Nhà văn có nhiều sách không? Có. Rất nhiều. Tôi từng nhìn thấy ngôi nhà y như một thư viện khoa học đủ loại sách, gọn gàng, thẳng thớm, có cả thư mục của nhà nghiên cứu phê bình văn học Phong Lê, thư viện sách tới 4 mặt tường phải bắc thang lên xem của nhà văn Hồ Anh Thái. Không gian sách đẹp, vừa nhìn là chỉ muốn không xin phép gia chủ để ngồi xuống đọc ngay.
Rồi không gian thật nhiều sách nghiên cứu, sách văn học sắp xếp trật tự như xếp hàng của nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng như một thư viện gia đình trong không gian sống. Trước nữa là dịch giả Thái Bá Tân, nhà thơ Lữ Huy Nguyên…, nhà văn ấy nhiều sách vô kể. Nhìn sự sắp đặt sách cho công việc viết và nghiên cứu của nghề viết, tôi rất nể trọng.
Nhưng cũng thường tình, có nhà văn không lưu giữ sách, ví như nhà văn lớn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mà tôi biết. Ông không lưu trữ nhiều sách, mặc dù biết sự đọc bằng nguyên bản tiếng Anh, tiếng Pháp của các bậc tiền bối thật ngưỡng mộ. Các nhà văn lão làng đọc thiên kinh vạn quyển, lại không lưu giữ sách, có thể vì nhà hẹp và các nhà văn đọc xong thì kiến thức đã gói lại trong đầu, trong tim. Họ, không cần lưu trữ nữa, cần thiết họ lên Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội tra cứu và đọc.
Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Ảnh: HVH. |
Nhà tôi cũng có nhiều sách của 50 năm mua sách, và sách bạn văn tặng hai vợ chồng cùng nghề viết. Khi sắp xếp lại, cũng là một cách thu dọn ngắn lại cho cuộc đời mình. Sắp xếp lại thấy có bao nhiêu lưu bút của nhà văn ký tặng, chữ đã ố vàng, mực đã nhòe. Nửa thế kỷ sách được tặng đến ký tặng, cũng có lúc sách nằm yên trên giá. Ký ức ngày một xếp chồng lên nhau. Sách chồng lên sách.
Khi tôi lật giở trang sách văn học từ năm 1970, có quyển giá có 1 đồng 35 xu. Những quyển sách như Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài, bộ sách Chiến tranh và hòa bình giá 1 đồng 1 cuốn, trọn bộ 4 cuốn, giá 4 đồng. Ngày đó tôi đi làm thợ mài ở nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, lương có 36 đồng một tháng, phải dành dụm mãi mới mua được cả bộ 4 cuốn để đọc. Vẫn nhớ cửa hàng sách phố Huế đối diện chợ Hôm Đức Viên, còn có bác Ninh bán sách hay dành sách văn học cho riêng tôi.
Thời đó không có Internet, đèn điện cũng phải tiết kiệm mỗi khi đọc sách. Sách trở thành người bạn tri kỷ với đời sống cá nhân tôi, với ngọn đèn dầu và đèn tiết kiệm điện. Để có sách đọc, vào đại học tôi mới xin được chiếc thẻ mua sách của Nhà Xuất bản Văn học ở 49 phố Trần Hưng Đạo.
Thời đó mua sách cũng xếp hàng như mua thịt cá, đậu phụ, tem phiếu. Thời đó cô bán sách của Nhà xuất bản Văn học mặt hơi rỗ hoa, điệu đàng và khó đăm đăm. Cô ta nói không có sách này, sách kia thì có thẻ cũng về không. Sách lúc đó quý hiếm lắm, không tràn lan sách, ê hề sách và có cả sách lậu như bây giờ. Thời đó không có điện thoại, vi tính để mà tha hồ đọc lướt trên mạng. Sách giấy đã trở thành báu vật của người yêu văn chương và thích viết.
Khi lật giở lại cuốn Chiến tranh và hòa bình, tôi vẫn thích đọc lại một trang về Andray Bolkonski bên cây sồi mùa đông. Trang giấy đã ngả màu vàng, có chỗ đã ố vàng, nhưng rất ít lỗi mo rát, mỗi trang sách rất ít hạt sạn. Thời đó ấn hành hơn 25.000 cuốn. Cũng như sách của nhà văn Nguyễn Công Hoan, ấn bản hơn 20.000 cuốn, vẫn hết bay.
Hồi đó cậy cục mãi mới mua được cả bộ, nhớ lại những bộ sách quý trong tủ, không nỡ loại đi, dù nhà tôi mối xông tới vài ba lần. Mối xông cả bản thảo tiểu thuyết của chồng tôi, nhiều cuốn sách khác đã chẳng còn khi nhà tôi mất. Tủ sách, quần áo, bỏ đi rỗng cả trong nhà bao nhiêu năm.
Bao nhiêu năm ấy, cũng có lúc phải gửi sách tặng nhà trường trên núi cao vì ở nơi núi thầy cô không có để đọc. Thầy cô sống trên núi trân quý sách lắm. Nhớ hồi tôi lên Lao Chải (tỉnh Hà Giang) thấy chỗ nằm của cô giáo gối đầu giường là một cuốn sách cũ, cô đọc nát cả gáy sách mà không có cuốn thứ hai. Những đêm mùa đông họ xa nhà đi dạy học, một tháng hay một tuần mới được về thăm nhà.
Nhìn đời sống tinh thần của thầy cô giáo vùng Lao Chải, thấy sách quý giá biết bao. Nơi đó rất cần sách. Giá như ở miền xuôi cứ gửi sách lên thư viện của các trường vùng cao thì tốt biết mấy. Tốt biết bao nhiêu nếu như có sách của miền xuôi gửi lên miền núi. Có nhiều thầy cô giáo không có sách văn học, sách khoa học sức khỏe để đọc nâng cao trình độ chuyên môn cho mình và mở ra những kiến thức rộng lớn hơn trong mỗi bài giảng cho học trò.
Lưu bút của nhà biên kịch Tào Mạt. Ảnh: HVH. |
Sách vốn quý như một người bạn tri kỷ, nó gắn với ngọn đèn, với đêm đông mưa phùn, với mùa thu xao xác heo may. Những năm tháng đó xếp hàng, xin thẻ mua được bộ sách của Nhà Xuất bản Văn học là niềm hân hoan, vui mừng không sao tả xiết. Nó khác hẳn với tâm trạng dư dả, đầy đủ đáp ứng nhu cầu sách dành cho bạn đọc thời nay. Một khi sự thiếu thốn lại rẽ sang khát vọng khác, chỉ mơ, mua được cuốn sách hay đã là hạnh phúc lắm rồi. Thời của bom đạn, phía sau cuộc chiến, biết bao nhiêu thứ không có trong đời sống thường nhật, và ai ai cũng vượt lên để tiếp tục sống.
Tôi đã đóng từng thùng sách hy vọng gửi lên thư viện vùng núi, để các thầy cô dạy văn học và các em nhỏ yêu văn học được đọc. Những quyển sách của nhà văn tên tuổi như Đoàn Giỏi, Nguyên Hồng, Nam Cao, Sơn Nam, Tô Hoài… lên đến tận vùng núi, chỉ mong văn hóa đọc được nhân rộng. Nhớ lại có bạn văn kể rằng, dịch giả Thái Bá Tân từng đóng góp cho thư viện hàng xe tải sách.
Thái Bá Tân từng làm biên tập ở Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, ông dịch sách và đọc nhiều vô kể. Cuối cùng cũng phải hiến dâng sách cho thư viện. Thật có ý nghĩa. Khác hẳn với một nhà thơ khác, khi hay tin ông mất, gia đình bán hết sách cho bà chai chè đồng nát. Đó là khi con người ứng xử với chữ, kể cả sách tặng và sách mua đều ra hàng sách cũ, sách đồng nát. Tác giả nhìn thấy chắc buồn.
Nhưng với người ham mê đọc, mua được quyển sách hay họ vẫn ngốn ngấu đọc. Đôi khi ngồi đọc lại từng áng văn hay, giá trị của văn hóa đọc thấm từ từ, từ từ, rồi hiểu ra, thức ngộ để mình lớn lên, thay đổi, sống có ý nghĩa hơn. Nhà tôi đã hai lần chuyển nhà, đã mối xông vài bận mà không bỏ được sách cũ, sách có thân phận của sách và gắn với bao kỷ niệm trong đời…
Chẳng hạn như lưu bút của nhà biên kịch Tào Mạt “… chỉ để lại một tiếng nổ không vang”, như nhà thơ Phạm Tiến Duật đề tặng nhà văn Triệu Bôn giấy đã ố vàng bìa đã long gáy, chẳng hạn như lưu bút của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, nhà văn Nguyễn Minh Châu. Tôi đọc lại Cỏ lau để nhớ một thời chiến tranh mây trắng, đọc lại Kỷ niệm Ấn Độ để nghĩ cách đi ghi chép của nhà văn Tô Hoài. Chả có bùa ngải nào mà làm người đam mê con chữ dễ dàng bỏ được sách, trang sách, ngọn đèn đã gắn bó với nhà văn.
Nhưng ở đời thường, có người vẫn không thích sách và càng không thích đọc. Vậy sách dâng tặng nhưng người không thích đọc thì coi như cuốn sách bị bỏ đi. Sách không có giá trị với họ, thì đừng tốn thời gian để buồn và để tiếc. Coi như sách tặng người không đọc như một cuốn sách mà ta đánh rơi trên đường. Vậy thôi.
Những lưu bút nhà văn vẫn còn đây, có nhà văn tên tuổi, lao động bằng máu và nước mắt, nhưng cũng có nhà văn chỉ coi viết là cuộc dạo chơi, viết cho vui chứ không mặn mà với nghề. Trong nghề chữ nghĩa, người đọc rất tinh khi nhìn ra sự tận tụy kỹ lưỡng với nghề của người cầm bút. Nghề chữ như bánh đúc bầy sàng, không ai gian dối được, kể cả lòng người phơi trên trang giấy trắng.
Vẫn biết rồi đời người cầm bút chỉ để lại một tiếng nổ không vang, như nhà biên kịch Tào Mạt đã viết. Trộm nghĩ, tiếng vang hay không vang chỉ có tác phẩm của họ sau thời gian bút tích để lại, bạn đọc sẽ đọc lại hay lãng quên, đến như tác phẩm của Nguyễn Du, ông viết còn nghi hoặc chuyện dông dài của mình kia?
Vậy sách tặng hay tặng sách, có lúc mình cũng học cách nỗi buồn nên buông dù tác phẩm có ra nhà sách cũ, có ra hàng chai chè đồng nát. Lẩn mẩn khi nghĩ đến trận động đất ở Nepal, thủ đô Katmandu năm nào… đất đá xóa sạch bao đền đài uy nghi thành quách, bao sử thi của đất nước họ; rồi trận sóng thần ở Nhật Bản… bao nhiêu thư viện, tượng đài, sử thi… tan trong khói bom.
Nhìn thấy mình trống rỗng, trong đổ vỡ, đến sự xóa nhòa của lịch sử mà con người xây lên, rồi chính con người tàn phá đi. Có lúc tôi tự hỏi, khi mình ra đi, con mình sẽ xử sự với sách ra sao, khi thế giới phát triển, nó sẽ đọc tất cả thế giới trong chiếc điện thoại bỏ túi? Sách mà mình trân quý sẽ đi về đâu. Và liệu lưu bút của nhà văn sách tặng và tặng sách có còn trong tủ sách thư viện gia đình nhà văn không?
Dầu biết vậy, nhưng sống cho ngày hôm nay, tôi cứ trân quý sách cũ như một kỷ vật, như người chơi đồ cổ. Và ta chơi với sách có thân phận với nỗi niềm của riêng ta, cứ thấy mình còn đọc sách là còn may mắn, hạnh phúc. Dù cho mỗi cuộc đời bình dị để lại một tiếng nổ không vang. Hay vang.