Khi gặp gỡ công chúng Hà Nội vào sáng 18/1, GS Đặng Văn Chí, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture Prize, chia sẻ niềm tự hào và xúc động vì “lần đầu tiên trở lại quê hương sau 50 năm, tôi thấy rất tự hào khi Việt Nam - một quốc gia đang phát triển - đã tiên phong tạo ra giải thưởng rất độc đáo”.
“Khoa học không đơn thuần là vì khoa học mà phải tạo ra sự khác biệt cho hàng triệu người trên thế giới”, GS Chí, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu ung thư Ludwig (Mỹ), nói trong buổi giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture Prize.
Với sự xuất hiện của những nhà khoa học danh giá, Tuần lễ khoa học VinFuture được đánh giá là sự kiện quan trọng và quy mô của giới khoa học công nghệ. Trong đó, giới nghiên cứu và công chúng đặc biệt mong chờ thời khắc vinh danh những nhà khoa học và dự án giúp tạo nên thay đổi tích cực cho hàng triệu người trên thế giới trong lễ trao giải tối 20/1.
Gần 600 đề cử chất lượng từ toàn thế giới
VinFuture Prize được lập ra để nuôi dưỡng những ý tưởng tưởng chừng điên rồ, nhưng có thể giúp ích cho nhân loại trong lâu dài, với tiêu chí trao giải thưởng cho các nghiên cứu đột phá và đổi mới công nghệ đi trước thời đại, đồng thời hỗ trợ các nhà nghiên cứu, nhà sáng chế trong giai đoạn then chốt của sự nghiệp để giúp họ phát huy hết tiềm năng.
Đến nay, giải thưởng VinFuture Prize đã nhận gần 600 đề cử từ 60 quốc gia sau 4 tháng tiếp nhận. Gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% được trích dẫn nhiều nhất. Nhiều người trong đó từng nhận các giải thưởng cao quý như Giải Nobel, Giải Breakthrough, Giải Japan Prize…
Giáo sư Richard Friend, Đại học Cambridge (Anh), cho biết ông tự hào khi được đồng hành cùng giải VinFuture năm đầu tiên trong tư cách chủ tịch Hội đồng Giải thưởng. Nói về chất lượng các đề cử, ông cho biết: “Chúng tôi nhận được hồ sơ không những nhiều về số lượng mà còn đảm bảo về chất lượng. Với hồ sơ như vậy, tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể cảm thấy tự hào”.
“Tôi thật sự ngạc nhiên và vui mừng khi nhận được số lượng lớn các đề cử rất mạnh từ mọi châu lục”, GS Friend chia sẻ, bày tỏ rằng con số này vượt quá kỳ vọng của ông. “Ban đầu tôi nghĩ được 200 đề cử là tốt lắm rồi”.
Trong khi đó, GS Albert Pisano - đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo VinFuture - nói VinFuture và tập đoàn Vingroup đã lựa chọn chủ đề “quá tốt”. “Những chủ đề này có sức thu hút đặc biệt với ứng viên từ các khu vực cách xa Việt Nam. Tôi nghĩ chính yếu tố này đứng sau thành công của giải thưởng”.
Theo thông tin từ ban tổ chức, trong số gần 600 đề cử, phần lớn tác giả là các nhà khoa học đến từ Bắc Mỹ (31,6%), châu Á (33,9%) và châu Âu (21%), nhưng VinFuture cũng ghi nhận sự góp mặt của các nhà nghiên cứu từ châu Đại Dương, châu Mỹ Latin và châu Phi. GS Chí cho rằng số lượng hồ sơ từ 6 châu lục chứng minh Việt Nam đang làm điều độc đáo và thu hút được sự quan tâm của bạn bè trên thế giới. “Tôi thực sự cảm thông Hội đồng Sơ khảo vì phải rà soát lượng công trình lớn như vậy”, ông nói.
Nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới
“Với tôi, giải thưởng này rất đặc biệt vì tôi là người Việt Nam. Đây không chỉ là giải thưởng của Quỹ VinFuture mà còn là giải thưởng đại diện cho đất nước và người dân Việt Nam”, GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California (Mỹ) nói trong buổi giao lưu.
Nhưng theo bà Quyên, điều khiến giải VinFuture thật sự nổi bật dù có tuổi đời còn non trẻ so với các giải thưởng quốc tế khác nằm ở sự tập trung vào những công trình khoa học có tác động thực tiễn.
“Là người từng sống trong một ngôi làng 16 năm trời không có điện, tôi thấy những công nghệ ngoài kia có thể không tác động trực tiếp đến những người nông dân, công nhân, hay là những người nghèo”, bà Quyên - đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo VinFuture - nói.
Từ đó, GS Quyên cho rằng giải VinFuture khác biệt vì mang những phát kiến có giá trị thực tiễn đến với người nghèo - những người thường không có cơ hội tiếp cận những công trình như vậy.
GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California (Mỹ) trong buổi giao lưu Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture ngày 18/1. Ảnh: Thạch Thảo. |
Tương tự GS Quyên, giáo sư Friend cũng cho rằng cần tôn vinh các nhà khoa học và những phát kiến thực sự mang đến tác động ý nghĩa trên toàn cầu cho người dân. “Ở phương Tây đôi khi có thể có tâm lý tách bạch giữa khoa học và cuộc sống của người dân, cũng như có thái độ cho rằng khoa học chỉ thuần túy là khoa học”.
“Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một câu hỏi nữa: Kết quả của khoa học sẽ có ý nghĩa như thế nào”, GS Friend khẳng định. “Tôi nghĩ rằng đây là những câu hỏi mà chúng ta cần phải trả lời được”.
Về phần mình, GS Pisano chỉ ra rằng VinFuture là một giải thưởng rất mạnh mẽ vì các hạng mục trao thưởng và giá trị giải thưởng.
Ông Pisano đang nhắc tới việc VinFuture sẽ trao một giải thưởng chính với giá trị 3 triệu USD và ba giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD, cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới.
“Những yếu tố này đã gửi đi thông điệp tới bất cứ ai làm trong ngành khoa học và công nghệ rằng họ không được quên đi mục tiêu quan trọng nhất: Con người”, ông Pisano khẳng định. “Đây là cách tiếp cận rất nhân văn và đó cũng là lý do tôi thấy rất tích cực về giải này”.
Các nhà khoa học đều đánh giá cao chất lượng của gần 600 đề cử VinFuture nhận được chỉ sau 4 tháng. Ảnh: Thạch Thảo. |
GS Quyên cho biết bà rất hạnh phúc vì biết cả thế giới quan tâm tới giải thưởng VinFuture. “Sứ mệnh của giải thưởng đã chạm đến trái tim nhiều người nên chúng tôi đã tiếp nhận nhiều ứng viên từ các đại lục, bao gồm nhiều nhà khoa học nữ”, bà nói. Theo ban tổ chức, các nhà khoa học nữ hiện diện ở tất cả hạng mục đề cử và chiếm 34,3% tổng ứng viên.
Để có được con số ấy, GS Quyên cho biết VinFuture đã phải tiếp cận các tổ chức, các viện, trung tâm nghiên cứu ở những nước đang phát triển để đề nghị họ gửi đề cử hoặc thực hiện công tác truyền thông.
Các nhà khoa học tham gia VinFuture có dịp trao đổi ý tưởng để tăng cường hợp tác nghiên cứu. Ảnh: Thạch Thảo. |
Do số lượng đề cử lớn và đa dạng, GS Quyên cho biết Hội đồng Giải thưởng VinFuture có sự trợ giúp từ nhóm tư vấn trong lúc thảo luận.
“Quá trình rà soát, chúng tôi cũng mời thêm chuyên gia hỗ trợ và trong tương lai, chúng tôi dự định bổ sung thêm 1-2 thành viên về các lĩnh vực quan trọng khác như biến đổi khí hậu”, bà Quyên nói.
Trước câu hỏi liệu “xuất xứ” Việt Nam của VinFuture có ảnh hưởng tới tính quốc tế của giải thưởng, GS Chí cho rằng thành phần thành viên Hội đồng Giải thưởng cùng số lượng ứng cử cho thấy điều này không đáng lo.
“Tôi nghĩ chính chất lượng của đề cử được nhận giải thưởng sẽ nói lên tất cả”, ông Chí nói.
Vào 20h10 ngày 20/1, Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sự kiện được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, phát trực tuyến trên các nền tảng kỹ thuật số của VTV, VinFuture, các kênh truyền thông quốc tế như CNN, CNBC, Euronews và TechNode…
Để đảm bảo an toàn cho sự kiện tầm cỡ thế giới, ban tổ chức đã có phương án kiểm soát và xét nghiệm Covid-19 cho các khách mời tham gia theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Bình luận