Urmila là người giúp việc, sống trong một khu ổ chuột ở South Delhi. Nhờ chương trình vệ sinh Swachh Bharat của chính phủ Ấn Độ, Urmila giờ có nhà vệ sinh riêng trong nhà. Cô không còn phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng nữa. Nhưng Urmila kể rất nhiều người sống quanh cô không thích dùng nhà vệ sinh riêng.
Trong khi đó, Meera - sống tại một khu ổ chuột ở thủ đô New Delhi - thường đi vệ sinh ngoài trời vào lúc ban đêm. Người Ấn Độ có quan niệm cổ hủ rằng phòng vệ sinh đặt trong nhà sẽ làm "ô uế" ngôi nhà.
Theo CNET, vệ sinh vẫn là vấn đề rất lớn tại Ấn Độ. Quốc gia 1,3 tỷ dân không có đủ số nhà vệ sinh đạt chất lượng cho toàn bộ dân số. Điều đó có nghĩa là hàng trăm triệu người dân Ấn Độ đi vệ sinh ngoài trời. Tình trạng đó làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tả, thương hàn và Covid-19.
Nhiều nhà vệ sinh xuống cấp trầm trọng tại Ấn Độ. Ảnh: Cnet |
Tiêu tốn 30 tỷ USD
Ước tính ở Ấn Độ, mỗi năm có 126.000 người tử vong vì bệnh tả. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi khởi động chương trình Swachh Bharat (Ấn Độ sạch) từ năm 2014. Theo đó, chính phủ hạn chế tình trạng phóng uế bừa bãi bằng cách nâng cao ý thức vệ sinh của người dân và xây hàng triệu nhà vệ sinh mới.
Chính quyền Ấn Độ đạt một số thành công nhất định, nhưng chương trình Swachh Bharat chưa hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đang lây lan tại Ấn Độ với số người nhiễm bệnh lên đến 4,75 triệu, bao gồm 78.000 ca tử vong.
Theo số liệu thống kê năm 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF, Ấn Độ là quốc gia đứng nhất trên toàn cầu về tình trạng vệ sinh ngoài trời với hơn 344 triệu người không sử dụng nhà vệ sinh thường xuyên. Trở lại những năm 2000, con số này cao gấp đôi với hơn 764 triệu người.
Chính phủ Ấn Độ chi hơn 30 tỷ USD trong 7 năm qua để cải thiện điều kiện vệ sinh trên khắp đất nước. Chính phủ xây hơn 100 triệu nhà vệ sinh, đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi tình trạng phóng uế bừa bãi xảy ra phổ biến.
Sáng kiến nhà vệ sinh thép tại Ấn Độ. Ảnh: CNET. |
Ngoài chương trình xây mới nhà vệ sinh, dự án Swachh Bharat còn thúc đẩy hoạt động quảng bá, nâng cao ý thức vệ sinh của người dân. Áp phích cổ động Swachh Bharat xuất hiện khắp nơi, rất nhiều người nổi tiếng tham gia. Mục tiêu là thay đổi dần hành vi của người dân Ấn Độ để họ hình thành thói quen sử dụng nhà vệ sinh.
Dự án Swachh Bharat còn thúc đẩy nhiều cải tiến mới để giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn. Google Maps tại Ấn Độ hiển thị vị trí của hơn 57.000 nhà vệ sinh công cộng trên khắp quốc gia Nam Á.
Các công ty khởi nghiệp như Garv Toilets, Ekam và Basic Shit ra đời, chuyên nghiên cứu và phát triển các nhà vệ sinh kiểu mới bằng thép không cần nhiều công sức bảo trì, công nghệ bồn tiểu không mùi, không nước...
Nhiều vấn đề bỏ ngỏ
Dân số đông và thiếu cơ sở hạ tầng vệ sinh là nguyên nhân chính cho thói quen thiếu vệ sinh và dẫn đến cuộc khủng hoảng sức khỏe tại Ấn Độ. Mặt khác, người dân Ấn Độ thường không giữ gìn các nhà vệ sinh công cộng, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng chỉ sau thời gian ngắn sử dụng.
Nhiều người Ấn Độ vẫn xem vệ sinh ngoài trời là một lựa chọn "sạch sẽ" hơn sử dụng nhà vệ sinh trong nhà. Do đó, hàng nghìn phòng vệ sinh trong nhà bị bỏ không ngay cả khi chính phủ xây mới cho người dân sử dụng.
"Vấn đề của Ấn Độ là cần phải thay đổi hành vi của người dân về việc sử dụng nhà vệ sinh. Điều này sẽ mất khá nhiều thời gian", CNET dẫn lời Tom Slaymaker, chuyên gia dữ liệu phụ trách theo dõi vấn đề vệ sinh toàn cầu của UNICEF, nhận định.
Kabir Agarwal, phóng viên trang tin tức The Wire ở Ấn Độ, dành nhiều năm liền theo dõi dự án Swachh Bharat. Ông cho biết số lượng nhà vệ sinh thực tế được xây dựng đang bị thổi phồng bởi chính phủ không kiểm soát kỹ hoạt động xây dựng nhà vệ sinh.
Không gian ngoài tại khu ổ chuột Faridabad, India. Ảnh: CNET. |
Các hộ gia đình được cấp 12.000 rupee (160 USD) để xây nhà vệ sinh, nhưng khoản tiền này thường bị chủ nhà hoặc chủ công ty xây dựng bỏ túi riêng, ông nói. Theo CNET, khu ổ chuột ở Faridabad phản hồi chủ đầu tư nhận tiền nhưng chỉ xây dựng những nhà vệ sinh tạm bợ, kém chất lượng nhằm kiếm lời riêng.
Trong các trường hợp khác, không có người giữ gìn nhà vệ sinh, vì vậy hàng nghìn nhà vệ sinh nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng hoặc bị phá hoại. “Không ai giữ nhiệm vụ làm sạch các nhà vệ sinh này”, ông Agarwal phản ánh.
Bên cạnh đó, ông Sushmita Sengupta, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường, cho biết hệ thống xử lý nước thải tại các thành phố lớn của Ấn Độ cũ kỹ, thiếu khả năng xử lý lượng lớn chất thải từ các nhà vệ sinh kiểu mới. "Công việc đưa chất thải đến các nhà máy xử lý và ngăn nước thải làm ô nhiễm nguồn nước sẽ là một nhiệm vụ lớn khác", Sengupta cho biết.