Sáng 12/10, phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đây là sự kiện chính trị rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô.
Gợi mở một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhắc đến vị trí của Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Kinh tế tăng trưởng khá
Theo người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Hà Nội luôn phải giải quyết một khối lượng công việc lớn và khó, nhiều việc chưa có tiền lệ. Thành phố đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, có nhiều cách làm năng động, sáng tạo.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận nhiều kết quả thành phố đã đạt được. Trong đó, kinh tế thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 ước tăng 7,39%, bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD (gấp 1,8 lần bình quân chung cả nước).
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ghi nhận diện mạo thủ đô ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Ảnh: Việt Hùng. |
Hà Nội đã đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.
“Thủ đô đang ngày càng thể hiện rõ nét vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế, tạo động lực quan trọng đối với phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Thủ đô đang ngày càng thể hiện rõ nét vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế, tạo động lực quan trọng đối với phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Cùng với đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện.
Về công tác quy hoạch, quản lý đô thị, Tổng bí thư ghi nhận có nhiều tiến bộ, diện mạo thủ đô ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại hơn.
“Những kết quả đạt được của Đảng bộ thủ đô trong nhiệm kỳ qua là to lớn và quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của cả nước”, Tổng bí thư biểu dương.
"Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" thì rất khó làm
Bên cạnh những ưu điểm, người đứng đầu Đảng, Nhà nước cũng chỉ ra hạn chế, khuyết điểm của Hà Nội. Đó là kinh tế dù có tốc độ tăng trưởng khá, vẫn chưa tạo được các "đột phá lớn" và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thủ đô. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của thành phố chưa cao.
Các chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công còn ở vị trí thấp so với cả nước. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường có một số mặt còn hạn chế...
Tình hình tội phạm, an ninh, trật tự trong xã hội còn diễn biến phức tạp. Một số vụ việc vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất đai... chưa được tập trung xử lý kiên quyết, kịp thời, gây bức xúc dư luận; thậm chí, một số vụ việc phức tạp, kéo dài, trở thành điểm nóng về an ninh nông thôn, gây hậu quả nghiêm trọng.
"Cái này làm xấu hình ảnh của thủ đô, rất đáng tiếc", Tổng bí thư nói.
Dù đạt nhiều kết quả, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng chuyển biến trong lĩnh vực văn hoá - xã hội chưa thực sự xứng tầm với vai trò, tiềm năng, vị thế của thủ đô. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo nhận định của Tổng bí thư, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn thấp; tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa cao. Ý thức, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đây là những vấn đề mà Đảng bộ thành phố cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá khách quan và tập trung có giải pháp khắc phục kịp thời.
“Tôi không có ý chê trách gì Hà Nội. Tôi rất thông cảm, chia sẻ với khó khăn của thành phố vì tôi cũng có gần 10 năm công tác ở Hà Nội”, Tổng bí thư chia sẻ.
Nhắc lại câu nhiều người từng nói “Hà Nội không vội được đâu”, Tổng bí thư cho rằng có thực tế ở Hà Nội là “cái gì không định làm thì đem ra bàn”, vì nhiều ý kiến, nhiều người can thiệp khiến những việc định làm bàn lên bàn xuống, bàn đi bàn lại, có những công trình dự án kéo dài.
Đề cập đến vụ 8B Lê Trực, đường sắt cát Linh - Hà Đông và một số vụ việc tương tự ở Hà Nội, Tổng bí thư bày tỏ sự thông cảm, chia sẻ với khó khăn của thành phố, nhưng lưu ý “phải quyết tâm làm”.
Với tư cách là một công dân thủ đô, ông kiến nghị các cơ quan Trung ương phối hợp với Hà Nội tốt hơn, vì thực tế vẫn có những đề xuất mãi không được trả lời.
“Hà Nội là thủ đô của cả nước, bộ mặt của quốc gia, nếu ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’ thì rất khó làm”, Tổng bí thư lưu ý.
Hà Nội có lợi thế, tiềm năng không nơi nào có được
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhận định bối cảnh quốc tế và khu vực đang diễn ra những thay đổi nhanh chóng và khó lường. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Một lần nữa, ông khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Với Hà Nội, Tổng bí thư cũng nhận định thủ đô chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ.
“Yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn, sâu hơn, mạnh hơn. Vì sao? Bởi vì Hà Nội là thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là tụ khí tinh hoa, địa linh nhân kiệt”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Hà Nội. Ảnh: Duy Ngọc. |
Đặt câu hỏi thủ đô sẽ phát triển như thế nào trong những thập kỷ tới, Tổng bí thư cho rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của mình.
“Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, có nhiều lợi thế, tiềm năng mà không nơi nào có được. Do đó, Đảng bộ Hà Nội cần phải có tầm nhìn không chỉ là một hay vài nhiệm kỳ, mà phải nhìn xa hơn”, Tổng bí thư lưu ý.
Đảng bộ Hà Nội cần phải có tầm nhìn không chỉ là một hay vài nhiệm kỳ, mà phải nhìn xa hơn
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Nhấn mạnh thêm một số vấn đề, người đứng đầu Đảng, Nhà nước lưu ý Đảng bộ Hà Nội cần phát huy tốt hơn nữa. Với vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội cần huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thực sự là động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Song song với đó, TP phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; thực hiện hiệu quả thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, làm tốt hơn nữa công tác quản lý đô thị...
Nhấn mạnh Hà Nội tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước, Tổng bí thư cho rằng đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển thủ đô trong thời gian tới.
Trong công tác xây dựng Đảng, Tổng bí thư lưu ý “người có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Ảnh: Duy Ngọc. |
Trong công tác xây dựng Đảng, Tổng bí thư lưu ý “người có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Đặc biệt, thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Xử lý nghiêm minh, đồng bộ cả kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật những cán bộ vi phạm.
“Vừa rồi có trường hợp chúng ta đều biết, rất đau xót. Sắp Đại hội nhưng một lãnh đạo chủ chốt của thành phố bị xử lý, mà mới chỉ là bước đầu thôi. Đau lắm!”, Tổng bí thư nói.
Về công tác nhân sự, Tổng bí thư đề nghị lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thực sự tiêu biểu cho Đảng bộ để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ TP khoá XVII, cũng như bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội sẽ nắm bắt và phát huy tốt mọi thuận lợi, thời cơ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu xây dựng thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.