Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tội phạm dùng tàu ngầm vận chuyển ma túy

Quá trình phá án, cảnh sát còn phát hiện tội phạm ma túy lợi dụng triệt để khoa học công nghệ, đặc biệt là Internet để liên lạc, vận chuyển hàng cấm.

Van chuyen ma tuy anh 1

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 -Bộ Công an) vừa triệt phá 2 chuyên án, thu giữ gần 400 kg ma túy tổng hợp. Cơ quan chức năng đã khởi tố 16 bị can, tạm giữ 5 nghi phạm khác để mở rộng điều tra.

Chia sẻ với Zing sau các chuyên án, thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04, đánh giá tội phạm về ma túy ngày càng hoạt động tinh vi. Các nhóm mua bán, vận chuyển hàng cấm dùng nhiều phương thức mới, sử dụng công nghệ cao để tuồn ma túy vào Việt Nam.

Thuê sinh viên, tài xế xe ôm nhận ma túy

Nói về sự thành công của chuyên án HC421 thu giữ 127 kg ma túy được tuồn về Việt Nam qua đường hàng không, thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho biết đầu tháng 4, C04 nắm bắt thông tin về đường dây tội phạm này.

"Nhóm tội phạm ma túy chia thành các đường dây, lợi dụng những tuyến hàng không và chuyển phát nhanh để vận chuyển ma túy với số lượng lớn", tướng Viện nói.

Van chuyen ma tuy anh 2

Hơn 127 kg ma túy tổng hợp được tuồn về Việt Nam qua đường hàng không. Ảnh: Công an cung cấp.

Ông cho biết trong các loại hình vận tải, hàng không là tuyến được kiểm soát nghiêm ngặt và mức độ an ninh rất cao. Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 phức tạp, các nhóm buôn ma túy là người Việt Nam lưu trú ở một số nước châu Âu đã móc nối với mắt xích trong nước để vận chuyển ma túy.

Những đường dây này cất giấu hoặc để lẫn ma túy trong hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng rồi gửi dưới hình thức chuyển phát nhanh. Khi về đến Việt Nam, họ thuê tài xế xe ôm công nghệ hoặc các công ty logistics nhận hàng hóa để tiếp tục trung chuyển.

"Địa chỉ người gửi ở các nước châu Âu là địa chỉ giả, nơi nhận tại Việt Nam cũng là những địa điểm không có thật", thiếu tướng Nguyễn Văn Viện nói và cho biết số điện thoại người gửi, nhận ở trên các kiện hàng hóa chứa ma túy cũng là số SIM rác.

Ngoài tài xế xe ôm và shipper, cảnh sát phát hiện có trường hợp là sinh viên đại học năm thứ nhất bị lợi dụng vào việc nhận hàng hóa chứa ma túy. "Lúc đó, nếu bắt giữ quả tang thì chỉ bắt được người vô tình được thuê vận chuyển ma túy, còn đối tượng đứng sau không trực tiếp lộ diện", ông Viện đánh giá.

Từng chỉ đạo triệt phá hàng loạt chuyên án ma túy lớn, Cục trưởng C04 nhấn mạnh việc đấu tranh với tội phạm ma túy trên mỗi tuyến địa bàn đều có những khó khăn nhất định. Các nhóm buôn hàng trắng luôn tìm mọi thủ đoạn để hoạt động. Phương thức vận chuyển ma túy bằng hình thức chuyển phát qua hàng không được nhiều nhóm tội phạm sử dụng. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng hải quan, chống buôn lậu và an ninh hàng không, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã bóc gỡ nhiều đường dây ma túy.

Sử dụng mạng liên lạc và thiết bị viễn thông riêng

Cục trưởng C04 cho biết ngoài đường bộ và hàng không, tội phạm ma túy còn vận chuyển hàng trắng bằng đường biển. Đây là tuyến đường có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, khó phát hiện hàng cấm để bắt giữ.

"Tội phạm buôn ma túy xuyên lục địa sử dụng cả tàu ngầm. Trong khi ngoài biển, lực lượng chức năng còn rất mỏng", thiếu tướng Nguyễn Văn Viện đánh giá.

Quá trình hợp tác quốc tế với cảnh sát các nước, Cục C04 nhận định các băng nhóm tội phạm có thể cất giấu ma túy trên những tàu biển đi qua các quốc gia. Tại Việt Nam, một số khu vực trọng điểm như Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM có nguy cơ bị lợi dụng để vận chuyển ma túy từ nước ngoài về Việt Nam hoặc quá cảnh Việt Nam rồi đưa sang nước thứ 3 tiêu thụ.

Van chuyen ma tuy anh 3

40 kg ma túy đá được giấu trong các khối đá granite chuẩn bị đưa ra tàu biển để tuồn sang Hàn Quốc. Ảnh: Lê Lê.

Trên đường bộ, Cục trưởng C04 đánh giá đây là tuyến chính được sử dụng để thẩm lậu ma túy vào Việt Nam. Qua các chuyên án đã triệt phá, lực lượng chức năng ghi nhận sự hình thành 2 tuyến biên giới hay được các nhóm mua bán, vận chuyển ma túy sử dụng.

Một là tuyến biên giới phía Bắc qua các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và một số tỉnh giáp biên khác. Trong đó, khu vực Lạng Sơn và Quảng Ninh những năm trước đây rất căng thẳng, hiện đã bị cơ quan chức năng quản lý, ngăn chặn có hiệu quả.

Tuyến thứ 2 được hình thành để tuồn ma túy từ Lào qua tỉnh Điện Biên, Lai Châu rồi đưa lên Hà Giang, Cao Bằng để vận chuyển sang Trung Quốc và ngược lại.

Đáng chú ý, theo thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, các nhóm buôn bán ma túy ở nước ngoài còn móc nối, cấu kết với tội phạm trong nước sử dụng cả công nghệ cao để vận chuyển hàng cấm.

Như chuyên án 125H thu giữ 270 kg hồi giữa tháng 5, ma túy được nhét trong dạ dày lợn rồi cho vào tủ đông lạnh. Sau đó, tội phạm cài định vị lên lô hàng để theo dõi. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện một số trùm ma túy đặt mua, sử dụng mạng liên lạc và thiết bị viễn thông riêng để kết nối với nhau.

"Tội phạm đang lợi dụng triệt để khoa học công nghệ, đặc biệt là Internet và những thiết bị chúng ta chưa kiểm soát được để mua bán, vận chuyển ma túy", thiếu tướng Nguyễn Văn Viện nhấn mạnh.

Cảnh sát quật ngã người vận chuyển ma túy Nhóm vận chuyển giấu 127 kg ma túy trong các hộp sữa, thực phẩm chức năng để tuồn lên máy bay, đưa về Việt Nam. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 16 bị can liên quan.

Đường dây vận chuyển 127 kg ma túy từ châu Âu về Việt Nam

Nhóm vận chuyển giấu ma túy lẫn trong các kiện hàng sữa, thực phẩm chức năng rồi gửi qua đường hàng không từ các nước Hà Lan, Đức về Việt Nam tiêu thụ.

Hoàng Lam - Hải Nam

Bạn có thể quan tâm