Italy là nước đứng đầu châu Âu về sản xuất thuốc lá, cung cấp đầu vào cho ba nhà sản xuất thuốc lá lớn nhất thế giới là Philip Morris (PMI), British American Tobacco và Imperial Brands.
Tuy nhiên, ở Campania, vùng cung cấp hơn 1/3 sản lượng thuốc lá tại đất nước này, người lao động, bao gồm trẻ em, cho biết họ bị bóc lột sức lao động tới 12 tiếng mỗi ngày, không có hợp đồng với mức lương vô cùng rẻ mạt, không được trang bị đầy đủ để đảm bảo an toàn và sức khỏe lao động.
Ba công ty đa quốc gia độc chiếm thị trường thuốc lá Italy đều thu mua từ các cơ sở sản xuất địa phương. Theo một báo cáo nội bộ của Tổ chức Thuốc lá Quốc gia Italy (ONT), các công ty này đã thu mua 3/5 sản lượng thuốc lá của Italy trong năm 2017, với riêng PMI mua 21.000 trong số 50.000 tấn thu hoạch được trong năm.
Nhà kính trồng thuốc lá tại tỉnh Caserta, miền Nam Italy. Ảnh: Guardian. |
Các công ty đa quốc gia đều cho biết chỉ thu mua từ các nhà cung cấp tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu về đảm bảo chế độ và điều kiện làm việc cho người lao động. PMI khẳng định chưa gặp tình trạng lạm dụng lao động. Imperial và British American cũng sẵn sàng điều tra nếu có bất kỳ cáo buộc nào.
Tuy nhiên, 20 người tỵ nạn được phỏng vấn với tờ Guardian, trong đó có 10 người đã làm việc trên những cánh đồng lá thuốc tại Italy năm 2018, đã tố giác nhiều vi phạm về quyền và an toàn lao động.
"Tôi bị đau toàn thân"
Họ cho biết không có hợp đồng nào được ký, tiền công nhận được dưới mức pháp luật quy định, và thời gian làm việc lên tới 12 tiếng mỗi ngày, ngoài giờ ăn trưa thì không được nghỉ giữa buổi. Họ cũng không được sử dụng nước sạch, chịu sự lạm dụng, xúc phạm và phân biệt chủng tộc từ chủ lao động, bất kể tình trạng sức khỏe mà vẫn phải tiếp tục làm, nếu không sẽ mất việc.
Trong số những người được phỏng vấn còn có 2 trẻ chưa đủ tuổi lao động nhưng vẫn được thuê để làm những công việc nặng nhọc. Alex, một trong số hai em, cho biết mình không được cung cấp găng tay hay quần áo bảo hộ để tránh tiếp xúc với nicotine hay thuốc trừ sâu từ lá cây, dẫn đến các bệnh sốt, sốt rét và đau đầu.
Điều đáng ngại là phần lớn người tị nạn lao động trong ngành công nghiệp này đều làm việc với đôi tay trần và mức tiền công quá thấp khiến họ không thể tự mua găng tay được. Có những người không thể rửa tay vì đau do bị cứa, trầy xước, thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau khắp người.
Vào cuối ngày làm việc, Sekou, 27 tuổi và đến từ Guinea, nói rằng: "Tôi không thể đưa tay vào nước để tắm vì bàn tay đều bị xước". "Tôi bị đau khắp người, đặc biệt là tay. Tôi phải uống thuốc giảm đau mỗi ngày".
Một nghiên cứu đã kết luận hơi ẩm từ sương hay nước mưa bám lại lá cây thuốc lá có chứa lượng nicotine bằng 6 điếu thuốc, và tiếp xúc trực tiếp có thể gây ra ngộ độc nicotine.
Một lao động trên cánh đồng thuốc lá gần Caserta, Italy. Ảnh: Guardian. |
Người nhập cư thường tập trung ngay tại những ngã tư dọc những con đường chính tại Caserta để chủ lao động dễ dàng tìm gặp để thuê làm việc. Không có hợp đồng, công việc rất nặng nhọc và mức tiền công họ được nhận được chỉ khoảng 20-30 euro mỗi ngày thay vì mức cơ bản 42 euro theo pháp luật quy định. Những người thuê lao động thường trả 3 euro mỗi giờ cho người làm châu Phi, trong khi người Albania, Rumani hay người Italy thường được trả gấp đôi, không thương lượng.
"Những người Albania được trả 5 euro một giờ, họ trả tôi 3 euro một giờ", một người tên Didier nói. "Khi tôi yêu cầu tăng tiền công, họ không bao giờ gọi lại nữa".
Lãnh đạo Liên minh các hiệp hội người lao động Italy tại Caserta cũng cho biết phần lớn người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh này, bao gồm cả ngành thuốc lá, chủ yếu là người nhập cư từ Đông Âu và châu Phi, bao gồm Bắc Phi và khu vực cận sa mạc Sahara.
Liên minh đồng thời thừa nhận tình trạng lạm dụng, bóc lột sức lao động với mức tiền công rẻ mạt, điều kiện lao động khắc nghiệt, thuê mướn bất hợp pháp, thậm chí bằng đe dọa, tống tiền. Hiện có từ 405.000 đến 500.000 ngươi nhập cư làm việc trong ngành nông nghiệp, chiếm khoảng một nửa số người lao động tại Italy; và theo điều tra của Trung tâm Quan sát Placido Rizzotto, 80% số người lao động không có hợp đồng trong lĩnh vực nông nghiệp là người nhập cư.
Didier, 18 tuổi, làm việc trong cơ sở sản xuất thuốc lá tại Caserta, Italy. Ảnh: Guardian. |
Các "ông lớn" phủ nhận
Các công ty thuốc lá đa quốc gia đã đầu tư hàng tỷ euro vào ngành công nghiệp tại Italy. Chỉ riêng PMI đã chi 1 tỷ euro trong vòng 5 năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục tăng với quy mô tương đương trong vòng 2 năm tới. British American Tobacco cũng tuyên bố đầu tư 1 tỷ euro trong giai đoạn 2015 – 2019. Phần lớn thuốc lá mà các công ty này thu mua đều đến từ tại các doanh nghiệp địa phương ở Campania.
Ông Gennarino Masiello, chủ tịch của Coldiretti Campania, một hiệp hội các doanh nghiệp ngành nông nghiệp ở thành phố này, cho biết các thỏa thuận kinh doanh giữa họ và các công ty đa quốc gia đều có những “cam kết nghiêm ngặt về việc đảm bảo quyền của người lao động, cấm thuê mướn lao động bất hợp pháp và sử dụng lao động trẻ em”.
Nhiều biện pháp đã được thực hiện để cải thiện điều kiện lao động trong ngành công nghiệp thuốc lá. Năm ngoái, một thỏa thuận giữa Hiệp hội Liên ngành thuốc lá Italy (OITI) và Bộ Nông nghiệp đã đưa vào áp dụng một bộ tiêu chuẩn về hành vi, nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ sức khỏe người lao động cùng một chiến lược quốc gia nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường.
OITI buộc phải nhận ra một thực tế rằng lạm dụng lao động thường xuất phát từ những nguyên nhân mang tính hệ thống và những giải pháp dài hạn để khắc phục tình trạng này cần sự cam kết nghiêm túc và lâu dài của mọi chủ thể trong chuỗi cung ứng sản phẩm cũng như chính quyền và các đối tượng liên quan.
Tuy nhiên, những người nhập cư được phỏng vấn cho biết vẫn không có sự thay đổi nào trong điều kiện lao động của họ.
Người lao động nhập cư trên cánh đồng thuốc lá gần Caserta, Italy. Ảnh: Guardian. |
Năm 2017, PMI đã ký một thỏa thuận với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cam kết thuê 20 người nhập cư làm việc trong các công ty sản xuất thuốc lá ở Campania, bảo đảm sẽ hỗ trợ họ thoát khỏi tình trạng bị bóc lột sức lao động. Mỗi người được thuê theo hợp đồng thuộc thỏa thuận này sẽ được nhận số tiền lương 600 euro mỗi tháng từ PMI.
Tuy nhiên, dự án này dường như không thực sự hiệu quả khi những người lao động nhập cư tham gia vẫn bị đối xử như cũ. Thậm chí sau 6 tháng, họ còn không được thuê lao động thường xuyên và phải quay về làm việc không có hợp đồng với mức lương bèo bọt tại chính công ty đã ký thỏa thuận với PMI.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố, PMI nhấn mạnh cam kết đảm bảo an toàn và điều kiện lao động trong chuỗi cung ứng bằng nhiều biện pháp, bao gồm một đường dây nóng hay các chương trình hỗ trợ trực tiếp người lao động và một Bộ tiêu chuẩn thực hành trong lao động nghiệp (ALP) bắt buộc áp dụng tại các trang trại và doanh nghiệp cung ứng sản phẩm cho PMI trên toàn thế giới. PMI vẫn một mực khẳng định không gặp bất cứ vấn đề hay cáo buộc nào.
British American Tobacco, tương tự, cũng cam kết có những chính sách, biện pháp nhằm đảm bảo mức tiền lương tối thiểu, thuê mướn lao động hợp pháp, quyền và phúc lợi công bằng; thực hiện rà soát đặc biệt sự tuân thủ quy tắc ứng xử với người lao động của các nhà cung cấp và sẵn sàng điều tra cũng như có những biện pháp xoa dịu, đền bù tổn thất.
Imperial Tobacco cho biết họ chỉ thu mua một lượng rất nhỏ thuốc lá từ Campania qua trung gian và liên tục cập nhật để nắm bắt và giải quyết bất cứ vấn đề nào phát sinh đối với người lao động. ONT cũng khẳng định sẽ tiếp tục điều tra và đưa các chuyên gia đến các cơ sở sản xuất thuốc lá tại Italy ít nhất 1 lần/tháng để giám sát việc tuân thủ hợp đồng và các quy tắc đảm bảo điều kiện làm việc nhằm chấm dứt tình trạng bóc lột lao động bất hợp pháp còn nhức nhối trong ngành công nghiệp thuốc lá ở Italy.