Ông Joko Widodo cho biết cơ quan mới sẽ tăng cường khả năng phục hồi của thế giới, cũng như làm hệ thống y tế toàn cầu trở nên toàn diện và phản ứng nhanh hơn với khủng hoảng, theo AFP.
"Nhiệm vụ của (nó) là huy động các nguồn lực y tế thế giới, bao gồm tài trợ cho các trường hợp khẩn cấp, mua vaccine, thuốc men và thiết bị y tế", ông Widodo phát biểu trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới, được tổ chức trực tuyến.
CNA dẫn lời Tổng thống Indonesia cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bộc lộ hạn chế trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19: "WHO vẫn chưa gánh vác được nhiều khía cạnh chiến lược của thế giới", ông nói.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tham dự Hội nghị trực tuyến ASEAN-Australia tháng 10/2020. Ảnh: AP |
So sánh với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông cho biết cơ quan y tế mới sẽ xây dựng các quy trình chuẩn hóa cho những hoạt động xuyên biên giới, và sẽ làm việc để tăng cường năng lực sản xuất thuốc và thiết bị y tế.
Ông kêu gọi các nền kinh tế lớn đồng tài trợ cho sáng kiến này và đạt được thỏa thuận trong thời gian Indonesia làm chủ tịch G20 năm nay.
"Chi phí rõ ràng thấp hơn nhiều so với những mất mát mà thế giới phải chịu do sự mỏng manh của hệ thống y tế toàn cầu", ông Widodo chia sẻ.
Năm nay là lần đầu tiên Indonesia giữ chức chủ tịch G20. Nước này đặt việc phục hồi sau đại dịch làm mục tiêu cốt lõi. Khẩu hiệu của Indonesia năm nay là "Phục hồi cùng nhau, Phục hồi mạnh mẽ hơn" - tập trung vào hạ tầng y tế toàn cầu, sử dụng năng lượng bền vững, và chuyển đổi số.
Indonesia là quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19. Nhiều bệnh viện hết giường bệnh và thiếu oxy y tế trong đợt cao điểm tháng 7/2021.
Tính đến nay Indonesia ghi nhận 144.000 ca tử vong do Covid-19, trong khi tỷ lệ người dân tiêm vaccine còn hạn chế, với chỉ 45% trong tổng 270 triệu người đã tiêm đủ liều vaccine.