Trong 6 năm lập nghiệp xa nhà, Du Zini - nhân viên một công ty lâm nghiệp ở tỉnh Nam Ninh - chưa lần nào không về quê ăn Tết. Cô luôn mong ngóng tới kỳ xuân vận để được về Giang Tây đón năm mới cùng gia đình.
“Tôi hết ăn lại ngủ, rồi ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Mỗi ngày trôi qua đều thành thơi, vô lo vô nghĩ”, cô gái 28 tuổi chia sẻ với Washington Post.
Chính phủ Trung Quốc khuyến khích người dân đón Tết tại chỗ, hạn chế về quê nhằm ngăn dịch bệnh lây lan. Ảnh: The Lancet. |
Nhưng tuần trước, Du buộc phải hủy vé máy bay về quê vì các quy định hạn chế di chuyển giữa dịch Covid-19.
Lo lắng con gái cảm thấy cô đơn, mẹ Du gửi lên nhiều món ăn quê nhà, bao gồm thịt lợn hun khói và luhao - một loại rau phổ biến ở miền nam Trung Quốc.
Với Du và hàng triệu người xứ tỷ dân, đây là năm thứ 2 liên tiếp họ bỏ lỡ dịp lễ lớn nhất năm dưới ảnh hưởng từ đại dịch.
"Không ai có thể về nhà"
Tết Nguyên đán năm nay diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới gia tăng và hơn 20 triệu cư dân miền bắc đang chịu các mức độ phong tỏa, hạn chế khác nhau.
Trước đó vài tháng, các nhà chức trách cố gắng khuyến khích người dân ăn Tết “tại chỗ” bằng cách hỗ trợ tiền mặt, cung cấp dữ liệu di động miễn phí, thậm chí tạo điều kiện đăng ký hộ khẩu tại thành phố.
Tại tỉnh Hà Nam, nhiều ngôi làng treo biểu ngữ nhằm cảnh báo người dân hạn chế di chuyển dịp xuân vận: “Mang dịch về nhà là bất hiếu. Lây cho cha mẹ là vô lương tâm”. Một ngôi làng ở tỉnh Hồ Bắc giăng băng rôn với thông điệp: “Thăm nhà năm nay, thăm mộ năm sau”.
Mùa xuân vận năm nay có lưu lượng di chuyển thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Ảnh: Bloomberg. |
Bên cạnh cảm giác thất vọng, không ít cư dân còn bày tỏ phẫn nộ trước hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội khắt khe do chính quyền địa phương đặt ra nhằm ngăn chặn virus lây lan, bao gồm hạn chế di chuyển.
Theo Washington Post, mùa xuân vận năm nay dự kiến có lưu lượng di chuyển thấp nhất trong hơn một thập kỷ.
Giới chức Bộ Giao thông Vận tải dự tính có 1,2 tỷ chuyến đi, giảm hơn 20% so với năm 2020 và gần 2 lần năm 2019. Ngày 31/1, các nhà chức trách ghi nhận số lượng người đi tàu giảm 75% so với cùng kỳ năm trước.
Những người vẫn muốn về quê ăn Tết đối diện với hàng loạt quy định phòng chống dịch bệnh. Ngoài việc xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày như chính phủ yêu cầu, nhiều địa phương còn bắt buộc cách ly dưới hình thức tập trung hoặc tại gia.
Quy định cách ly ở mỗi địa phương một khác, khiến người dân cảm thấy khó thích nghi. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, những biện pháp phòng dịch quá khắt khe lại đem đến hiệu quả ngược. Đầu tuần này, chính quyền thành phố Kê Tây (tỉnh Hắc Long Giang) phải xin lỗi một cư dân trở về từ tình khác sau khi niêm phong nhà cô với lý do “cách ly”.
“Thật quá mệt mỏi! Quy định cách ly thay đổi hàng ngày, mỗi nơi một kiểu. Cuối cùng, không ai có thể về nhà”, một dân mạng bày tỏ trên Weibo.
“Năm ngoái chúng ta đã không được tụ họp rồi. Dù tình hình năm nay có nhiều chuyển biến tích cực, điều đó vẫn là không thể. Như vậy là hơi quá rồi!", một người khác bình luận.
Ngày 31/1, dưới áp lực từ dư luận, Mi Feng - phát ngôn viên Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc - yêu cầu chính quyền địa phương hủy bỏ xét nghiệm và cách ly bắt buộc với người về từ vùng nguy cơ thấp vì cho rằng các hạn chế này là “quản lý thụ động” và “lãng phí nguồn lực”.
Trong cái rủi có cái may
Không ít người dân Trung Quốc cảm thấy nhẹ nhõm trước lệnh hạn chế di chuyển dịp xuân vận. Không thể về quê ăn Tết nay trở thành cái cớ giúp họ né tránh loạt câu hỏi muôn thuở từ họ hàng như "Lương thưởng bao nhiêu?" hay "Bao giờ kết hôn?".
Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng đây là tình huống "trong cái rủi, có cái may" để không phải tham dự các buổi họp mặt, nhậu nhẹt chè chén với bạn bè và đồng nghiệp.
“Với những người đàn ông trong độ tuổi kết hôn, đại dịch là lý do hoàn hảo để không về nhà dịp Tết”, một người dùng Weibo đến từ Thâm Quyến chia sẻ.
"Thật tuyệt! Tôi sẽ không bị mọi người giục lấy chồng", một cô gái từ tỉnh Cát Lâm nói.
Không ít người thấy nhẹ nhõm khi không phải đối diện với hàng loạt câu hỏi nhạy cảm từ gia đình, họ hàng dịp Tết năm nay. Ảnh: AP. |
Bên cạnh đó, cư dân sống tại các khu vực bị phong tỏa sẽ có thêm ngày nghỉ Tết. Sui Ruiqiu (33 tuổi), phiên dịch viên làm việc tại Bắc Kinh, mắc kẹt tại quê nhà ở Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc) từ đầu tháng 1 vì lệnh phong tỏa.
Nhân cơ hội này, cô có cơ hội nghỉ ngơi, đọc sách, xem TV cùng mẹ và chơi với cháu trai. "Năm ngoái, chúng tôi không được quây quần như vậy. Đó không phải một cái Tết thực sự".
Trả lời Washington Post, Sui cho biết cô không bận tâm tới việc đón một cái Tết bình lặng. "Cha mẹ tôi nói rằng: 'Chỉ cần con ở nhà, như vậy là Tết trọn vẹn rồi'".