SEA Games 29 còn chưa bắt đầu, U22 Việt Nam đã gặp khó khăn trên chặng đường chinh phục huy chương vàng khi Malaysia chưa bố trí sân tập, thầy trò HLV Hữu Thắng phải bỏ tiền túi thuê sân.
Trước hôm thi đấu 1 ngày, nước chủ nhà hủy lịch khiến Ánh Viên cũng như đội tuyển bơi lội Việt Nam không có cơ hội tập làm quen bể tại Cung thể thao dưới nước Aquatic (Bukit Jalil, Kuala Lumpur). Trước đó, cô cũng không có bể tập và phải bơi trên cạn.
Ánh Viên và các đồng đội vượt khó về điều kiện tập luyện ở Malaysia. Ảnh: Tùng Lê. |
Câu chuyện chèn ép không chỉ xảy ra với riêng Việt Nam mà là vấn nạn chung của cả kỳ SEA Games, khi tuyển nữ cầu mây Indonesia đã "đình công" vì bị trọng tài o ép trong trận đấu với Malaysia hôm 20/8, hay nước chủ nhà không bán vé cho cổ động viên Myanmar đến sân cổ vũ môn bóng đá nam.
Ông Nguyễn Nam Hải, huấn luyện viên tuyển bóng bàn nữ Quốc gia chia sẻ trong các kỳ thể thao tại Đông Nam Á những năm gần đây, đội tuyển Việt Nam luôn bị chủ nhà "vô tình" xếp vào bảng khó.
"Có thể vì họ e dè trình độ của các vận động viên của chúng ta. Đơn cử như bóng bàn, ngay trong vòng loại đã "được" gặp Singapore, Indonesia. Trong khi chủ nhà sẽ được sắp xếp đấu với đối thủ nhẹ ký hơn", ông Hải cho biết.
Tương tự, huấn luyện viên Mai Xuân Lượng của đội tuyển karatedo tâm sự chuyện chủ nhà ưu ái vận động viên nước họ là không thể tránh khỏi.
"Không thể có 100% công bằng trong thể thao, nhất là tại những kỳ thi đấu như SEA Games. Đáng buồn nhưng đó là sự thật", người có nhiều năm đi theo tuyển karatedo cho biết.
Theo ông, ở các môn như điền kinh, đua xe, hoặc các môn thi đấu tốc độ thắng thua có thể thấy rõ ràng, khác với các môn mang tính trình diễn, dựa trên đánh giá của giám khảo như wushu, múa kiếm, karatedo... Thậm chí đôi khi những môn như bóng đá, bóng chuyền, muay Thái cũng có thể bị xử ép.
Cách ông dạy học trò để có thể vượt qua những bất công này là phải rèn luyện sao cho trình độ hơn hẳn đối phương.
"Nếu hai bên chỉ ngang cơ 50:50, giám khảo có thể mắt nhắm mắt mở, nhưng một khi ta đã vượt trội, sự thật rành rành ra đó, có muốn đổi trắng thay đen cũng khó. Tôi muốn các em giỏi tới mức không thể bị xử ép tại SEA Games", ông Lượng khẳng định.
Huấn luyện viên Mai Xuân Lượng ghi hình phần thi đấu của học trò karatedo để rút kinh nghiệm cho các em và làm tư liệu luyện tập. Ảnh: Ngân Giang. |
Bên cạnh đó, thi đấu sòng phẳng, không phạm lỗi, tôn trọng trọng tài, và đặc biệt không đặt nặng thành tích là những bài học của vị huấn luyện viên yêu cầu học trò.
Nhiều năm theo thể thao nước nhà, cùng học trò trải qua nhiều kỳ SEA Games, người thầy từng chứng kiến không ít vận động viên nản lòng, thất vọng, thậm chí bật khóc khi gặp bất công.
Bốn năm trước tại SEA Games diễn ra ở Myanmar, trong phần thi chung kết kata đồng đội nữ, Nguyễn Hoàng Ngân, Đỗ Thị Thu Hà, Nguyễn Thanh Hằng từng bật khóc tức tưởi khi bị xử thua trước chủ nhà, dù cả ba đã thực hiện xuất sắc phần thi quyền biểu diễn lẫn đối luyện, trong khi phần thi của Myanmar được mô tả là "múa như cào cào và không ăn ý".
Thúy Vi, người mở hàng huy chương vàng cho đoàn Thể thao Việt Nam tại Kuala Lumpur năm nay, cũng thừa nhận từng lo sợ không thể hoàn thành mục tiêu mang vàng về vì sự chèn ép của chủ nhà.
Cô cho biết đặc điểm cho môn wushu là trình diễn, điểm số được cho dựa vào sự đánh giá của giám khảo. Chỉ cần những vị "cầm cân nảy mực" thiếu công tâm, huy chương vàng khó về được tay Việt Nam.
"Tôi chỉ biết cố gắng hết sức, thể hiện đẹp nhất phần thi của mình. Khi đã ở trên sàn đấu, không vận động viên nào có thể nhớ tới thành tích. Tất cả chỉ còn lại quyết tâm cống hiến những màn trình diễn đẹp mắt nhất", chủ nhân hai huy chương vàng tại SEA Games 29 cho hay.