Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tôi dùng smartphone camera tối đen trong một tháng'

Ngày nay, camera trên smartphone không chỉ dùng để chụp ảnh. Chúng xuất hiện trên điện thoại và tạo ra hàng trăm nhu cầu mới cho người dùng.

Vào tháng 4, trong một lần đi mưa, không rõ vì sao smartphone của tôi bị vào nước. Rất may, máy vẫn hoạt động tốt. Tuy nhiên, cả 4 camera trước và sau của máy có hiện tượng đọng sương và không thể sử dụng.

Khởi đầu một cuộc sống... không máy ảnh

Tôi sử dụng điện thoại di động lần đầu năm 2008. Lúc ấy, đó chỉ là một chiếc điện thoại Nokia cơ bản. Đương nhiên, thiết bị không có camera và điều đó chẳng làm tôi khó chịu ở thời điểm ấy.

Tôi nhớ điện thoại di động thời ấy chỉ để nhắn tin, gọi điện. Vì vậy, camera không phải thứ quan trọng.

cuoc song khong camera anh 1

Camera của chiếc smartphone tối đen sau một lần vào nước.

Đến năm 2012, tôi dùng một chiếc Blackberry có camera độ phân giải VGA. Tuy không rõ nét nhưng đó là công cụ tôi thường dùng để chụp ảnh nhất.

Nhờ sự phát triển của công nghệ, camera ngày càng rõ nét, rực rỡ hơn. Từ đó, thói quen ghi lại những hình ảnh xinh đẹp của cuộc sống cũng dần hình thành. Suốt 9 năm, thói quen đó hiện hữu âm thầm trong cuộc sống của tôi mà tôi không để ý.

Tuy nhiên, sự cố khiến camera điện thoại hỏng giúp tôi cảm nhận rõ thói quen này.

Trên đường đi làm, tôi thấy một chiếc ôtô chở những chú chó đáng yêu. Như bản năng, tôi lấy smartphone ra và đưa lên, quẹt trái để khởi động camera. Thứ tôi nhìn thấy chỉ là một màn hình đen. Điều này khiến tôi hụt hẫng vì vừa bỏ qua một khoảnh khắc dễ thương.

Buổi sáng, trong một quán cà phê có bài trí hoài cổ. Tôi lại lấy điện thoại ra để chụp lại tách cà phê của mình. Nhưng, tôi không chụp được. Hai ví dụ trên chỉ dừng lại ở khía cạnh sử dụng smartphone như một chiếc máy ảnh di động.

Một bức ảnh hơn nghìn lời nói

Camera trên smartphone còn phục vụ những nhu cầu khác như lưu trữ tài liệu. Tôi nhận ra điều này khi đứng trước một bản thông báo ở chung cư. Nếu camera không hư, tôi đơn giản chỉ cần chụp nội dung đó lại và gửi cho gia đình. Nhưng vì camera hư, tôi phải mở ứng dụng ghi chú và gõ lại những nội dung quan trọng trong thông báo.

cuoc song khong camera anh 2

Ứng dụng thanh toán QR không thể hoạt động nếu thiếu camera.

Điện thoại của tôi có tính năng zoom 10x. Tuy chỉ mới làm quen nhưng đây lại là tính năng tôi dùng rất nhiều. Tôi thường zoom để đọc nội dung ở xa dễ hơn. Hỏng camera, đồng nghĩa “tầm nhìn” của tôi phần nào bị giới hạn.

Khi về nhà, tôi nhận ra mình cần vệ sinh tấm thảm. Tìm trên các website, tôi thấy một bên dịch vụ vệ sinh khá uy tín. Nhưng, họ yêu cầu tôi chụp lại tấm thảm để họ báo giá. Đó là một thử thách với chiếc smartphone hư camera của tôi. Kết quả, tôi phải tả lại chất liệu và kích thước thảm bằng chữ cho bên dịch vụ và không quên cho họ biết điện thoại tôi bị hư.

Suốt một tháng qua, tôi hiểu rõ nhất câu: “Một bức ảnh hơn nghìn lời nói”. Không có camera, bất cứ nội dung trực quan có thể diễn tả chỉ bằng một bức ảnh nào, tôi cũng phải tả lại bằng chữ. Vợ tôi hỏi: “Con mèo đang làm gì?”. Thay vì gửi một bức ảnh, tôi phải gõ lại: “Con mèo đang nằm trên sofa chơi”.

Khi bạn tôi hỏi: “Cậu đến quán cà phê chưa? Đang ở đâu?”. Tôi phải tả lại khung cảnh xung quanh vị trí của mình bằng chữ. “Mình đang đứng đối diện tiệm thuốc”.

Nhiều ứng dụng cần camera

Đầu tiên, tôi không thể mở smartphone bằng nhận diện gương mặt bằng camera trước. Tiếp đến, khi mua sắm ở các cửa hàng tiện lợi, tôi không thể dùng ví điện tử để quét mã QR, nhận thêm ưu đãi. Mua sắm trên sàn thương mại điện tử cũng không khá hơn vì muốn thanh toán bằng ví điện tử, tôi cũng phải quét mã QR.

cuoc song khong camera anh 3

Camera là hình thức nhập liệu quan trọng trong thời đại này.

Khi sắm được một bộ Google Nest, việc cài đặt mới diễn ra rất dễ dàng nếu tôi có camera để quét mã QR trên thiết bị. Tôi phải nhập tay 8 ký tự được in rất mờ bên dưới Google Nest. Từ đó, tôi nhận ra, mã QR ngày nay đã trở thành một hình thức nhập liệu được nhiều hãng công nghệ ưu tiên. Đương nhiên, smartphone phải có camera để ghi nhận thông tin này.

Không có camera, tôi cũng không thể gọi điện video. Suốt một tháng, bất cứ cuộc gọi video nào tôi cũng chuyển thành cuộc gọi thông thường. Tôi cảm thấy nếu chỉ nhìn mặt người gọi mà không chia sẻ video của mình là hành động thiếu tôn trọng người khác.

Một số người bạn của tôi cũng đồng ý chuyện này. Họ cho rằng cuộc gọi video một chiều (một trong hai phía không mở camera) là không thân thiện. “Không chia sẻ video chỉ có vừa gọi vừa chụp ảnh màn hình thôi”, một người bạn từng nói với tôi việc anh ta lo ngại tôi sẽ chụp ảnh màn hình cuộc gọi.

Bên cạnh đó, khả năng tìm kiếm của tôi cũng bị giới hạn khi không có camera. Tôi có một chiếc cassette cũ nhưng không rõ nó là model nào. Tôi cần mua một chiếc dây nguồn cho nó.

Lúc này, tôi phải tìm từ “cassette sanyo” trên Google, bấm vào tab hình ảnh, lướt đến sản phẩm của mình để biết tên model chính xác và gửi cho người bán hàng. Nếu có camera, tôi chỉ cần chụp một tấm hình.

Sau hàng loạt ức chế, tôi quyết định sẽ mua một chiếc điện thoại mới. Lần này, camera chắc chắn là phần cứng tôi quan tâm nhất.

Suốt gần một tháng qua, tôi phải sử dụng một chiếc smartphone không có camera. Đó là một trải nghiệm không mấy vui vẻ nhưng giúp tôi có cái nhìn chi tiết hơn về cách mà camera trên smartphone thay đổi cuộc sống người dùng.

Thế giới Android chuẩn bị khiến iPhone trở nên lỗi mốt

Sau thiết kế khuyết đỉnh và đục lỗ, năm nay các nhà sản xuất smartphone Android sẽ giới thiệu điện thoại có camera trước nằm dưới màn hình.

Đoạn Lãng

Bạn có thể quan tâm