Vào ngày 11/3/2011, trận động đất hơn 9 độ xảy ra ngoài khơi bờ biển đông bắc của Nhật Bản, gây ra thảm họa sóng thần tàn khốc cướp đi sinh mạng của hơn 18.000 người.
Đó là vào lúc 14h46 một buổi chiều thứ 6, khi mọi người đang mong chờ một ngày cuối tuần bình yên, mặt đất bắt đầu rung chuyển. Trận động đất 9,0 độ Richter mạnh đến mức làm nghiêng trục Trái Đất và dịch chuyển đảo chính của Nhật Bản về phía đông 4 m.
Muốn con gái đã khuất sẽ hạnh phúc khi thấy cách cha sống tiếp
Trận động đất cường độ mạnh nhất trong lịch sử Nhật Bản này gây ra cơn sóng thần cao 40 m khi vào đất liền, khiến hơn 18.000 người chết và gây ra 3 vụ rò rỉ phóng xạ hạt nhân, theo tờ The South China Morning Post.
Hơn 18.000 người chết trong trận động đất sóng thần lịch sử ngày 11/3/2011 ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Ở làng Kamaya, bên sông Kitakami, những tảng bê tông lạnh lẽo là tất cả những gì còn sót lại của ngôi trường tiểu học Ookawa, nơi 74 học sinh và 10 giáo viên đã thiệt mạng khi cơn sóng thần ập đến.
Một trong số các nạn nhân tại ngôi trường Okawa là cô bé Koharu, 12 tuổi, con gái của anh Shinichiro Hiratsuka. Hôm đó, Shinichiro Hiratsuka đang dạy tại một trường trung học ở thành phố Ishinomaki cách đó không xa. Anh nhớ lại: “Trường của tôi đã biến thành trung tâm sơ tán và đã có 2.500 người ở đó. Không có truyền hình, điện thoại và đường sá thì không thể đi được”. Và khi đến được Kamaya 4 ngày hôm sau, anh đã không bao giờ được nhìn thấy con gái mình lần nào nữa.
Trường tiểu học Okawa tan hoang sau đợt sóng thần. Ảnh: Japantimes. |
Cô Naomi, vợ anh, cũng là một giáo viên đã phải bỏ việc để tìm kiếm thi thể con gái yêu quý của họ. Cô bé được tìm thấy 5 tháng sau ở một địa điểm cách đó 4 km.
Kìm nén đau thương, anh Shinichiro vẫn tiếp tục công việc dạy học của mình và luôn cố gắng giữ một gương mặt kiên cường trước hai đứa con còn lại của mình.
“Là một giáo viên, tôi phải mỉm cười trước các học sinh của mình. Rồi tôi khóc thầm trong xe trên đường về nhà. Và rồi tôi lại gạt nước mắt đi và cười khi về tới nhà với gia đình", anh Shinichiro ngậm ngùi.
Người thầy chịu nhiều tổn thương này đã cùng thực hiện một cuốn sách minh họa cho học sinh tiểu học với tựa đề Kimi wa 3.11 o Shiteimasuka? (tạm dịch: Bạn có biết về ngày 11/3), vừa được xuất bản hồi tháng 2.
"Thông điệp của cuốn sách là bạn phải trân trọng cuộc đời mình và có thể vượt qua khó khăn", anh Shinichiro chia sẻ. "Tôi muốn con gái trên thiên đường sẽ hạnh phúc khi nhìn thấy cách tôi đang tiếp tục sống".
Lợn rừng, khỉ tràn vào làng
Iitate - ngôi làng nhỏ nằm cách đó hơn 100 km về phía nam - không bị ảnh hưởng bởi trận sóng thần, nhưng lại có một kẻ thù vô hình đáng sợ, đó là những đám mây phóng xạ rò rỉ từ nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi.
Ông Tatsuo Harada, cư dân 80 tuổi đã sống cả đời ở ngôi làng đó cho đến khi ông và hơn 5.300 người dân khác buộc phải sơ tán. Cho đến tháng 4/2020, ông và khoảng 1.500 cư dân đa phần cao tuổi đã quyết định quay trở lại ngôi làng này.
Bao đựng rác thải nhiễm phóng xạ được chất đống sau sự cố rò rỉ phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh: The Mainichi. |
Ông Harada cho biết: “Những người trẻ không quay trở lại làng. Trước đây, không có lợn rừng hay khỉ đến phá làng. Bây giờ, có đến hơn 40, 50 con khỉ đi quanh đây mà không hề sợ con người, như thể đây là địa bàn riêng của chúng vậy”.
Nana Matsumoto, 28 tuổi, là một trong số những người đang cố gắng kêu gọi người trẻ quay trở lại làng. Sau khi kết thúc thời gian 3 năm làm việc với chính quyền địa phương, cô đã quyết định ở lại và mở một công ty nhằm giúp ngôi làng này hồi sinh.
“Nhiều tòa nhà bị bỏ trống sau thảm họa. Tôi và đồng nghiệp đang cố gắng biến chúng thành những không gian làm việc chung cho các nghệ sĩ hoặc công ty khởi nghiệp địa phương”, Matsumoto chia sẻ.
Ngôi làng này nằm trong chương trình hỗ trợ phục hồi do chính phủ Nhật Bản triển khai sau thảm họa, trong đó chi phí giáo dục trẻ em bao gồm học phí, sẽ được đài thọ hoàn toàn.
Thế nhưng, nỗi sợ bị nhiễm chất phóng xạ vẫn khiến nhiều người dân không quay trở lại ngôi làng.
“Tôi đã nói chuyện với các nhà khoa học, và tôi nghĩ ở đây an toàn. Tuy nhiên, mỗi người đều có quyết định riêng của mình”, Matsumoto cho biết thêm.
Khát vọng xây dựng lại vùng đất này vẫn rất mạnh mẽ, cho dù nó thường xuyên phải hứng chịu thiên tai trong hàng nghìn năm qua như núi lửa, sóng thần, động đất, chiến tranh và nạn đói. Thế nhưng, trận động đất, sóng thần thảm khốc này và kéo theo sau đó là rò rỉ phóng xạ hạt nhân ở vùng Tohoku không giống bất kỳ với thảm họa nào từng xảy ra ở Nhật Bản. Do đó, nỗ lực đưa khu vực này trở lại trạng thái bình thường là vô cùng khó khăn, đối với cả chính phủ và người dân Nhật Bản.