Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi thăm, làm việc với tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hồng Phong. |
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ xúc động khi thăm và làm việc ở Thái Nguyên sáng 10/1.
Nhắc đến “mối duyên” với địa phương, Tổng bí thư cho biết từ năm 1946 khi toàn quốc kháng chiến, ông được gia đình đưa lên tản cư tại huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. Sau đó, đến năm 1963-1964, khi Mỹ ném bom miền Bắc, Tổng bí thư đang là sinh viên Đại học Tổng hợp, tiếp tục được sơ tán lên huyện Đại Từ cho đến khi đất nước thống nhất mới hồi hương.
Bởi vậy, trong lần thăm Thái Nguyên này, nơi đầu tiên Tổng bí thư đến cũng là Phổ Yên. Sau đó, Tổng bí thư cùng đoàn công tác đến thăm Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên.
Phải sớm thành tỉnh công nghiệp hiện đại
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Tổng bí thư chia sẻ vui mừng khi chứng kiến sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ của địa phương.
Đại dịch gây nhiều tác động tiêu cực, kinh tế thế giới suy giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, song theo Tổng bí thư, Thái Nguyên vẫn thực hiện tốt mục tiêu kép, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,59% - cao hơn bình quân chung của cả nước.
Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt gần 107 triệu đồng, tăng 12 triệu đồng so với năm 2021. Tổng thu ngân sách đạt 18.540 tỷ, vượt gần 4.000 tỷ đồng so với dự toán, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Thu Hương. |
“Đây là những con số rất đáng mừng, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của địa phương. Với một tỉnh miền núi, điều kiện không thuận lợi như đồng bằng mà đạt được kết quả này rất đáng biểu dương”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Đưa ra phép so sánh, Tổng bí thư nhắc lại trước đây khi lên Thái Nguyên rất heo hút, nhưng nay địa phương phát triển không kém Hà Nội. Dù là tỉnh miền núi, Thái Nguyên tiên phong trong chuyển đổi số trên cả 3 lĩnh vực: Chính quyền số , kinh tế số và xã hội số.
Thái Nguyên cũng đang đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số và là tỉnh đứng đầu trong việc thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh cá nhân và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn 2030.
Bên cạnh đó, Tổng bí thư chỉ ra một số hạn chế trong quá trình phát triển của địa phương, như tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài, chưa tương xứng với tiềm năng; công tác khai thác tài nguyên, khoáng sản còn xảy ra sai phạm; nhiều công trình, dự án còn chậm tiến độ; một bộ phận cán bộ đảng viên chưa thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, cá biệt có lãnh đạo chủ chốt bị khởi tố, xử lý hình sự…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hồng Phong. |
Tổng bí thư đề nghị tỉnh sớm đưa ra giải pháp khắc phục bằng được những tồn tại này thời gian tới.
Về nhiệm vụ năm 2023, người đứng đầu Đảng lưu ý Thái Nguyên xác rõ tiềm năng, lợi thế tỉnh nhà để lựa chọn khâu đột phá, tạo bước phát triển mới mạnh mẽ hơn.
Dù là tỉnh miền núi, Thái Nguyên đã tiên phong trong chuyển đổi số.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bên cạnh đó, tập trung ưu tiên các nguồn lực và thực hiện những định hướng lớn, làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xác định rõ vị trí, vai trò của tỉnh để tạo động lực phát triển kinh tế vùng.
“Cần sớm xây dựng Thái Nguyên thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Lưu ý phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, Tổng bí thư nhắc Thái Nguyên tập trung phát triển nhà ở cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, phải làm tốt hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng tiêu cực, xử nghiêm cán bộ suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Tổng bí thư tin tưởng với những nền tảng, động lực đã có, Thái Nguyên sẽ sớm trở thành trung tâm công nghiệp lớn, hiện đại của vùng trung du và miền núi phía bắc, vùng thủ đô Hà Nội cũng như của cả nước.
Tỷ lệ người dân sở hữu ôtô cao nhất
“Từ một tỉnh miền núi nghèo, đến nay, Thái Nguyên đã lọt vào nhóm 18 tỉnh thu ngân sách cao nhất cả nước”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải chia sẻ kết quả phát triển của địa phương khi báo cáo với Tổng bí thư trước đó.
Thu ngân sách của tỉnh đạt 18.000 tỷ vào năm 2021 và trên 19.160 tỷ vào năm 2022 - cao nhất từ trước đến nay và vượt 30% so với kế hoạch Thủ tướng giao.
Bí thư Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Hồng Phong. |
“Năm 2023, Thái Nguyên tự cân đối ngân sách và có điều tiết số thu về Trung ương, về đích trước 2 năm theo Nghị quyết Đại hội”, bà Hải nói.
Trong thu hút đầu tư nước ngoài, Bí thư Thái Nguyên cho biết tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn là 171 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 10,3 tỷ USD. “Riêng trong năm 2021, Tập đoàn Samsung đã tăng vốn đầu tư thêm 1,3 tỷ USD”, theo bà Hải.
Năm 2023, Thái Nguyên tự cân đối ngân sách và có điều tiết số thu về Trung ương
Bí thư Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải
Đặc biệt, theo bà Hải, Thái Nguyên là tỉnh có tỷ lệ hộ dân sở hữu ôtô cao nhất cả nước, cứ 10 hộ dân thì hơn một hộ có ôtô.
Trong triển khai nhiệm vụ, Bí thư Nguyễn Thanh Hải tâm niệm phải luôn nỗ lực, nhiệt huyết. “Phải nóng, nhưng tuyệt đối không được vội; nhanh nhưng tuyệt đối không được ẩu; và chủ động trong mọi tình huống nhưng tuyệt đối không chủ quan”, bà Hải nhấn mạnh.
Hai cuốn sách có giá trị về lý luận và thực tiễn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là cuốn Toàn Đảng, toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc và Đoàn kết, vững tin đưa đất nước bước vào giai đoạn mới.
Hai cuốn sách tuyển chọn 180 bài phát biểu, bài viết, bài nói, bài trả lời phỏng vấn, thư, điện chúc mừng quan trọng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 4/2021.
Nội dung trong sách được sắp xếp theo bốn phần, tương ứng với bốn chủ đề: Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và Chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế.