"Tây Du Ký" bản mới đang gây tranh cãi. |
Sohu đưa tin bộ phim Đại mộng Tây du: Ngũ Hành Sơn phát sóng trên nền tảng xem phim trực truyến ở Trung Quốc từ 23/9. Đây là bản làm lại, được cải biên từ tác phẩm ăn khách Tây du ký của tác giả Ngô Thừa Ân.
Theo đó, sự biến hóa nội dung của Đại mộng Tây du: Ngũ Hành Sơn hứng chỉ trích vì tình tiết "thêm mắm dặm muối" thái quá.
Phiên bản "dành đất" cho Tôn Ngộ Không bị chê
Đại mộng Tây du: Ngũ Hành Sơn có sự tham gia diễn xuất của Trì Trọng Thụy, Lê Diệu Tường, Lý Lập Quần, Trần Tín Triết, Phó Mộng Ni. Trong đó Trì Trọng Thụy sau 36 năm lại lần nữa xuất hiện trên màn ảnh với vai Đường Tăng. Ông từng đảm nhận nhân vật Đường Tam Tạng trong Tây du ký 1986.
Tác phẩm vẫn bám theo câu chuyện thỉnh kinh, làm chuyện lớn cho tam giới của thầy trò Đường Tăng. Tuy nhiên, trong Đại mộng Tây du: Ngũ Hành Sơn, vai trò của Đường Tăng và Tôn Ngộ Không bị đảo ngược. Kịch bản tập trung chủ yếu vào nhân vật Tôn Ngộ Không, thay vì chia đều đất diễn cho cả Đường Tăng và Trư Bát Giới.
Phim về Tôn Ngộ Không bị chê phi logic. Ảnh: Sohu. |
Nội dung kể về Tôn Ngộ Không (Trương Tín Triết đóng) sau khi đại náo thiên cung, đã bị Phật Tổ Như Lai giam dưới Ngũ Hành Sơn để ăn năn hối cải. Lúc này, Thái Bạch Kim Tinh giao cho Bồ Đề Tổ Sư nhiệm vụ đưa chuỗi ngọc nguyên thần đến linh đài núi Phương Thôn.
Trên đường đi, Bồ Đề Tổ Sư bị quỷ vương chặn đánh. Trong tình thế khó khăn, Thái Bạch Kim Tinh cầu cứu Tôn Ngộ Không. Từ đây, Tôn Ngộ Không trở thành người thay thế Bồ Đề Tổ Sư thực hiện sứ mệnh bảo vệ và hộ tống chuỗi ngọc nguyên thần đến nơi chỉ định. Trong hành trình chiến đấu với quái vật của mình, Tôn Ngộ Không gặp gỡ và kết giao với Bát Giới (Lê Diệu Tường).
Đến cuối phim, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Tôn Ngộ Không tiếp tục về Ngũ Hành Sơn chịu tội và đợi Đường Tăng (Trì Trọng Thụy) đến gỡ phong ấn.
Sohu đánh giá nội dung của Đại mộng Tây du: Ngũ Hành Sơn phi lý. Tôn Ngộ Không có pháp lực cao cường, anh có thể một mình hộ tống chuỗi ngọc nguyên thần "đến nơi đến chốn" mà không cần sự giúp đỡ hay đồng hành của Bát Giới.
Chưa kể, việc để Tôn Ngộ Không phải chinh chiến nghìn dặm, trải qua đủ khó khăn và nguy hiểm mới hoàn thành nhiệm vụ được cho là không hợp lý. Trước đó, nhân vật này cho thấy bản thân không có đối thủ, khiến cả thiên cung náo loạn bằng bản lĩnh của mình.
"Kịch bản chắp vá hỗn độn, ngập tràn sự phi lý khi 'cưỡng chế' Tôn Ngộ Không gặp gỡ Đường Tăng và Bát Giới", Sohu bình luận về Đại mộng Tây du: Ngũ Hành Sơn.
Tranh cãi chuyện vua khỉ biết yêu
Theo Sina, ngoài nội dung có vấn đề logic, Đại mộng Tây du: Ngũ Hành Sơn còn để Tôn Ngộ Không, Bát Giới biết yêu, trải qua sóng gió tình trường. Trước khi cùng Tôn Ngộ Không làm việc lớn cho thiên đình, Bát Giới là người chung tình, có vợ đẹp. Sau đó, vợ Bát Giới bị giết. Vì vậy, anh quyết định bái Tôn Ngộ Không làm sư huynh và đi theo vua khỉ.
Trong khi Tôn Ngộ Không lại có mối quan hệ tình cảm với Họa Âm (Phó Mộng Ni đóng). Cô đồng hành cùng Tôn Ngộ Không trong suốt chặng đường đưa chuỗi ngọc nguyên thần về núi Phương Thôn. Họa Âm gây chú ý khi có đôi tai dài. Tạo hình này khiến khán giả khó hiểu không biết Họa Âm là tiên hay yêu.
Những cải biên lố bịch của bộ phim khiến khán giả phẫn nộ và phản ứng dữ dội. Ảnh: Sohu. |
Họa Âm có chuyện tình yêu dang dở với Tôn Ngộ Không. Ở cuối phim, Tôn Ngộ Không suýt mất mạng vì đánh không lại quái vật. Sau đó, Họa Âm đứng ra bảo vệ Tôn Ngộ Không và hy sinh. Chứng kiến sự ra đi của Họa Âm, Tôn Ngộ Không đau lòng, bùng nổ sức mạnh để giết chết quỷ vương.
Việc xuất hiện của Họa Âm gây tranh cãi. Đa số khán giả đều cho rằng nhân vật này không cần thiết có mặt trên phim. Đại mộng Tây du: Ngũ Hành Sơn bị chê vay mượn kịch bản Tây du ký: Mối tình ngoại truyện của Châu Tinh Trì.
Thay vì là nhân vật Đường Tăng có tình cảm với một ca nữ như bản phim của vua hài Hong Kong, biên kịch Đại mộng Tây du: Ngũ Hành Sơn chuyển thành Tôn Ngộ Không. Tuy nhiên, mối quan hệ của Tôn Ngộ Không với Họa Âm bị đánh giá dư thừa và là chiêu trò câu khách của nhà sản xuất. Phim gây bức xúc khi xây dựng nhiều cảnh tình cảm quá đà giữa Tôn Ngộ Không và Họa Âm.
"Bản phim Tây du ký của Châu Tinh Trì có nhiều tình tiết phi lý, nhưng được ông khéo léo biến hóa sao cho hợp lý, thuyết phục. Nhưng Đại mộng Tây du: Ngũ Hành Sơn lại là 'cơn ác mộng' của sự góp nhặt tình tiết trong các tác phẩm như Tây du ký, Đại Thánh trở về, Đại thoại Tây du, Ngộ Không truyện. Phim quá tệ và là thảm họa cải biên", Sina nhận xét gay gắt.