Bốn cô gái gồm Tạ Thanh Huyền, Lương Thị Thảo, Hồ Thị Ly và Phạm Thị Thảo sẽ dành thời gian để trả lời các câu hỏi của độc giả trong buổi giao lưu trực tuyến do Zing.vn tổ chức vào tối nay.
Tại ASIAD 2018, nhóm bốn VĐV rowing kể trên xuất sắc giành HCV nội dung thuyền bốn nữ hạng nhẹ. Đây là HCV đầu tiên của Đoàn thể thao Việt Nam tại Á vận hội năm nay.
Ở phần thi chung kết, các tay chèo Việt Nam xuất phát ở làn số 4 và có khởi đầu tốt khi sớm vượt lên dẫn trước so với các đối thủ. Đội cán đích đầu tiên với thời gian 7 phút 01 giây 11, nhanh hơn gần 3 giây so với đội về nhì Iran.
Trong những ngày qua, nhiều VĐV trọng điểm, được kỳ vọng đã thi đấu nhưng không đạt kết quả như mong đợi, vì thế sự kỳ vọng của người hâm mộ và áp lực thành tích càng đè nặng lên các đội tuyển Việt Nam ở các môn thi.
Vì vậy, tấm HCV đội rowing giành được trong buổi sáng 23/8 có ý nghĩa đặc biệt quan trong đối với Đoàn thể thao Việt Nam. Nó giải tỏa áp lực và cũng là động lực để ở các nội dung khác nỗ lực thi đấu để mang vinh quang về cho thể thao nước nhà.
Thực tế, tấm HCV này đến không quá bất ngờ khi tại Cup Rowing châu Á diễn ra vào cuối tháng 6 ở Hàn Quốc, bốn tay chèo Việt Nam về đích đầu tiên với thời gian 6 phút 55 giây 46.
- 2018-08-23 14:51+0700
Tự động cập nhật sau 30 giây
-
Xin chúc mừng 4 chị và HLV tài năng đã mang về tấm HCV đầu tiên giải khát cho đoàn thể thao Việt Nam. Cảm xúc lúc này của các chị như thế nào ạ?
Mình cảm thấy rất vui, hạnh phúc và tự hào vì đã mang vinh quang về cho đất nước Việt Nam. Mình rất sung sướng vì cả đội đã đạt được kỳ vọng cao nhất. Thành tích này chứng minh những tháng ngày vất vả trong quá khứ giờ đã cho ra quả ngọt.
-
Nhãn hàng nước tăng lực Sting gửi lời chúc mừng tới các bạn, những người đã mang vinh quang về cho Việt Nam. Sting tặng đội 100 triệu đồng như một lời cảm ơn từ người hâm mộ, các bạn muốn nói điều gì với đại diện nhãn hàng này?
Em cảm ơn Sting đã tài trợ, đồng hành cùng thể thao Việt Nam. Chúng em sẽ thi đấu thật tốt để đạt thành tích cao nhất, huy chương cao nhất và không phụ lòng người hâm mộ và nhà tài trợ.
-
Chị Huyền ơi, trước khi bước vào chung kết, chị đánh giá khả năng giành huy chương của mình là khoảng bao nhiêu % ạ? Các chị có nghĩ mình có khả năng đoạt HCV không ạ?
Ở tất cả những giải đấu, bọn em đều nỗ lực tập luyện với mục tiêu đạt thành tích cao nhất. Song, ở giải lần này, cả đội không nghĩ sẽ giành được huy chương mà chỉ đơn giản là cố gắng tập luyện để đạt kết quả tốt nhất. Chính vì thế nên khi đạt được thành tích này, em cảm thấy rất vui.
-
Tôi muốn dành câu hỏi này cho các VĐV: Được biết ASIAD các năm trước, rowing Việt Nam từng giành 1 HCB và 2 HCĐ. Điều gì đã khiến rowing Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ đến vậy?
- VĐV Phạm Thị Thảo: Chúng tôi đều quyết tâm và cố gắng, cùng với đó được Ban huấn luyện đưa ra các bài tập hợp lý nên cả đội có thể phát huy hết khả năng của mình. Tôi được tập cùng HLV Joseph Donnelly từ năm 2009, ông ấy như cha, như bạn của tôi, quan tâm chăm sóc tôi những lúc tôi ốm đau. Có một kỷ niệm đáng nhớ với HLV Joseph, đó là khi chuẩn bị đi thi vòng loại Olympic 2016, chúng tôi có sang Australia tập huấn thì tôi gặp phải chấn thương lưng. Ông ấy đã nhờ bạn bè quyên góp để giúp tôi có đủ tiền đi khám sức khỏe.
- VĐV Tạ Thanh Huyền: Chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm từ các thầy cô và chuyên gia. HLV là một người thầy rất tuyệt vời, ông ấy đã gặp gỡ nhiều bạn bè để xin tài trợ, giúp đội được sang Australia tập luyện. Chúng tôi có điều kiện sinh hoạt ở Australia tốt hơn so với ở Việt Nam. Đây cũng là nỗ lực của Ban huấn luyện ở Liên đoàn tạo điều kiện cho chúng tôi được đi tập huấn, dự các giải quốc tế. Tại Australia, HLV tiếp tục kêu gọi rất nhiều sự giúp đỡ cho chúng tôi vì chi phí bên đó rất đắt đỏ. Nhưng mỗi lần được cọ xát như vậy, chúng tôi đều trưởng thành hơn rất nhiều.
Nói về câu chuyện của chị Thảo, tôi cảm thấy vào lúc đó chị ấy có sức khỏe rất yếu, không thể thi đấu được, không nằm hay ngồi được nhưng HLV vẫn tiếp tục động viên, quan tâm, không bỏ cuộc. Ông ấy đã đi tìm bác sĩ, tìm mọi cách có thể để chữa trị như massage, nhờ bạn đưa đến bệnh viện rồi còn tìm đồ ăn cho chị Thảo. Ở Australia phải có người địa phương đưa vào bệnh viện mới được, các bác sĩ chẩn đoán được chị ấy bị đau ở đâu. Sau đó, chị Thảo đã có thể tập luyện hàng ngày một cách nhẹ nhàng. Khi ấy, một mình ông ấy đi tập với chị Thảo từng ngày một khiến chị dần tiến bộ. Chính điều này đã giúp chúng tôi đủ sức mạnh để vượt qua vòng loại Olympic 2016.
-
Các chị có nhận xét gì về vị HLV của mình ạ? Thầy có phải là người nghiêm khắc, khắt khe trong lúc tập luyện không ạ?
- VĐV Lương Thị Thảo: Trong lúc tập luyện, HLV Lê Văn Quang không phải người nghiêm khắc nhất mà rất vui tính. Quan điểm của thầy là tập ra tập, chơi ra chơi, thầy rất tâm lý và quan tâm tới từng người một.
- VĐV Tạ Thanh Huyền: Thầy Quang là đàn ông nhưng rất hiểu tâm lý VĐV nữ.
-
Bạn Lý ơi, cảm xúc của bạn khi vô địch tại cúp Rowing châu Á và tại ASIAD năm nay có gì khác nhau không? Thành tích ở giải nào khiến bạn vui nhất?
Giữa 2 đấu trường này thì vô địch ASIAD vui hơn bởi Đại hội diễn ra 4 năm một lần nên bọn em cũng chuẩn bị từ những cái nhỏ nhặt nhất. Ví dụ, kỹ thuật chỉnh sửa thuyền 4 cần thời gian dài trong khi thuyền đơn đi như thế nào cũng được. Thuyền 4 đòi hỏi cao hơn. 4 người đều phải giống như một, đều nhau, theo nhau như hội múa, phải ăn khớp bởi chỉ cần một người lệch thì cả đội sẽ không thể đi nhanh.
-
Em muốn được hỏi chị Tạ Thanh Huyền, từ lúc biết tin giành HCV đến giờ chị đã gọi về báo tin cho gia đình hay cho ai chưa ạ? Mọi người có phản ứng như thế nào hả chị?
Em chưa thể gọi về được vì ở quê mẹ em chỉ có điện thoại thường chứ không có mạng Internet. Em mới chỉ nhắn được cho chị gái thông qua Facebook. Dù vậy nhưng em nghĩ ở nhà mọi người đều biết cả rồi. Bố em đi làm ở Hà Nội. Em chưa biết cảm xúc của mẹ ở nhà thế nào. Em nghĩ mẹ đang rất vui.
-
Chào Lương Thị Thảo, là một trong những người mà tôi rất ấn tượng trong đội tuyển đua thuyền hôm nay. Tôi muốn được hỏi khi phải thi đấu xa nhà, Thảo có nhớ gia đình, bạn bè và người thân không? Điều đầu tiên khi trở về Việt Nam, Thảo muốn làm là gì?
Tôi rất nhớ nhà. Điều đầu tiên mà tôi muốn làm khi về Việt Nam là sẽ báo tin cho mọi người biết hết chưa. Khi giành được HCV, tôi nghĩ mọi người đang rất vui và muốn chia sẻ cùng tôi.
-
Là những vận động viên chuyên nghiệp, điều gì là động lực to lớn nhất cho các bạn thi đấu và chiến thắng?
Là một vận động viên chuyên ngiệp, gia đình, bạn bè, thầy cô và CĐV luôn cổ vũ động viên em trong buổi tập. Trong những lúc mệt mỏi, tôi luôn nghĩ về gia đình.
Với các đồng đội, chúng mình ở tập trung một dãy, 2 phòng cạnh nhau. Không phải mọi người ở thuyền 4 mới vậy mà cả đội tuyển cùng ở chung. Những ngày thường mọi người ăn trong bếp trung tâm. Thứ 7, chủ nhật có thời gian nghỉ ngơi thì cả đội nấu cơm, nấu ăn như anh em một nhà. Hôm thì ăn cơm, lẩu hải sản, đồ nướng, hôm ăn lẩu gà, cá om dưa...
-
Mục tiêu tiếp theo của các chị trong tương lai là gì ạ? Các chị đã bao giờ có dự định giải nghệ chưa ạ?
Chúng tôi sẽ cố gắng tập luyện để đạt phong độ tốt nhất ở Sea Games 2019 tại Philippines. Hơi khiêm tốn một chút nhưng thể thao không thể nói trước được điều gì, đặc biệt là những môn sông nước. Chúng tôi chỉ biết cố gắng tập luyện và tiếp tục rút ngắn thành tích hơn nữa. Tôi nghĩ cả đội đã gặp rất nhiều may mắn. Ở sông nước, chỉ cần một con ốc bị rơi, mình sẽ mất phương hướng, mất điểm tựa hay bánh lái chỉ cần lệch một chút, mình sẽ thua.
-
Chắc chắn khi thi đấu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, các bạn đã vượt qua bằng cách nào?
Mục tiêu của chúng em là vì màu cờ sắc áo, vinh quang tổ quốc, gia đình và CĐV là động lực lớn nhất để chúng em vượt qua. Bố mẹ quá khổ, nghĩ tới bố mẹ, chúng em cố sức để vượt qua.
Chúng em không hề cảm thấy thiệt thòi bởi cả đội đã cố gắng hết sức. Môn thể thao nào cũng có lúc này lúc khác, không ai may mắn cả đời được. Do đó chúng tôi cảm thấy rất hài lòng vì những gì mình đang có.
-
Sau nhiều ngày thi đấu không có HCV, đến hôm nay thể thao Việt Nam mới có tấm HCV đầu tiên. Các em có bị ai đặt chỉ tiêu hay gây áp lực gì không?
Cả đội không gặp phải áp lực gì cả. Ở tất cả buổi họp, cô Hạnh, trưởng bộ môn luôn nói là chỉ cần chúng tôi thi đấu quyết tâm, vượt qua chính mình, thi đấu như lúc tập luyện là đã rất tốt rồi. Các thành viên trong Ban huấn luyện chưa bao giờ yêu cầu đội phải giành được huy chương.
Chúng tôi chỉ cần làm hết khả năng của mình, nỗ lực từng chèo một. Bản thân tôi cho rằng phải cảm thấy đau đớn vì mệt mỏi khi về đích, cảm thấy đã làm hết sức lực, không hối hận vì mình còn sức mà không bơi, như thế mới được. Bên cạnh đó, cô Hạnh cũng nhắc nhở chúng tôi trong tập thể, các chị em phải đoàn kết. -
Chị Phạm Thị Thảo ơi, em rất thích nụ cười tươi tắn của chị. Chị đã có bao nhiêu năm gắn bó với bộ môn đua thuyền này ạ? Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong suốt sự nghiệp thi đấu của chị?
Mình đã có 12 năm gắn bó với môn đua thuyền. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là đợt mình mới tập thì bị lật thuyền, suýt chết đuối vì lúc ấy không biết bơi.
Mình cũng từng bị đau dạ dày, nôn mửa, không hoàn thành được giáo án. HLV phải cho mình về để nghỉ ngơi. Các chị em lúc ấy luôn ở bên cạnh quan tâm, động viên, nấu cháo cho mình khiến mình cảm giác như một gia đình. Mình luôn tâm niệm phải cố gắng vì gia đình, vì con cái, vì màu cờ sắc áo để tiếp tục tập luyện và thi đấu.
-
Em rất thích nụ cười của chị Thảo Lương. Chị đã có bạn trai chưa ạ? Mẫu người đàn ông lý tưởng của chị là gì?
Em vẫn chưa có bạn trai. Em thích một người đàn ông đơn giản, biết quan tâm, yêu thương, chăm sóc mình. Điều kiện là phải cao hơn em, biết quan tâm mọi người xung quanh, biết cách chăm sóc người thân, yêu trẻ con và có một chút quan tâm tới gia đình bên em.