Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tôi sợ mình điên khùng, bị cô lập nên giấu nhẹm mọi chuyện'

Trong cơn trầm cảm, Matt Haig cô đơn, tuyệt vọng. Nhưng may thay anh làm bạn với ngôn từ, sách vở và tìm thấy ánh sáng phía cuối đường hầm.

Những điều giữ tôi còn sống là cuốn tự truyện đầy chân thực, xúc động về hành trình vượt qua trầm cảm của chính tác giả Matt Haig. Tác phẩm từng đứng đầu bảng xếp hạng sách bán chạy trong 46 tuần tại Anh. Được sự đồng ý của Bloom Books - đơn vị giữ bản quyền tiếng Việt - Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách. 

Một trong những triệu chứng chính của trầm cảm là không còn hy vọng. Không có tương lai. Không còn là một đường hầm có ánh sáng ở phía cuối, mà là đường hầm bị bịt kín hai đầu, còn bạn thì ở giữa. Thế nên nếu tôi có thể có chút ý niệm về tương lai - rằng phía trước sẽ có điều gì đó tươi sáng hơn mọi điều tôi từng trải qua, thì khi đó một đầu của đường hầm sẽ vỡ vụn, và tôi có thể nhìn thấy ánh sáng. Thế nên, sự hiện diện của cuốn sách này chứng minh rằng chứng trầm cảm luôn dối lừa chúng ta. Trầm cảm khiến bạn nghĩ về những điều phi lý.

Vuot qua tram cam bang cach nao anh 1
Cuốn sách như hồi ký của Matt Haig. Ảnh: Sophia Evans/ The Observer

Nhưng bản thân trầm cảm không phải là một lời dối trá. Đó là thứ thật nhất tôi từng trải qua. Đương nhiên, nó vô hình.

Với nhiều người khác, đôi lúc nó có vẻ như vô hại. Bạn bước đi khắp nơi với cái đầu bốc cháy nhưng chẳng ai nhìn thấy ngọn lửa. Và vì thế - bởi trầm cảm với đa số là vô hình và bí ẩn - những lời dị nghị dễ dàng tồn tại. Những dị nghị đặc biệt gây hại tới những người trầm cảm, bởi chúng ảnh hưởng đến tâm trí của đương sự và trầm cảm thì rõ là một căn bệnh của tâm trí.

Trong cơn trầm cảm bạn thấy cô đơn, thấy rằng chẳng ai phải chịu đựng những điều bạn đang chịu đựng. Bạn sợ mình trông sẽ thật điên khùng nên giấu nhẹm tất cả vào bên trong, bạn sợ mọi người sẽ ngày càng cô lập mình nên mím môi không chia sẻ - điều này thật đáng tiếc, vì nói ra thì sẽ đỡ hơn đấy. Câu từ - ở dạng nói hay viết - luôn là điều kết nối chúng ta với thế giới, vậy nên thổ lộ với người khác hay viết ra những chuyện này sẽ giúp ta kết nối với nhau, cũng như kết nối với chính bản thân mình.

Tôi biết, tôi biết mà, chúng ta cũng chỉ là con người. Chúng ta là giống loài thích giữ kẽ. Không như những loài khác, chúng ta mặc quần áo và làm tình trong phòng kín. Chúng ta thường tủi hổ khi gặp chuyện thất bại. Nhưng rồi chúng ta cũng sẽ vượt qua, bằng cách thoải mái nói về nó. Hoặc cũng có thể bằng cách đọc và viết về nó.

Tôi tin như vậy. Cũng một phần nhờ đọc và viết mà tôi tìm được sự cứu rỗi khỏi bóng tối. Kể từ lúc nhận ra rằng trầm cảm lừa dối mình về tương lai, tôi đã muốn viết một cuốn sách về trải nghiệm của bản thân, để đối đầu trực diện với trầm cảm và lo âu.

Vuot qua tram cam bang cach nao anh 2
Sách Những điều giữ tôi còn sống

Vậy nên cuốn sách này mong muốn làm được hai điều. Một là làm bớt đi những dị nghị, và hai là - có lẽ là một điều tham vọng viển vông - cố gắng thuyết phục mọi người rằng chúng ta không thể nào có được tầm nhìn rõ ràng nhất khi đang ở dưới đáy vực sâu.

Tôi viết những điều này bởi đôi khi, những điều sáo rỗng nhất vẫn chứa đựng những điều chân thực nhất. Thời gian chữa lành thương tổn. Thực sự vẫn có ánh sáng ở phía cuối đường hầm, kể cả khi chúng ta chưa thể nhìn thấy. “Trong cái rủi có cái may” thực sự là cách nghĩ mua hai được một. Ngôn từ, đôi lúc thôi, có thể cho bạn tự do.



Trích sách "Những điều giữ tôi còn sống"

Bạn có thể quan tâm