạo châu Âu lại chứa đầy thù hận trong lòng và chỉ chực đá đít người Đức trong bóng tối. Tệ hơn nữa, sân nhà của Wilson cũng đang tung cước loạn xạ, giáng cho ông một cú đá hậu khi phe Cộng hòa chiếm được Thượng viện và bắt đầu đâm chọc đề xuất Mười bốn điểm như thể dân ăn chay đứng trước một bữa tiệc thịt nướng kiểu Texas.

Cuối cùng Wilson phải thỏa hiệp với châu Âu, nhưng khi các thượng nghị sĩ muốn đưa vào một số chỉnh lý nghiêm túc cho hiệp định trước khi thông qua thì Wilson nhảy vào, đưa cuộc tranh luận ra công chúng Mỹ bằng cách khởi động một chuyến kinh lý toàn quốc đầy tham vọng và... bị đột quỵ. Trong khi thần chết chầu chực bên giường Wilson thì đối thủ của ông cuối cùng cũng đạt được mục đích, và Hội Quốc Liên được thành lập mà lại thiếu vắng quốc gia có vị tổng thống đã đưa ra ý tưởng trước hết (và lại còn được trao giải Nobel cho đề xuất của mình nữa chứ). Thế mới thật là bẽ mặt.

Ông sống đến năm 1924, đủ để chứng kiến một tay Cộng hòa được bầu lên thay thế và rõ ràng là muốn hủy bỏ mọi thứ liên quan đến Wilson. Ông vẫn là tổng thống duy nhất được chôn cất tại thủ đô Washington, D.C. (trong Nhà thờ Lớn Quốc gia). Thầy Wilson sẽ tự chấm điểm mình ra sao nhỉ? Bất chấp một số thành quả to lớn, lịch sử có lẽ chỉ cho ông một điểm B-. Cược với bạn là ông sẽ xin thêm thời gian làm bài đấy.

Tổng thống lăng nhăng và câu chuyện về nàng Edith uy quyền

Cái bắt tay của Wilson đã từng được so sánh với “cá thu muối mười xu bọc giấy nâu”. Chắc chắn ông là một kẻ khắc khổ, xa cách, ra vẻ mộ đạo, và thường không thoải mái trong những tình huống xã hội thân mật. Nhưng con người của Wilson, đáng ngạc nhiên thay, cũng có một phương diện lãng mạn cháy bỏng như lò lửa.

Những bức thư ông viết cho người vợ đầu tiên của ông sôi trào ham muốn tình dục, và có tới hàng ngàn bức vẫn còn đó. Đám thư từ này thực sự tha thiết và trái ngược hoàn toàn với hình tượng tuyệt đối dè dặt mà chúng ta vẫn mường tượng về Wilson, đứa con trai luôn bị kìm nén cảm xúc của một mục sư Giáo hội Trưởng lão.

Nhưng cuộc hôn nhân cũng có những lúc cơm chẳng lành. Năm 1907, Wilson đến Bermuda theo yêu cầu của bác sĩ để giải tỏa bớt những căng thẳng đang gây tác hại nghiêm trọng lên dạ dày của ông. Ở đó ông gặp Mary Allen Hulbert Peck, một phụ nữ đã ly hôn từng trải với vẻ quyến rũ thiêu đốt trái tim của Wilson.

Mặc dù không biết liệu hai người đi đến tận cùng mối quan hệ gần gũi rõ ràng của mình hay chưa, nhưng Wilson đã vài lần đi đến Bermuda, lần nào cũng là để gặp gỡ bà Peck. Dù mối quan hệ đe dọa cả cuộc hôn nhân của Wilson lẫn chiến dịch tranh cử tổng thống của ông, nhưng cuối cùng lại không phá hỏng bất cứ thứ gì. (Peck từ chối bán những bức thư Wilson gửi tới bà cho phe Cộng hòa, và phu nhân của Wilson, Ellen, tha thứ cho ông).

Woodrow Wilson anh 3
Tổng thống Woodrow Wilson  và đệ nhất phu nhân Edith Bolling. Ông là vị tổng thống thứ 3 kết hôn khi đang đương nhiệm.


Khi người vợ đầu tiên của Wilson, Ellen, chết vì viêm thận vào năm 1914, nỗi mất mát suýt nữa thì dẫn tới vụ tự tử đầu tiên của một tổng thống. Ông đau đớn cùng cực và rơi vào trầm cảm. Nhưng Wilson sớm gặp được Edith Bolling Galt, và họ đã kết hôn vào tháng Mười hai năm 1915.

Tường thuật lại một trong những buổi hẹn hò đầu tiên của họ tại nhà hát, tờ Washington Post đã mắc một lỗi đánh máy tai tiếng khi cho đăng, “ngài Tổng thống đã dành hầu hết thời gian vui cưỡi bà Galt” thay vì “vui cười” bên cô bạn gái của mình .

Edith trở thành người bạn tâm giao và cố vấn thân cận nhất của ông - bà thậm chí còn mã hóa và giải mã điện báo của ông cho ngoại giao đoàn ở nước ngoài, và sau khi ông đột quỵ, bà còn sàng lọc kỹ càng khách viếng thăm, khiến nhiều người kết luận rằng bà đã đóng vai trò quyền tổng thống.

Trích "Bí mật cuộc đời các tổng thống Mỹ"

Bạn có thể quan tâm