Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tới lúc Nadal thôi tham lam

Rafael Nadal sinh ra trên mặt sân đất nện và trở thành ông vua trên mặt sân này. Nhưng cũng chính vì điều đó khiến Nadal không hài lòng với giải đấu cuối năm ATP World Tour Finals.

Nadal đi tìm công bằng cho bản thân

Nadal không có thói quen phàn nàn về các giải đấu, trừ khi vấn đề liên quan đến thời gian diễn ra một mùa giải. Nhưng trong cuộc trả lời phỏng vấn với Daily Mail trước thềm giải đấu quy tụ 8 tay vợt nam xuất sắc nhất ATP World Tour Finals 2015 sẽ diễn ra từ ngày 15 tới 22/11 tại London (Anh), ngôi sao người Tây Ban Nha một lần nữa càm ràm và biểu lộ sự không hài lòng về mặt sân thi đấu. “Vua đất nện" tin đã tới lúc ATP World Tour Finals cần thay đổi địa điểm từ sân cứng sang sân đất nện.

Novak Djokovic biến khái niệm Big Four thành Big One

Làng quần vợt nam đang chứng kiến sự vượt trội của Novak Djokovic so với phần còn lại, theo đó khái niệm "Big Four" dần trở thành từ ngữ trong những cuốn sách lịch sử.

"Tôi tin việc ATP World Tour Finals diễn ra trên sân cứng thật không công bằng với một tay vợt không bao giờ thích được chơi trên mặt sân chưa từng là địa điểm thi đấu yêu thích. Tôi luôn phải chơi trên mặt sân tệ nhất với mình".

Nadal luôn tin rằng có một sự bất công khi ATP World Tour Finals diễn ra trên sân cứng. Ảnh: Getty Images.

"Được thi đấu ở sân O2 trong nhà thật tuyệt làm sao. Song, người ta có thể xây dựng một một mặt sân khác ở đó mà. London và nhà thi đấu O2 là nơi tuyệt vời để tổ chức World Tour Finals. Tuy nhiên, sao chúng ta lại không thể chơi trên mặt sân đất nện, thay vì liên tục là sân cứng," Nadal nói với Stuart Fraser.

Dù vậy, tờ USA Today bình luận phát ngôn của Nadal không khác nào "giận cá chém thớt". Trong làng banh nỉ, ai cũng biết Nadal là tay vợt toàn diện trên các mặt sân. Người ta gọi anh là "Vua đất nện" vì những gì ngôi sao vùng Mallorca thể hiện hoàn toàn không giống với người phàm.

Không nói đâu xa, Nadal từng sở hữu chuỗi 31 trận thắng liên tiếp ở giải Roland Garros trước khi bị chặn đứng bởi Robin Soderling ở vòng 4 của Roland Garros 2009. Sau đó, anh tiếp tục nâng chuỗi thành tích bất bại nơi mặt sân đỏ tại Paris lên con số 39, qua đó sở hữu 9 danh hiệu Roland Garros trong 11 giải gần nhất. Ngoài ra, Nadal cũng từng duy trì được thành tích giành 81 chiến thắng trên mặt sân đất nện. Nhưng đáng nói, tay vợt xứ bò tót không chỉ chuyên trị mặt sân đất nện. Trong bộ sưu tập Grand Slam của Nadal còn có đến 5 danh hiệu ở các mặt sân cỏ và cứng.

Nadal liên tục giành được những danh hiệu trên sân đất nện. Ảnh: Getty Images.

Những thống kê trên cho thấy Nadal rất toàn diện khi có thể chơi tốt trên tất cả các mặt sân và bất kể điều kiện như thế nào. Tuy nhiên, hoặc tay vợt người Tây Ban Nha hơi tham lam bởi chỉ mình anh luôn miệng nói về một sự bất công về cách sắp xếp của ban tổ chức trong việc phân chia các giải đấu trên những mặt sân khác nhau suốt 11 tháng - thời gian diễn ra một mùa giải. Nhưng bất công là bất công nào, bởi các số liệu cho thấy chính những tay vợt chuyên trị mặt sân đất nện mới đang thật sự hưởng lợi.

Nadal quá tham lam?

Từ khi Hiệp hội quần vợt nhà nghề (ATP) tiến hành giới thiệu những sự kiện quần vợt với tên gọi "Masters" - vốn chỉ kém giải Grand Slam một bậc về tính quy mô, điểm số, tiền thưởng... vào năm 1990, có đến ba trong chín giải Masters 1000 (với số 1000 tương ứng với số điểm mà người vô địch giành được) được diễn ra trên sân đất nện gồm Monte Carlo, Madrid và Rome Masters. Nếu thực hiện một phép tính đơn giản, 1/3 các giải Masters 1000 trong năm được diễn ra trên mặt sân đất nện. Đáng nói, cách sắp xếp thời gian thi đấu cho những sân chơi trên sân đất nện rất hợp lý cho những ai chuyên trị mặt sân này.

Cụ thể, ATP dành hẳn hai tháng để các tay vợt có thể thích nghi trong giai đoạn chuyển từ mặt sân cứng sang sân đất nện. Ví dụ, giải Úc mở rộng sẽ kết thúc vào cuối tháng 1, theo đó các tay vợt có hai giải Masters 1000 trên sân cứng gồm Indian Wells Masters và Miami Masters diễn ra trong tháng 3. Khi những sân chơi này hạ màn, họ sẽ bắt đầu bước vào mùa giải sân đất nện trong tháng tiếp với những giải đấu nhỏ, sau đó tới Monte Carlo và lần lượt Madrid Masters rồi Rome Masters. Phải tới cuối tháng 5, giải Roland Garros danh giá mới diễn ra.

Như vậy, cách sắp xếp trên rõ ràng có lợi cho Nadal nói riêng và cả những chuyên gia trên sân đất nện nói chung. Ngược lại, những tay vợt thích chơi trên mặt sân cỏ lại không được ưu ái như vậy khi giai đoạn chuyển giao từ đất nện sang sân cỏ rất ngắn, vốn chỉ 3 tuần. Trong thời gian này, không có giải Masters 1000 nào trên mặt sân cỏ. Vậy ra, chẳng phải những chuyên gia ở các mặt sân này như Roger Federer hay Novak Djokovic không gặp bất lợi hơn Nadal thì còn gì. Vậy mà Nadal luôn miệng nói rằng có một sự không công bằng ở đây khi ATP World Tour Finals thi đấu trên sân cứng.

ATP World Tour Finals là danh hiệu duy nhất còn thiếu trong bộ sưu tập của Nadal. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, có thể thông cảm cho Nadal bởi sân cứng luôn là cơn ác mộng với anh. Đầu tiên, phải thừa nhận Nadal nằm trong số những tay vợt là biểu tượng của sự toàn diện vì nếu không anh đã chẳng bỏ túi hai chức vô địch Mỹ mở rộng từ năm 2010 và một lần vào chung kết. Còn tại ATP World Tour Finals, ngôi sao thuận tay trái cũng hai lần vào đến chung kết. Thời gian giúp Nadal hoàn thiện khả năng giao bóng hiệu quả để kiếm những điểm dễ dàng, bộ chân của anh cũng rất linh hoạt để di chuyển từ phòng ngự sang tấn công và đặc biệt sở hữu nền tảng thể lực dồi dào.

Nhưng ngặt nỗi Nadal lại chưa một lần lên ngôi ở mặt sân cứng tại ATP World Tour Finals trong sự nghiệp. Lý do vì giải đấu này diễn ra vào giai đoạn cuối năm, do đó thể lực của Nadal cũng phần nào giảm sút. Ngoài ra, đặc trưng của sân cứng khiến Nadal phải di chuyển nhiều và thường có lối chơi dồn trọng vào đầu gối. Lúc này, chấn thương dễ dàng xuất hiện bởi tay vợt này sở hữu cái đầu gối từng chịu nhiều tổn thương. Những yếu tố đó khiến Nadal không bao giờ thấy hài lòng khi ATP World Tour Finals liên tục được diễn ra trên mặt sân cứng.

Kết quả bốc thăm chia bảng ATP World Tour Finals:

Bảng Stan Smith:

Novak Djokovic (Serbia, 1)

Roger Federer (Thụy Sỹ, 3)

Tomas Berdych (CH Czech, 6)

Kei Nishikori (Nhật Bản, 8)

Bảng Ilie Nastase:

Andy Murray (Anh, 2)

Stan Wawrinka (Thụy Sỹ, 4)

Rafael Nadal (Tây Ban Nha, 5)

David Ferrer (Tây Ban Nha, 7)

Rafael Nadal - khi ta 30 tuổi

Hai tháng nữa Nadal mới sang tuổi 30. Nhưng thất bại ở chung kết Basel trước Federer hơn 34 tuổi cho thấy Nadal dù gắng gượng đến đâu cũng khó chống nổi sự “lão hóa” đến quá nhanh.

Nguyên Trí

Bạn có thể quan tâm