"Chị em mình chỉ ngồi trò chuyện thôi, không có quay hình hay chụp gì em nhé", Bích Hường dặn dò khi tôi ngỏ ý đến nhà phỏng vấn về vụ tai nạn hơn 11 tháng trước.
Nguyễn Thị Bích Hường (30 tuổi) là nữ tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines, bị Nguyễn Trần Hoàng Phong lái xe Mercedes tông vào rạng sáng 30/1.
Tài xế GrabBike chở chị tử vong, còn Hường bị thương tật 79%. Vụ án sau gần một năm được TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) đưa ra xét xử sáng 15/12.
Chuỗi ngày đau đớn
Khoảng 5h mùng 6 Tết Canh tý, Hường kéo vali rời nhà. Chị mở app đặt GrabCar để di chuyển đến sân bay như mọi khi. Chuyến bay gần nhất mà chị phục vụ là từ Australia về Việt Nam, cách 2 ngày trước.
Tuy nhiên, vì xe lâu đến, sợ muộn giờ bay nên chị đã chuyển sang đặt GrabBike. Tài xế Lê Mạnh Thường đón Hường ở sảnh chung cư.
Bích Hường vốn là tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Đèn đường vẫn sáng, Hường leo lên xe máy, vừa cầm điện thoại bấm được một chút thì "ầm"... Chiếc Mercedes màu đen chạy ngược chiều, tông trực diện vào xe của ông Thường đang chở Hường, cuốn tất cả vào gốc cây ven đường và làm nát chiếc bàn của người đàn ông đang ngồi cạnh đó.
Theo hình ảnh camera ghi lại, Hường và tài xế GrabBike nằm bất động trong đống đổ nát, người lái ôtô bước xuống xe, tiến lại nhìn hai nạn nhân. Sau đó, những người dân bên đường đến hỗ trợ gọi người thân và đưa các nạn nhân đi cấp cứu.
Theo cáo trạng, Nguyễn Trần Hoàng Phong gọi điện đến trung tâm cấp cứu 115 thông báo vụ tai nạn rồi rời khỏi hiện trường. Tuy nhiên, chị Hường cho biết chính người thân của chị gọi cấp cứu, không phải Phong.
"Tôi không bất tỉnh sau vụ tai nạn, nên tôi cảm giác được chiếc xe đó đè qua mình như thế nào, tôi đau đớn ra sao. Cảm giác đó vẫn còn nguyên", Hường kể.
Do vết thương quá nặng, ông Thường tử vong ngay sau đó. Còn Hường bị vỡ ổ cối, gãy xương đùi, xương cùng, gãy kín chỏm xương, gãy chân mu hai bên...
Hường được đưa vào cấp cứu ở bệnh viện và ca mổ kéo dài 5 giờ sau đó đưa chị thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Tỉnh dậy sau ca mổ, Hường đau đớn vì các vết thương và tuyệt vọng khi nhìn thấy cơ thể mình bị cố định vào các cuộn băng trắng muốt, chằng chịt dây nhợ.
"Thời gian đó nó gần như người thực vật, mọi sinh hoạt phải có mấy người phụ giúp", mẹ của Hường nhớ lại.
Gần 11 tháng qua, chị phải phẫu thuật thêm 3 lần nữa để xếp lại xương, hàn nẹp xương chậu, chuyển gân. Toàn bộ chi phí do gia đình tự chi trả. Cơ quan chức năng xác định chị mang thương tật 79%.
Gác lại ước mơ
Tôi đến nhà Hường vào buổi chiều theo giờ hẹn, sau khi chị tin tưởng là cuộc gặp sẽ chỉ có trò chuyện, không quay phim hay chụp ảnh.
Hường sống cùng mẹ và con trai trong căn hộ gần 70 m2 ở chung cư gần sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, TP.HCM. Lúc tôi đến, chị vẫn cặm cụi kiểm hàng, đóng gói mỹ phẩm để giao cho khách.
Công việc tiếp viên hàng không từng cho chị cơ hội đi nhiều nơi nên Hường đã mua mỹ phẩm về bán. Sau vụ tai nạn, di chuyển khó khăn và mất thu nhập từ công việc, chị càng chăm chỉ bán hàng online hơn.
Nếu chỉ nhìn vào gương mặt rạng rỡ, xinh đẹp và nụ cười tươi của Hường, tôi không thể hình dung gần một năm qua, người phụ nữ này đã phải trải qua những gì.
"Tôi vừa mới phẫu thuật chuyển gân cách đây hơn một tháng", chị nói và chỉ vào phần chân chi chít sẹo, bàn chân bị vênh và hai ngón chân gần như mất cảm giác.
Từ đùi kéo dài lên đến phần xương chậu của Hường là vết sẹo dài và to - vết thương Hường từng ngỡ có nguy cơ hoại tử vì mãi không lành. Chị khoe vừa được một người xa lạ tốt bụng gửi tặng thuốc để đắp vào cho đỡ nhức.
Vẫn có nhiều người xa lạ như thế quan tâm, hỏi han, động viên Hường sau vụ tai nạn. Nhưng còn Phong và người thân của anh ta thì không một sự quan tâm, bồi thường khi gây nên thương tật nặng nề cho nữ tiếp viên hàng không này.
Hường rất mê làm tiếp viên. Chị nói vì "tính thích bay nhảy". Trước khi nộp đơn thi vào Vietnam Airlines, Hường có làm cho công ty Hàn Quốc được hơn một tháng nhưng chán quá nên nghỉ. Thi, đậu và trở thành tiếp viên hàng không là niềm hạnh phúc của chị.
Thế mà chính vụ tai nạn sáng mùng 6 Tết đó đã khiến chị phải gác lại công việc, gác lại đam mê, mất thu nhập để nuôi con và trang trải cuộc sống.
"Cơ quan nói sẽ thu xếp công việc mặt đất cho tôi làm khi sức khỏe hồi phục. Nhưng sức khỏe mình thế này thì khó lắm", Hường ngậm ngùi, hai bàn tay xoa vào chân trái teo tóp.
Trước khi gặp Hường, tôi đã xem qua những hình ảnh trên Facebook của chị. Đó là một cô tiếp viên xinh đẹp, thích chụp hình, luôn ghi lại hình ảnh của mình ở những nơi đặt chân đến...
"Giá mà kẻ gây ra vụ tai nạn hay gia đình anh ta có hành động nào đó để xoa dịu nỗi đau của tôi. Nhưng không. Gần một năm qua tôi như bị tù đày, cả về thể xác lẫn tinh thần", chị bày tỏ.
Suốt buổi chiều trò chuyện với tôi, Hường vẫn hay mỉm cười. Chiếc nạng đặt cạnh cửa vào phòng ngủ vẫn được chị dùng để di chuyển đoạn ngắn. Còn mẹ cô thì mấy tháng nay đã thay Hường làm nhiệm vụ vận chuyển hàng, giao cho shipper.
"Người còn sống thì vẫn phải sống tiếp. Và người gây ra tội thì phải chịu sự trừng trị của pháp luật", Hường nói.