'Tôi đã chủ động vào nơi phạm nhân náo loạn'
"Tôi chủ động đề nghị sẽ vào một mình để nói chuyện với các phạm nhân. Họ nói nếu một mình ban (giám thị) vào thì họ đồng ý”, đại tá Hồ Phi Thắng kể.
Chiều 1/7, một ngày sau sự việc một số phạm nhân đang thụ án tại trại giam Z30A gây rối trật tự, chúng tôi đã vào trại tìm hiểu vụ việc và tiếp xúc đại tá Hồ Phi Thắng, giám thị trại giam Z30A.
Đại tá Thắng là người được một số thông tin cho rằng đã bị “bắt giữ, khống chế”. Theo ông, sự việc bắt đầu từ khu sân bóng nằm sát khu vực trung tâm trại giam Z30A (còn gọi là trại giam Xuân Lộc, đóng tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai).
Trong ảnh là sân đá bóng, nơi xảy ra vụ xô xát sáng 30/6. |
Gây gổ khi đá bóng
Giám thị trại giam cho biết hằng tuần trại có tổ chức cho phạm nhân của các buồng giam được đá bóng giao hữu với nhau, mỗi đội 9 cầu thủ cùng một số cầu thủ dự bị. Khi tổ chức chỉ cho một số phạm nhân biết đá bóng ra khỏi buồng giam. Số còn lại vẫn ở trong buồng, xem tivi hoặc có các hình thức giải trí khác.
"Tôi chủ động đề nghị tôi sẽ vào một mình để nói chuyện với các phạm nhân. Họ nói “nếu một mình ban (giám thị) vào thì chúng tôi đồng ý”. Tôi vào đó thuyết phục, giải thích việc trại tổ chức cho họ vui chơi nhưng họ lợi dụng để gây rối là không đúng" Đại tá Hồ Phi Thắng |
Theo lời Đại tá Thắng, vụ việc bắt đầu phát sinh vào khoảng 8h30 ngày 30/6, khi hai đội bóng của buồng 1A đá với buồng 2A. Lúc này, hai phạm nhân Phạm Văn Trí (35 tuổi, quê Tây Ninh, thuộc đội buồng 1A, đang thụ án 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có bốn tiền án trước đó) mâu thuẫn với Phạm Ngọc Hường (29 tuổi, quê TP.HCM, đang thụ án 14 năm tù về tội cướp tài sản, thuộc đội buồng 2A) vì cho rằng trọng tài xử không công bằng.
Hai bên to tiếng, xô đẩy và có xô xát với nhau. Bắt đầu từ xô xát giữa hai cá nhân, dần dần trở thành xô xát giữa hai đội bóng với số lượng khoảng 20 người. Ngay tức thì, khoảng 15-20 cán bộ của phân trại 1 đã vào can thiệp và báo với giám thị trại giam. Nhóm cán bộ phân trại 1 vào can thiệp không thành công, hai nhóm phạm nhân đuổi đánh nhau trong khu vực sân bóng.
“Sau đó tôi có mặt và cùng gần 10 cán bộ kêu gọi các phạm nhân ngừng ngay việc gây rối nhưng không thành công. Lúc này các phạm nhân gây rối đã làm đổ một số rào chắn mềm, tập trung khoảng 50 người. Tôi đã báo cáo ngay lãnh đạo tổng cục để nắm tình hình, sau đó quay trở lại một lần nữa để trấn an và lập lại trật tự. Lần này tôi cũng vào với 7-8 cán bộ khác nữa, nhưng nhóm phạm nhân đang gây rối bên trong sợ chúng tôi dẫn lực lượng vào đàn áp, đánh đập nên có ý chống đối, không đồng ý để tôi cùng các cán bộ vào. Tôi chủ động đề nghị tôi sẽ vào một mình để nói chuyện với các phạm nhân. Họ nói “nếu một mình ban (giám thị) vào thì chúng tôi đồng ý”.
Tôi vào đó thuyết phục, giải thích việc trại tổ chức cho họ vui chơi nhưng họ lợi dụng để gây rối là không đúng. Tôi giải thích cho họ nghe, nhiều người đã hiểu và chấp hành trở về buồng giam của mình, không tụ tập gây rối, nhưng một số khác thì có thái độ chống đối, hò hét. Vụ việc kéo dài tới khoảng 14h45, khi lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) có mặt thì được giải quyết ổn thỏa” - Đại tá Thắng kể.
Không có động cơ chính trị
Trao đổi với chúng tôi về thiệt hại do vụ gây rối gây ra, Đại tá Thắng chỉ từng khu vực và các vật dụng bị hư hỏng: tại khu nhà bếp, chỉ có cánh cửa ra vào - theo lời Đại tá Thắng - là đã bị hai nhóm khi truy đuổi nhau xô bung một cánh. Một số rào chắn mềm giữa các phân khu bị xô đổ và cổng vào khu buồng kỷ luật bị bung cả hai cửa, một vài chậu cây cảnh bị vỡ đã được dọn đi.
Đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai và công an tỉnh có mặt tại trạm giam Z30A chiều 1/7 bàn về công tác xử lý vụ việc. |
“Trong lúc các phạm nhân xô xát, đuổi nhau, có người yếu thế hơn, phải chạy trốn và người đuổi theo xô đổ cửa chứ hoàn toàn không có việc giải cứu các phạm nhân bị kỷ luật như một số thông tin đưa ra ngoài” - Đại tá Thắng nói. Trong thời gian chúng tôi có mặt tại khu vực phân trại 1 của trại Z30A, hầu hết các phạm nhân đang chơi đá cầu, xem tivi và nói chuyện bình thường.
Trả lời chúng tôi về việc có hay không những “người đứng phía sau” vụ việc và vì sao phạm nhân trong trại có thể liên lạc bằng điện thoại ra ngoài, Đại tá Thắng cho biết: “Hoàn toàn không có việc ai giật dây hay động cơ chính trị nào đứng phía sau vụ việc gây rối này. Nguyên nhân ban đầu được xác định rất rõ là xuất phát từ mâu thuẫn trong khi đá bóng giữa hai buồng giam. Do trại Z30A là nơi tập trung các phạm nhân có mức án cao, hầu hết đã có nhiều tiền án nên việc chấp hành ý thức kỷ luật trại giam, quy định pháp luật kém.
Thông tin việc một số phạm nhân đang thụ án tại đây do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống phá chính quyền là người giật dây là không đúng. Các phạm nhân này được giam riêng theo quy định, trong khi các phạm nhân gây rối bị giam riêng, cách xa và không liên lạc được với nhau”.
Về chiếc điện thoại, ông nói: “Chúng tôi đã thu được một chiếc điện thoại ở lề đường đi từ khu sân bóng vào khu buồng kỷ luật, không có sim và chưa xác định chính xác được ai sở hữu, sử dụng chiếc điện thoại này. Việc để lọt điện thoại vào trong khu vực giam giữ là do sơ suất khi kiểm tra hàng tiếp tế và thân thể phạm nhân. Chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý”.
Thiếu tướng Hồ Thanh Đình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục VIII, cũng khẳng định khi ông có mặt, một số phạm nhân thông báo với ông là do chế độ ăn uống của trại không đảm bảo, đăng ký mua đồ trong căngtin của trại phải hai ngày sau mới có, đồ mua được cũng không đảm bảo chất lượng. Các phạm nhân phản ảnh có phạm nhân bị đánh đập và mục đích của họ là muốn được tự nấu ăn trong nhà giam.
Tuy nhiên, các cán bộ của trại giam Xuân Lộc thì khẳng định do những phạm nhân vi phạm nội quy, bị kỷ luật chứ không có việc bị đánh đập. Phạm nhân đòi hỏi tự nấu ăn trong trại giam là vi phạm quy định, không được chấp thuận.
Theo Tuổi Trẻ