Đất biệt thự đất rừng thành hồ tôm
Theo dọc QL1A xuống hết nam đèo Phú Gia trở vào trung tâm thị trấn Lăng Cô, không khó để bắt gặp những hồ nuôi tôm chân trắng tự phát. Các hồ tôm đua nhau hình thành kể từ mép đầm Lập An len tận đến những khu dân cư đông đúc, vươn lên sát mép quốc lộ, thậm chí xuất hiện ngay trong khuôn viên biệt thự cao cấp.
Tại tổ dân phố Lập An, dân địa phương cho biết, kể từ khi cơn sốt nuôi tôm chân trắng bùng phát từ nửa đầu năm 2015 đến nay, hễ lô đất nào còn trống dọc theo QL1A (phía bờ đầm Lập An) đều được “hô biến” thành ao nuôi tôm mà không vấp phải sự cấm cản nào từ chính quyền.
Khu nuôi tôm chân trắng tự phát cạnh đất rừng phòng hộ. Ảnh: Ngọc Văn. |
Nhiều người dân trong vùng bày tỏ lo lắng về nguy cơ nhiễm mặn diện rộng vào khu vực dân cư, mạch nước ngầm do hồ nuôi tôm chân trắng tự phát. “Không hồ nuôi nào ở đây có hệ thống xử lý nước thải. Tất cả đều đầu tư vội. Hàng nghìn khối nước bẩn nhiễm mặn, không qua xử lý sau nuôi được xả ra. Nguy cơ nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, ngấm mặn diện rộng là khó tránh khỏi”, một người dân cho biết.
Chúng tôi thâm nhập vào “đại bản doanh” tôm chân trắng thuộc khu vực Loan Lý. Khu này cách xa dân cư, thuộc vùng canh tác rau màu của dân địa phương và đất rừng do chính quyền quản lý. Tuy nhiên, cả một vùng đất nông nghiệp, lâm nghiệp rộng lớn dọc theo đầm Lập An trước đây giờ đã biến thành hàng chục ô khoảnh, ao hồ nuôi tôm tự phát, nối tiếp nhau kéo dài cả cây số.
Thấy người lạ “đột nhập” vào vùng nuôi tôm giữa trưa vắng, hai người đàn ông trung niên trong tình trạng nhừa nhựa say lập tức áp sát bằng xe gắn máy, vẻ mặt hầm hố. Nghe giới thiệu là khách cần tìm mua hồ tôm, một trong hai người xưng tên là Hoàng, khoát tay: “Muốn mua mấy hồ nuôi cũng có, mỗi hồ (khoảng hơn 300 m2 - PV) giá trên 100 chai (100 triệu đồng) không bớt. Nếu cần các anh đặt cọc luôn, vài hôm sau về viết giấy nhận hồ”.
Nghe khách băn khoăn về nguồn gốc đất nuôi tôm vướng rừng, người đàn ông tên Hoàng trấn an: “Dù trước là đất rừng, đất ruộng gì đi nữa, nhưng hồ là của mình rồi, không ai làm gì được đâu. Dân đây vẫn nuôi vô tư đó thôi. Mà nếu gặp khó khăn chi, có anh Hoàng đây lo tất”.
Mất kiểm soát
Tình trạng nuôi tôm chân trắng trái phép đã diễn ra vài tháng lại đây. Ban đầu, chỉ có một vài hồ ở vùng Hói Dừa, Hói Mít, sau đó lan rộng ra nhiều khu vực như Loan Lý, Lập An… Ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, cho biết: Tình trạng nuôi tôm chân trắng trái phép không chỉ ở những vùng ven đầm, mà còn lan sang đất nông nghiệp, đất ở, lấn đất trồng rừng…
“Ban đầu, dân đào hồ trong khu đất vườn ao liền kề, chúng tôi đến kiểm tra nhưng không thể xử lý, vì thuộc phạm vi cho phép làm ao nuôi thủy sản nói chung. Sau họ mới thả nuôi tôm chân trắng”, ông Giảng nói. Tuy nhiên, khi phóng viên thắc mắc về tình trạng hồ tôm chân trắng xây dựng chủ yếu trên đất nông nghiệp, đất ở, lấn chiếm đất rừng, không được chính quyền ngăn chặn xử lý, ông Giảng
im lặng.
Thống kê bước đầu của chính quyền địa phương, tại thị trấn Lăng Cô hiện có gần 100 hộ nuôi tôm chân trắng trái phép, trên diện tích hàng chục ha. Ông Trần Văn Giảng thừa nhận: “Việc ô nhiễm đầm Lập An là đương nhiên nếu nuôi tôm chân trắng trái phép không bảo đảm quy trình kỹ thuật như hiện nay”.
Theo ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch thị trấn Lăng Cô, hầu hết hộ nuôi tôm chân trắng tự phát hiện nay tại địa phương đều đã bị thua lỗ ngay trong vụ nuôi đầu tiên, với mức lỗ từ 20 đến 30 triệu đồng/hộ.