Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tôi không thở được, nhưng vẫn phải chữa bệnh nhân Covid-19'

Nhiều sinh viên y khoa Ấn Độ đang làm việc như những bác sĩ toàn thời gian để chăm sóc các bệnh nhân Covid-19.

Từ đầu tuần này, Siddharth Tara luôn cảm thấy sốt và đau đầu. Anh đã thực hiện xét nghiệm Covid-19, tuy nhiên kết quả đã bị trễ do hệ thống y tế quá tải.

Tara là một học viên cao học ngành y tại bệnh viện công Hindu Rao ở New Delhi, Ấn Độ. Bệnh viện của anh bị quá tải và thiếu nhân viên, và họ muốn anh tiếp tục làm việc cho đến khi nào anh được xác nhận dương tính với Covid-19.

"Tôi không thể thở. Thậm chí, tôi còn có nhiều triệu chứng hơn các bệnh nhân. Vậy tại sao họ lại bắt tôi phải làm việc", Tara bức xúc hỏi, dù biết rằng các bác sĩ lớn tuổi hơn có thể gặp phải nguy cơ cao hơn khi tiếp xúc bệnh nhân Covid-19.

"Những con tốt thí"

Ở Ấn Độ có 541 đại học y dược với tổng cộng khoảng 36.000 học viên sau đại học, và theo thống kê của các công đoàn bác sĩ, những học viên kia chính là thành lũy trong cuộc chiến chống lại Covid-19 của Ấn Độ.

Tuy nhiên, sau hơn một năm, các học viên đều phải đảm đương khối lượng công việc khổng lồ, trong khi bị thiếu lương, tiếp xúc thường xuyên với virus, và phải hoàn toàn bỏ bê việc học tập.

Tại 5 bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, các học viên ngành y đã tổ chức biểu tình chống lại thái độ tàn nhẫn của giới chức trách đối với chính họ, khi họ là người đã kêu gọi chuẩn bị cho đợt dịch thứ hai và bị phớt lờ.

tinh hinh Covid-19 An Do anh 1

Bác sĩ chăm sóc cho một bệnh nhân Covid-19 bên trong một xe cấp cứu, trong bối cảnh nhiều bệnh viện Ấn Độ đã hết chỗ. Ảnh: Reuters.

Jignesh Gengadiya, một học viên ngành y 26 tuổi, biết anh sẽ phải làm việc 24/7 khi đăng ký vào chương trình bác sĩ nội trú tại Trường Cao đẳng Y tế Chính phủ ở thành phố Surat, bang Gujarat. Tuy nhiên, điều không thể ngờ là anh lại là bác sĩ duy nhất chăm sóc cho 80 bệnh nhân - trong đó có 20 bệnh nhân trong phòng chăm sóc tích cực.

"Các bệnh nhân trong phòng chăm sóc tích cực cần được chú ý liên tục. Nếu hơn một bệnh nhân có vấn đề, tôi sẽ phải chăm sóc ai đây?", Gengadiya hỏi.

Bệnh viện Hindu Rao, nơi Siddharth Tara làm việc, có thể giúp ta thấy bức tranh toàn cảnh của Ấn Độ. Bệnh viện này tăng số giường cho các bệnh nhân Covid-19 song lại không thuê thêm bác sĩ - điều đó khiến cho khối lượng công việc của các bác sĩ như Tara tăng gấp 4 lần.

Bên cạnh đó, các bác sĩ lão làng lại từ chối chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. "Tôi biết các bác sĩ lão làng lớn tuổi hơn và dễ nhiễm dịch hơn. Tuy nhiên, trong làn sóng dịch thứ hai, cách virus ảnh hưởng người già và người trẻ đều giống nhau", Tara chia sẻ, đồng thời cho biết anh bị hen suyễn nhưng vẫn thường xuyên phải chăm sóc các bệnh nhân Covid-19.

Cùng với việc số bệnh nhân tăng lên nhanh chóng, số nhân viên y tế cũng giảm xuống do ngày càng nhiều học viên nhiễm Covid-19. Một sinh viên giấu tên cho biết tỷ lệ học viên dương tính với Covid-19 tại khoa phẫu thuật lên đến 75%.

Tara cũng cho biết mình bị trễ lương ít nhất hai tháng. Năm ngoái, các học viên bị nợ lương 4 tháng, và họ chỉ được trả lương sau khi tuyệt thực để đình công giữa lúc đại dịch.

Một hệ thống y tế chắp vá

Ấn Độ dành 1,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này cho việc chăm sóc y tế. Đây là con số thấp nhất trong toàn bộ các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Điều này trở thành vấn đề lớn khi Ấn Độ đối mặt với làn sóng đại dịch Covid-19 thứ hai, khi hệ thống y tế nước này đã không có sự chuẩn bị đầy đủ và vỡ trận trước số ca nhiễm tăng quá nhanh.

tinh hinh Covid-19 An Do anh 2

Ba nhân viên y tế Ấn Độ mệt mỏi ngồi sau một xe cứu thương. Ảnh: AP.

Subarna Sarkar, một học viên cao học tại bệnh viện Sassoon ở thành phố Pune, Ấn Độ, cho biết cô cảm thấy bệnh viện của mình đã hoàn toàn mất cảnh giác trước đại dịch.

Trong đợt bùng dịch đầu tiên, bệnh viện Sassoon đã thuê 200 y tá theo hợp đồng ngắn hạn, và đã đuổi họ vào tháng 10/2020 khi số ca bệnh giảm bớt. Bác sĩ Murlidhar Tambe, trưởng một khoa của bệnh viện, cho rằng trách nhiệm chính của bệnh viện "là chăm sóc bệnh nhân, chứ không phải nhân viên".

Tuy nhiên, trong đợt bùng dịch thứ hai, số ca bệnh tại bệnh viện Sassoon đã tăng gấp đôi chỉ trong một tháng. Để ứng phó với điều này, giới chức bệnh viện hứa sẽ thuê thêm 66 bác sĩ. Tuy nhiên, hiện bệnh viện chỉ mới thuê thêm 11 người.

Bệnh viện này cũng hứa sẽ tăng số giường bệnh để ứng phó với dịch. Cô Sarkar lại cho rằng điều này là không hề đủ, vì "giường bệnh mà không nhân viên thì chỉ là những chiếc giường bình thường".

"Loại bác sĩ nào sẽ được đào tạo ra trong năm nay đây?"

Các học viên tại bệnh viện Sassoon cho biết giới chức bệnh viện đã giảm bớt các quy định phòng dịch nhằm đối phó với làn sóng mới. Ví dụ, các học viên được yêu cầu chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong một tuần, và sau đó ngay lập tức được điều đi chăm sóc các bệnh nhân tại khoa tổng hợp.

Bác sĩ T. Sundararaman thuộc Trung tâm Tài nguyên Hệ thống Y tế Quốc gia của Đại học Pennsylvania tin rằng điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ lây lan của dịch bệnh.

tinh hinh Covid-19 An Do anh 3

Nhân viên y tế Ấn Độ chuẩn bị một liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, một khi dương tính với Covid-19, các học viên chỉ được nghỉ ngơi tối đa bảy ngày. "Covid-19 làm hỏng hệ miễn dịch của bạn, vậy nên có những người dương tính đến lần thứ hai, thứ ba, vì hệ miễn dịch của họ đã bị tàn phá, và họ không có thời gian để hồi phục", cô Sarkar bất bình lên tiếng.

Việc phải tập trung vào ứng phó với đại dịch cũng khiến các học viên ngành y đánh đổi tương lai của họ. Cô Sarkar cho biết sau hơn một năm chỉ thực hiện các xét nghiệm Covid-19, cô biết mọi thứ về virus gây bệnh, song không biết gì về những thứ khác.

Tại bệnh viện đại học y thành phố Surat, các sinh viên cho biết họ đã không hề tham gia bài giảng nào. Bệnh viện này tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 từ tháng 3/2020, và kể từ đó, các học viên cao học dành toàn bộ thời gian của mình để chăm sóc các bệnh nhân.

Chính điều đó khiến cho nhiều sinh viên chuyên ngành phẫu thuật không biết cách cắt bỏ ruột thừa, các bác sĩ chuyên khoa hô hấp tương lai không biết gì về ung thư phổi, và các bác sĩ hóa sinh dành toàn thời gian để thực hiện các xét nghiệm nhanh.

"Loại bác sĩ nào sẽ được đào tạo ra trong năm nay đây?", Shraddha Subramanian, bác sĩ nội trú tại bệnh viện Sassoon, quan ngại.

Cảnh sát Ấn Độ dùng gậy quật người vi phạm phong tỏa Cảnh sát Ấn Độ ngồi trên môtô dùng gậy baton quật người vi phạm lệnh phong tỏa ở thành phố Mandsaur. Thành phố này đang đối mặt với cơn sóng dữ dội của dịch Covid-19.

'Mang oxy tới, hoặc đưa cha của chị về nhà đi'

Aparna Bansal nhận được điện thoại lúc sáng sớm từ bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. Thông điệp cô nhận được đơn giản chỉ là: Mang oxy tới, hoặc đưa cha của chị về nhà đi.

Những lô hàng giải cứu đầu tiên tới Ấn Độ

Lô hàng viện trợ quốc tế từ Anh đã đến Ấn Độ ngày 27/4. Một số quốc gia như Mỹ, Australia và EU cam kết giúp Delhi chống lại làn sóng Covid-19 thứ hai.

Quốc Tuệ

Theo AP

Bạn có thể quan tâm