Covid-19 có thể làm tổn thương cơ tim. Chúng ảnh hưởng đến chức năng, mạch máu và nhịp tim. Điều này có một vài nguyên nhân.
Các tế bào trong tim có thụ thể men chuyển angiotensin-2 (ACE-2), nơi virus gắn vào trước khi xâm nhập vào tế bào. Tổn thương tim cũng có thể do mức độ viêm nhiễm cao lưu hành trong cơ thể. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại virus, quá trình viêm có thể làm hỏng một số mô khỏe mạnh, bao gồm cả tim.
Nhiễm nCoV cũng ảnh hưởng đến nội mạc tĩnh mạch và động mạch, có thể gây viêm mạch máu, tổn thương các mạch rất nhỏ và cục máu đông. Tất cả đều có thể làm tổn hại lưu lượng máu đến tim hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
Việc phục hồi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Rất ít người có tổn thương tim nặng do Covid-19. Tuy nhiên, hình ảnh học của tim có thể tiết lộ những thay đổi nhỏ trong cơ tim của bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19.
Đáng lưu ý, một số nghiên cứu trên các vận động viên đang hồi phục sau nhiễm nCoV cho thấy có vết sẹo. Họ cũng nhấn mạnh rằng những nghiên cứu này không so sánh kết quả với người không mắc Covid-19.
Các nhà khoa học vẫn chưa biết những thay đổi nhỏ này tồn tại trong bao lâu và chúng ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch như thế nào.
Các vấn đề về tim có thể xuất hiện hay tồn tại lâu sau khi mắc Covid-19 không? Câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Covid-19 được phát hiện từ năm 2019 và phần lớn những người sau mắc Covid-19 chỉ mới hồi phục được vài tháng. Thật khó để biết chính xác căn bệnh này sẽ ảnh hưởng đến trái tim của con người như thế nào về lâu dài và đây chỉ là một lĩnh vực được các nhà nghiên cứu quan tâm.
Covid-19 có thể làm tổn thương cơ tim và ảnh hưởng đến chức năng, mạch máu và nhịp tim. Ảnh: Hfcbenefits. |
Vấn đề về rối loạn nhịp tim và Covid-19
Sau khi mắc Covid-19, nếu cảm thấy tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, bạn nên liên hệ với bác sĩ. Các triệu chứng của nhịp tim nhanh hoặc không đều có thể bao gồm:
- Cảm thấy tim đập nhanh hoặc bất thường trong lồng ngực (đánh trống ngực).
- Cảm thấy lâng lâng hoặc chóng mặt, đặc biệt là khi đứng.
- Khó chịu ở ngực.
Những người đang hồi phục sau Covid-19 đôi khi xuất hiện các triệu chứng của tình trạng được gọi là POTS (hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng). Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu có mối liên hệ nào hay không.
POTS không trực tiếp là một vấn đề về tim mà liên quan thần kinh. Chúng ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh điều chỉnh nhịp tim và lưu lượng máu. Hội chứng có thể gây ra nhịp tim nhanh khi bạn đứng lên, dẫn đến sương mù não, mệt mỏi, đánh trống ngực, choáng váng...
Một số nghiên cứu cũng cho thấy các rối loạn nhịp nguy hiểm, đặc biệt rối loạn nhịp thất như ngoại tâm thu thất, nhanh thất. Các rối loạn này có chiều hướng tăng lên sau nhiễm nCoV.
Người ta nhận thấy tình trạng thiếu máu cơ tim có thể quan sát được ở những người bị bệnh Covid-19 cấp tính với biểu hiện như đau ngực, tăng men tim (troponin, biến đổi điện tim). Điều này có thể giải thích do tần số tim tăng, nồng độ oxy trong máu thấp hoặc thiếu máu. Tình trạng này ít phổ biến hơn ở những người đã sống sót sau mắc bệnh.
Rất ít trường hợp được báo cáo mắc suy tim sau nhiễm SARS-CoV-2. Những trường hợp này có thể gặp do có viêm cơ tim hay nhồi máu cơ tim khi nhiễm virus. Suy tim có thể là tình trạng đã có từ trước và sau nhiễm loại virus này tình cờ có thể biểu hiện rõ hơn về lâm sàng.
Trẻ em bị bệnh do nCoV thường không gặp các vấn đề nghiêm trọng như người lớn. Một biến chứng không phổ biến nhưng nghiêm trọng của Covid-19 được gọi là hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em hoặc MIS-C, có thể gây tổn thương tim nghiêm trọng, sốc tim hoặc tử vong.
Trẻ em đi khám hậu Covid-19 ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Một số trẻ em sau MIS-C có thể mắc rối loạn nhịp, chức năng tâm trương cơ tim. MIS-C có một số đặc điểm tương tự như bệnh Kawasaki.
Khi nào cần đến bệnh viện ngay?
Khi bạn có một trong các triệu chứng sau:
- Đau ngực dữ dội kèm theo buồn nôn, khó thở, choáng váng hoặc đổ mồ hôi.
- Đau ngực đột ngột, đặc biệt là có khó thở kéo dài hơn 5 phút.
- Đọc độ bão hòa oxy dưới 92%.
- Môi hoặc mặt tím xanh.
- Cơn khó thở khởi phát đột ngột.
Trường hợp bạn cần liên hệ với bác sĩ sớm nhất:
- Đau ngực dai dẳng, không dữ dội.
- Cơn đau ngực tự hết dưới 15 phút (nếu không, hãy gọi cấp cứu hoặc nhập viện gấp).
- Đau ngực khi gắng sức, thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
- Khó thở tăng lên khi nằm hoặc khi gắng sức.
- Khó thở kèm theo mệt mỏi hoặc sưng mắt cá chân .
Tóm lại, Covid-19 không chỉ gây cho chúng ta rắc rối khi mắc bệnh mà hậu quả để lại về sức khỏe vẫn còn nhiều điều chưa được hiểu biết đầy đủ. Những biến đổi về sức khỏe dù là nhỏ nhất cũng nên được quan tâm để có thể được phát hiện và xử trí kịp thời.
Bài viết do bác sĩ nội trú Nguyễn Đình Việt, Phó trưởng đơn vị Nội tim mạch và Cấp cứu tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cung cấp thông tin.