Anh Đào Văn Cường (xóm 6, xã Kim Đông) cho biết gia đình có gần 2 mẫu đầm tôm sắp đến kỳ thu hoạch. Đầu tuần trước, anh phát hiện tôm ngoi ngóp nổi lên mặt nước rồi chết dần. Số lượng tôm chết tăng dần và cho đến nay tôm nuôi của gia đình anh đã chết trắng.
“Hai vợ chồng tôi mua thuốc về xử lý nhưng không kịp. Bao nhiêu công sức, tiền đầu tư của gia đình vào vụ tôm này giờ mất trắng”, anh Cường than thở.
Tôm nuôi của các hộ ở huyện Kim Sơn chết hàng loạt. Ảnh: N.D. |
Ở xã Kim Hải có trên 289 ha nuôi tôm. Những ngày qua, hàng trăm hộ dân cũng rơi vào cảnh tương tự.
Ông Hoàng Ngọc Thành, Phó chủ tịch UBND xã Kim Hải, cho biết có 90% diện tích nuôi tôm bị chết với 247 hộ bị thua lỗ nặng. “Nguyên nhân ban đầu dẫn đến việc tôm chết hàng loạt có thể là thời tiết nắng nóng và nước trong ao nuôi bị xâm nhập mặn quá mức”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, xã đang phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh tiếp tục lấy mẫu nước để làm rõ thêm nguyên nhân.
Tôm chết đột ngột khiến người nuôi không kịp trở tay. Ảnh: N.D. |
Theo thống kê, 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn, gồm: Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung có diện tích ao, đầm nuôi tôm bị chết đã lên đến trên 685 trong tổng số 956 ha, với 1.053 hộ bị thiệt hại. Tôm chết chủ yếu là tôm thẻ, tôm sú đa phần đã gần đến kỳ thu hoạch. Có nhiều hộ vừa thả nuôi được 2 tháng.
Các chuyên gia khuyến cáo, để xử lý hiệu quả các ao nuôi tôm bị chết, các hộ nuôi tôm ở huyện Kim Sơn nên thu hoạch các diện tích tôm có thương phẩm, còn các loại tôm nhỏ nên vớt đem chôn tiêu hủy.