Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng thống Duterte đang 'đánh cược' với Trung Quốc

Chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Duterte tới Trung Quốc được cho là "chiến lược mạo hiểm", có thể sẽ đánh đổi quan hệ đồng minh thân cận với Mỹ và thay đổi cục diện ở Biển Đông.

Ngày 18/10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt đầu chuyến thăm chính thức cấp nhà nước kéo dài 4 ngày tới Trung Quốc. Giới phân tích đánh giá đây là một động thái nhằm đảo ngược tình thế địa chính trị căng thẳng, nhạy cảm hiện nay trên biển Đông.

Mối quan hệ hai nước "chạm đáy" sau khi Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Toà đã ra phán quyết Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông, không có cơ sở pháp lý cho "đường chín đoạn". 

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Duterte tuyên bố sẽ đích thân cắm cờ Philippines lên đảo bị Trung Quốc chiếm đóng. Nhưng kể từ khi nhậm chức vào tháng 6, vị tổng thống dường như mở rộng "cánh tay hữu nghị" với Trung Quốc, láng giềng và đối tác thân cận. 

Biển Đông - canh bạc của Duterte

Ngày 16/10, trước thềm chuyến thăm tới Bắc Kinh, tổng thống Duterte cho biết sẽ thảo luận với Trung Quốc về phán quyết của Toà trọng tài quốc tế, không nhượng bộ và tiếp tục khẳng định chủ quyền của Manila ở Biển Đông. 

Tong thong Philippines tham Trung Quoc anh 1
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Tổng thống Philippines Duterte tại hội nghị các nước ASEAN ở Lào tháng 9/2016. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh những gì thuộc về mình và theo như những gì mà Toà trọng tài quốc tế đã tuyên bố. Nhưng không hề có áp đặt cứng rắn, hai bên sẽ trao đổi và có thể diễn giải mọi điều trong phán quyết và đưa ra giới hạn lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế của Philippines", ông phát biểu trong một cuộc họp báo.

Chỉ một ngày sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay khẳng định chuyến đi của tổng thống Duterte chưa phải là thời điểm thích hợp để thảo luận về các tranh chấp. Theo ông Yasay, thay vào đó, chuyến đi sẽ tập trung xây dựng lòng tin và độ tin cậy giữa 2 nước. 

Trước đó, hai bên vẫn chưa đi đến thống nhất thoả thuận về tranh chấp Biển Đông, sẽ được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm, một quan chức Philippines giấu tên cho hay

Zhang Baohui, giáo sư thuộc Đại học Lĩnh Nam tại Hong Kong, dự đoán Bắc Kinh sẽ thực hiện chiến lược "thả con săn sắt bắt con cá rô", nhượng bộ đôi chút về quyền đánh cá để nắm bắt "cơ hội vàng nhằm định hướng lại toàn bộ tình hình biển Đông". Từ đó, Mỹ sẽ dần dần mất vị trí trụ cột tại khu vực này.

Theo ông Trefor Moss, chuyên gia nghiên cứu vấn đề Biển Đông ở Manila cho biết động cơ kinh tế đằng sau chiến lược Trung Quốc của ông Duterte là rất dễ hiểu. Ông muốn Trung Quốc tài trợ tiền bạc và công nghệ, kỹ thuật để xây dựng cơ sở hạ tầng vốn là vấn đề rất cấp bách đối với Philippines.

Duterte mong đợi gì?

"Với chuyến thăm này của Tổng thống Duterte, Philippines hy vọng sẽ tăng cường quan hệ song phương với Trung Quốc thông qua sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác chân thành cho sự thịnh vượng và lợi ích của 2 quốc gia, dân tộc", phát ngôn viên ngoại giao Philippines Charles Jose nói.

Việc Manila ngày càng "lạnh nhạt" với Washington, ngả dần về phía Bắc Kinh được cho là xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có sự chiếm đóng của quân đội Mỹ ở Philippines trong quá khứ.

Bên cạnh đó, năm 2002, các đặc vụ FBI đã thể hiện sự ngạo mạn khi ngang nhiên xông tới Davao và lôi đi một đối tượng rất quan trọng mà nhà chức trách Davao đang chuẩn bị thẩm vấn, trong một vụ nổ bom phòng khách sạn của công dân Mỹ. Điều này khiến ông Duterte rất tức giận và mất lòng tin vào người Mỹ. 

Tong thong Philippines tham Trung Quoc anh 2
Ông Duterte ngày càng mất niềm tin vào người Mỹ, và muốn "xây dựng lòng tin" với Trung Quốc. Ảnh: AFP

Ông cũng cho biết mong muốn Trung Quốc xây dựng các tuyến đường sắt trên đảo Luzon và Mindanao, và Bắc Kinh đã đề xuất khoản vay 25 năm với các điều khoản rất dễ dàng để tạo điều kiện cho Manila mua vũ khí của nước này.

Bắc Kinh trông chờ điều gì?

"Trung Quốc hy vọng chuyến thăm sẽ giúp hai nước tăng cường lòng tin chính trị, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, xử lý đúng đắn các tranh chấp", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói.

Theo Inquirer, Trung Quốc rất cởi mở trong việc hợp tác kinh tế, thúc đẩy phát triển thương mại giữa hai quốc gia. Song, nước này có vẻ vẫn "cứng đầu", chưa chịu "lùi bước" trong vấn đề Biển Đông, bao gồm cả những khu vực tranh chấp với Philippines. 

Trung Quốc cũng "mừng thầm" trước sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bởi đây là dịp để "phô trương sức mạnh" về kinh tế, chính trị và quân sự. Và việc Philippines trở nên thân thiện hơn là bàn đạp để Bắc Kinh "phủ đầu" Washington.

Mối quan hệ ấm áp với Philippines cũng có thể là cơ hội cho nền kinh tế lớn nhất châu Á, đặc biệt là việc thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á mà do Trung Quốc "chống lưng" với tham vọng vượt mặt Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á và các tổ chức tài chính toàn cầu khác.

Mây mù dần tan

Ông Duterte khẳng định rằng chuyến thăm "báo hiệu bước ngoặt quan trọng" trong lịch sử của 2 dân tộc.

"Tôi sẽ hướng đến việc đổi mới quan hệ hữu nghị giữa Philippines và Trung Quốc, tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ để đạt được các mục tiêu chung của 2 quốc gia, dân tộc", ông nói.

Đại sứ Trung Quốc tại Manila, Zhao Jianhua, hồi đầu tháng đã mô tả đầy thơ mộng về mối quan hệ này: "Mây mù đang dần tan. Mặt trời đang ló rạng ở cuối chân trời, và sẽ chiếu sáng đẹp đẽ lên chương mới trong quan hệ song phương".

Tổng thống Duterte muốn Philippines tập trận với Nga, Trung

Trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Rodrigo Duterte nói rằng ông muốn Philippines tập trận với Trung Quốc cùng Nga và không tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ.

Duterte: Trung Quốc giúp chúng tôi một cách âm thầm

Tổng thống Philippines hôm nay nói chiến tranh với Trung Quốc vì Biển Đông là điều vô nghĩa khi các cuộc đàm phán giữa hai bên đang đi theo chiều hướng tốt đẹp.

Trà My

Bạn có thể quan tâm