Quyết định chuyển từ iPhone sang chiếc Pixel 3 khá khó khăn với bản thân tôi. Apple đã làm quá tốt với hệ sinh thái của mình. Khi bạn dùng iPhone, Apple Watch, AirPods… mọi thứ kết nối với nhau rất dễ dàng, thông minh và tiện lợi, điều mà tôi khó tìm được từ một hãng nào khác.
Gần đây, những phiên bản phần mềm mới trên chiếc iPhone X của tôi bị lỗi khá nhiều. Máy có tình trạng lag và một số lỗi nhỏ khác làm tôi thấy khó chịu. Cùng lúc này, Google giới thiệu phiên bản Android Q beta 3. Phiên bản này được Google quảng cáo khá nhiều tính năng mới, hấp dẫn. Và thế, tôi quyết định “dọn nhà” về Android với chiếc Pixel 3 mới mua.
Những thay đổi đáng ghi nhận
Cảm giác của tôi khi chuyển từ một chiếc iPhone X sang Pixel 3 chạy Android gốc mới nhất thật sự phấn kích. Cầm chiếc Pixel 3 trên tay, điều tôi nhìn thấy đầu tiên là những thông tin như ngày giờ, thời tiết - tính năng giống Always On Display trên các dòng máy của Samsung. Nhưng đây không phải là điểm làm tôi cảm thấy thích thú vì tính năng khá phổ biến.
Điểm làm tôi chú ý ở chiếc máy này đến từ phần hiển thị tên bài hát đang phát trên laptop. Dù bạn có kết nối mạng hay không, model này vẫn biết ca khúc nào đang được phát. Trên Pixel 3 có mục lịch sử phát hiện nhạc. Tôi vào đó để xem lại hôm nay mình đã nghe ca khúc gì ở quán cà phê mà không tiện hỏi nhân viên.
Vào màn hình chính, giao diện của Android Q không quá khác biệt so với các phiên bản trước đây. Điểm cộng là Google đã mang thanh tìm kiếm xuống phía dưới. Tôi có thể tìm bất cứ thứ gì mình muốn từ thông tin, số điện thoại, nhạc... bằng một cú chạm tay.
Máy có thể hiển thị thông tin bài hát khi phát hiện nhạc xung quanh. |
Pixel 3 là con cưng của Google nên luôn được ưu tiên cập nhật các phiên bản phần mềm mới. Điểm cộng trên máy đến từ giao diện thuần Google, không tùy biến chủ đề hay các thao tác cử chỉ để mở ứng dụng như ColorOS, MIUI… Thế nên, giao diện của máy rất mượt và nhanh. Tuy nhiên, những người thích sự tùy biến sẽ nhanh chóng chán giao diện trên Android Q vì không có nhiều thứ để vọc vạch.
Có lẽ Dark Theme là tính năng được nhiều người dùng Pixel mong chờ. Cuối cùng, Google đã bổ sung tính năng làm cho giao diện của máy chuyển sang màu đen thay vì trắng như trước.
Chế độ Dark Theme của Android Q hoạt động tương đối hiệu quả, cho màu đen hiển thị sâu, thay vì xám như trên nhiều mẫu máy hiện tại. Chế độ này cho phép tối ưu thời lượng sử dụng pin trên điện thoại, đặc biệt là những máy có màn hình OLED.
Tuy nhiên, Dark Theme hoạt động không ổn định, khi một số ứng dụng như tin nhắn, lịch, danh bạ… vẫn có giao diện màu trắng. Tính năng này không quá mới vì một số hãng đã trang bị lên các mẫu smartphone từ năm 2018 như Huawei Mate 20 Pro hay gần đây là chiếc Galaxy S10.
Nhiều điểm giống iPhone
Trước đây, smartphone Android sở hữu những điểm đặc trưng như 3 phím điều hướng. Đến Android Pie, Google đã bỏ phím đa nhiệm và trên Android Q được thay bằng thao tác vuốt tương đối giống iPhone.
Người dùng sẽ vuốt từ dưới lên để về màn hình chính, vuốt nhanh sang hai bên để chuyển qua lại giữa các ứng dụng. Google cũng đã loại bỏ phím Back (quay lại) ở phiên bản Android Q, thay thế bằng cử chỉ vuốt từ cạnh màn hình như một số model Xiaomi hay Huawei.
Thao tác vuốt trên Android Q khá giống trên iPhone X. |
Tôi không lấy làm lạ vì những thao tác được Google cho là mới này. Nhưng nếu so với các thương hiệu khác, Google đã mang đến trải nghiệm vuốt mượt mà và không có tình trạng bị giật trên Pixel 3.
Giống Apple, Google tôn trọng tính riêng tư của người dùng. Trên Android Q, Google đã bổ sung một mục có tên gọi Privacy. Đây là nơi người dùng có thể kiểm soát được các quyền mà ứng dụng yêu cầu. Người dùng cũng có thể hạn chế những quyền không mong muốn đối với các ứng dụng như chặn truy cập vào danh bạ, cuộc gọi, micro hay vị trí.
Những điều nhỏ làm tôi hài lòng
Khi tôi kéo thanh thông báo xuống, ở góc trên bên phải của máy hiển thị thời gian pin sẽ hết. Điều này làm tôi thấy thú vị, vì thiết bị đã tính toán dựa trên mức độ sử dụng máy của người dùng từ đó đưa ra thông báo thời gian hết pin.
Góc trên bên phải của máy hiện thông tin về thời gian pin sẽ hết. |
Bên cạnh đó, kho hình nền của Google mang đến thật sự phong phú với nhiều lựa chọn. Tôi thích những hình nền theo thời gian thực, vì nó có thể thay đổi độ sáng theo các mốc thời gian trong ngày.
Vẫn còn một số điểm “giậm chân tại chỗ”
Qua bao năm, tôi vẫn khó “chung sống” với những model Android là vì hàng loạt thông báo tin nhắn, Facebook, Zalo… sẽ kéo đến khi bạn kết nối mạng. Dù cho, trước đó tôi đã xem và trả lời bằng laptop. Điểm này, iOS đã làm tốt hơn Android rất nhiều.
Khi dùng một số ứng dụng trên Pixel 3 thi thoảng vẫn có tình trạng bị lag và tự động thoát. Điều này tôi đã từng trải qua khi sử dụng các phiên bản Android thấp hơn nhưng đến Android Q, Google vẫn chưa khắc phục hoàn toàn.
App Drawer vẫn còn trên phiên bản Android mới nhất. |
Google vẫn giữ App Drawer trên phiên bản Android mới nhất. Trong khi các smartphone khác được tùy biến giao diện đã loại bỏ tính năng này. Tôi nhận thấy nó không cần thiết, tốn thời gian khi phải vuốt lên và tìm ứng dụng thay vì nằm ở màn hình chính.
Hiện tại, Google vẫn không có tùy chọn ẩn App Drawer, cách duy nhất là người dùng tự kéo các ứng dụng yêu thích ra màn hình chính.
Hiện tại, sau hơn 3 tuần sử dụng Pixel 3, tôi đã dần quen với Android Q. Mọi thao tác của tôi trên máy đều được phản hồi nhanh, mượt. Tôi không hối hận khi chuyển từ iPhone X sang Pixel 3. Tuy nhiên, tháng 6 tới khi Apple giới thiệu iOS 13, chắc chắn tôi sẽ xem xét có "quay về nhà" hay không.