Là một bác sĩ điều trị tích cực, Peng Zhiyong từ bệnh viện Zhongnan ở Vũ Hán đã chứng kiến sự giành giật với tử thần khi trải qua dịch Sars chết người năm 2003 và cúm gia cầm năm 2016.
Nhưng tệ hại hơn, ông thừa nhận đã rơi nước mắt khi chiến đấu với đại dịch Covid-19. Khoa của ông Zhiyong phải từ chối những bệnh nhân nguy kịch vì thiếu giường hoặc chứng kiến cảnh bệnh nhân qua đời dù họ đã nỗ lực hết sức.
“Tôi không thể bình tĩnh khi đối mặt với cái chết (của bệnh nhân), nhưng tôi phải cố gắng làm công việc của mình”, ông nói.
"Họ vẫn đang chiến đấu với tử thần"
Trung Quốc đang dần hồi phục sau sự bùng phát của virus corona chủng mới nhưng các bác sĩ như Zhiyong ngày ngày vẫn phải chiến đấu để cứu sống những bệnh nhân nặng nhất.
Đầu tuần, 600 người bệnh ở nước này vẫn trong tình trạng nguy kịch dù đã giảm từ mức cao nhất 12.000 ca hồi giữa tháng 2. “Những bệnh nhân này thực sự rất nặng. Một nửa trong số họ sẽ phải chiến đấu với tử thần”, bác sĩ Zhiyong cho biết.
“Tỷ lệ tử vong của Covid-19 (khoảng 4%) thấp hơn so với Sars (khoảng 10%) nhưng một khi được chuyển vào chăm sóc tích cực, bệnh sẽ tiến triển nhanh và đáng sợ như Sars”.
Các bác sĩ điều trị tích cực tại bệnh viện Zhongnan ở Vũ Hán đang chữa cho một bệnh nhân Covid-19. Ảnh: theo South China Morning Post. |
Các bác sĩ từng điều trị cả Sars và Covid-19 cho biết các triệu chứng sau này thường khởi phát chậm hơn nhưng chính vì thế có thể khiến các bác sĩ mất cảnh giác. Không chỉ làm tổn thương phổi, nó còn phá hủy các cơ quan quan trọng khác như tim và gan, theo South China Morning Post.
Căn bệnh này lần đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán vào cuối năm 2019 với hơn 50.000 ca được ghi nhận. Khoảng 20% trong số đó là những ca nặng hoặc nguy kịch.
Bộ phận chăm sóc tích cực của bác sĩ Zhiyong đang điều trị cho 20 bệnh nhân. Ông nói rằng tỷ lệ tử vong với các ca nguy kịch đã tăng lên trong 3 tháng qua, từ dưới 20% vào tháng 1 lên khoảng 30% vào tháng 3. Nguyên do do bệnh nhân biến chứng nặng trong thời gian dài nằm viện.
Đội ngũ của Zhiyong gồm khoảng 200 bác sĩ và y tá. Tất cả phải học hỏi vì kinh nghiệm chăm sóc tích cực trước đó chỉ có hạn trong việc điều trị căn bệnh chưa biết này.
Sau thời gian, các nhân viên y tế có thể điều chỉnh phương pháp điều trị và kỹ thuật. Tuy nhiên, quá trình này phải đánh đổi bằng nhiều sinh mạng.
Bác sĩ Zhiyong nhớ lại bệnh nhân đầu tiên của bệnh viện bị viêm phổi lạ là một người bán thực phẩm 53 tuổi ở chợ bán đồ tươi sống tại Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc. Người này nhập viện ngày 6/1.
“Tôi đã phải cho nhập viện bệnh nhân này. Ông ấy bị bệnh nặng và đã bị một số bệnh viện từ chối. Ông ấy đã chết nếu chúng tôi không tiếp nhận”, bác sĩ nói.
Bệnh nhân đã chuyển nặng hơn vào ngày hôm sau. Các bác sĩ phải tiến hành điều trị theo phương pháp gọi là oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO) - hỗ trợ kéo dài cho những bệnh nhân bị suy tim và phổi.
Bệnh nhân đã vượt qua sau hai tuần điều trị và người đàn ông ngoài 50 tuổi cuối cùng đã được xuất viện vào ngày 27/1 mà không phải trả phí cho liệu pháp đắt tiền.
Các bác sĩ khác trên khắp Trung Quốc đồng tình rằng máy thở và phương pháp điều trị như vậy đã “kéo dài thời gian” để hệ thống miễn dịch của bệnh nhân chiến đấu với căn bệnh này. Tuy nhiên, các các sĩ vẫn thấy rằng cần có cách tiếp cận tích cực hơn.
Qua đời vì không đợi được ống thở
Du Bin, Giám đốc Khoa Chăm sóc chuyên sâu của Bệnh viện Đại học Y khoa Liên minh Bắc Kinh, cho biết ông đã chứng kiến hàng chục bệnh nhân qua đời vì nhân viên y tế đặt ống thở vào khí quản chậm trễ.
Ông nói rằng ông đã thúc giục nhân viên tiến hành quy trình này ngay khi nhận thấy các phương pháp ít xâm lấn hơn, như máy thở, không có hiệu quả, mặc dù việc này làm tăng nguy cơ các giọt bắn có thể lây nhiễm cho nhân viên y tế.
Các bác sĩ khác như Chen Jingyu từ Bệnh viện Nhân dân Vô Tích ở tỉnh miền đông Giang Tô đã sử dụng phương pháp cấy ghép.
Chen cho biết nhóm của ông đã thực hiện hai ca ghép phổi với một người đàn ông 59 tuổi vào cuối tháng 2 và một người 73 tuổi vào giữa tháng 3.
Bác sĩ Peng Zhiyong đã điều trị cho cả bệnh nhân Sars và Covid-19. Ảnh: CGTN. |
“Đội ngũ của chúng tôi đã đóng góp vào thành tích đáng tự hào của tỉnh Giang Tô, nơi không có trường hợp tử vong nào trong số 631 bệnh nhân Covid-19”, ông Chen nói.
Nhiều bệnh nhân còn lại trong bệnh viện hiện nay là người già, hệ thống miễn dịch kém và đã phát sinh nhiều vấn đề khác.
“Tôi có những bệnh nhân đã điều trị tích cực (ICU) được hai tháng và cuộc sống của họ phụ thuộc vào máy móc. Tôi không lạc quan về tình trạng của họ”, một bác sĩ từ Bắc Kinh đã giúp đỡ nhân viên y tế ở Vũ Hán từ giữa tháng một cho biết.
“Tôi không biết khi nào tôi có thể về nhà nhưng tôi sẽ không rời Vũ Hán cho đến khi tất cả ca nguy kịch cải thiện hoặc qua đời”, vị bác sĩ giấu tên nói.