Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tội đồ' của cơn hoảng loạn chứng khoán Trung Quốc

Xiao Gang, Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Trung Quốc, bị coi là người đã làm trầm trọng thêm cơn hoảng loạn trên thị trường sau khi thông qua cơ chế ngắt mạch giao dịch tự động.

"Ông Cầu Dao" (Mr Circuit Breaker) là biệt danh mới giới truyền thông gán cho người lãnh đạo Uỷ ban chứng khoán Trung Quốc sau khi vị này cho khởi động cơ chế ngắt mạch giao dịch tự động trên sàn chứng khoán nếu chỉ số giảm 7%. 

Cơ chế được coi là làm trầm trọng thêm cơn hoảng loạn trên thị trường chứng khoán trong những tuần giao dịch đầu tiên của năm 2016 cũng là sản phẩm ấp ủ của Chủ tịch CSRC Xiao Gang nhằm đưa thị trường Trung Quốc hoạt động giống Mỹ.

57 tuổi, bắt đầu điều hành từ tháng 3/2013, ông Xiao Gang lên nắm quyền đúng vào thời điểm thị trường chứng khoán Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thách thức khi đó với tân Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Trung Quốc là thu hút dòng tiền đầu tư mới vào thị trường bất động sản, trong khi phải kiềm chế các nguy cơ bong bóng đầu cơ, hay giao dịch nội gián.

Xiao Gang bị đặt biệt danh "ông Cầu Dao" sau thất bại của cơ chế ngắt mạch giao dịch tự động tại thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Nếu xét về hồ sơ công việc, Xiao Gang được coi là người có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực tài chính. Ông gắn bó với ngành ngân hàng 22 năm, trong đó có 10 năm giữ ghế Chủ tịch Bank of China (BoC), nhà băng thuộc top 4 về quy mô tại Trung Quốc. Dấu ấn lớn nhất của vị này là IPO thành công ngân hàng này và thu về tới 13,7 tỷ USD năm 2006.

Tuy nhiên, khi xét tới kiến thức nền, ông Xiao Gang thậm chí từng thừa nhận bản thân học rất kém môn toán, và tài chính không phải lựa chọn hàng đầu của ông. Ngành ngôn ngữ học mới là mục tiêu theo đuổi của Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Trung Quốc khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Dẫu vậy, trong những tháng năm hoạt động trong ngành tài chính, ông đã tích lũy được kinh nghiệm đáng nể, giống như lời giới thiệu của phòng tổ chức Chính phủ Trung Quốc khi ông này lên nắm quyền: "Xiao Gang người trẻ tuổi, năng nổ, cương quyết với phong cách đơn giản. Có hiểu biết sâu rộng về các chính sách vĩ mô chung như dịch vụ tài chính, có tư tưởng làm mới, giỏi tổ chức, phối hợp".

2 năm sau khi tiếp quản chiếc ghế Chủ tịch Ủy ban chứng khoán, Xiao Gang đối mặt với thử thách lớn khi thị trường sụt giảm mạnh vào năm 2015 sau giai đoạn thăng hoa.

Dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bơm tiền vào hệ thống, hàng loạt biện pháp hành chính được thực thi nhưng tất cả không đủ để cứu vãn một năm thất bát của thị trường chứng khoán nước này. 50% công ty chứng khoán ngừng giao dịch. Vốn hóa rò rỉ trong mùa hè năm 2015 đã lên tới 5.000 tỷ USD, trong đó 221 tỷ USD chảy sang thị trường Hong Kong.

Để chống lại những diễn biến bất thưởg của thị trường, cơ chế ngắt mạch giao dịch tự động đã được thiết lập để áp dụng ngay vào những ngày đầu năm 2016. Theo đó, khi chỉ số CSI 300 mất 5%, thị trường Trung Quốc sẽ tự động ngưng giao dịch trong 15 phút. Nếu mức giảm là 7%, thị trường sẽ đóng cửa đến hết ngày. 

Tuy nhiên, diễn biến thực tế lại vượt quá tính toán của các lãnh đạo Trung Quốc. Trong bốn ngày giao dịch đầu tiên vào năm 2016, CSI đã giảm 12%. So với mức đỉnh của năm 2007, thị trưởng chứng khoán quốc gia này đã sụt giảm 70%. Dù cơ chế này sau đó đã bị xóa bỏ, nhưng các nhà đầu tư vẫn liên tục đổ lỗi cho Xiao và CSRC khi thực hiện biện pháp ngắt mạch hành chính mà không lường trước được hậu quả, khiến làm tâm lý của những người trên sàn thêm hoảng loạn, đẩy họ vào tình cảnh buộc phải bán tháo.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Phoenix của Hong Kong vào năm 2012, Xiao, khi đó còn là Chủ tịch của BoC, từng chia sẻ: "Điều đúng đắn duy nhất tôi đã làm được trong đời tính đến nay là kết hôn với người vợ hiện tại". Câu nói này giờ đây được đưa ra mỉa mai, khi nhiều người cho rằng đến giờ này, tức 5 năm sau bài phỏng vấn, nhận định đó vẫn chẳng có gì thay đổi.

"Ông ấy đã quá may mắn khi vẫn giữ được công việc của mình sau thất bại vào mùa hè năm ngoái. Nhưng giờ đây, ông ấy cần có trách nhiệm với tình trạng đang diễn ra, với tiền túi của nhà đầu tư", Fraser Howie, một nhà phân tích chứng khoán độc lập cho biết.

Chứng khoán Trung Quốc lại lao dốc

Hôm 11/1, lần đầu tiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm xuống dưới 20.000 điểm kể từ năm 2013 trong khi sàn Thượng Hải và Thâm Quyến lao dốc.

Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm