Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tội ác không thể ngăn chặn trên livestream

Cái chết đang trở thành nội dung của nhiều đoạn livestream. Các nền tảng mạng xã hội vẫn bất lực với việc kiểm soát và kiểm duyệt các video tiêu cực này.

noi dung chet choc tren livestream anh 1

“Valya, em còn sống không? Em hãy nói gì đi. Trời ơi, tôi không thể cảm nhận được nhịp tim của cô ấy nữa. Các bạn ơi, tôi không bắt được mạch. Cô ấy tái nhợt và ngừng thở”, Stas Reeflay (30 tuổi) - nam YouTuber người Nga - nói với hàng chục nghìn người đang xem buổi phát trực tiếp của mình.

Trước đó, Reeflay vừa bắt ép bạn gái Valentina “Valya” Grigoryeva (28 tuổi) đi ra ngoài thời tiết giá lạnh với độc chiếc quần lót trên người. Đổi lại, anh ta được một người xem trả 1.000 USD.

Thực hiện xong thử thách, Reeflay kéo Grigoryeva đang lạnh cóng từ cửa lên ghế bành và đắp chăn cho cô. Sự phẫn nộ lên đến đỉnh điểm khi nam YouTuber vẫn thản nhiên livestream tiếp dù nhận thức được tính mạng bạn gái đang bị đe dọa. Một lúc sau, Reeflay mới lay gọi người yêu.

noi dung chet choc tren livestream anh 2
YouTuber Nga bị bắt vì livestream cảnh bạn gái qua đời. Ảnh: NY Post.

Cuối cùng, Grigoryeva qua đời do bị hạ thân nhiệt đột ngột, còn Reeflay bị bắt giữ ngay sau đó.

Nam YouTuber này thường xuyên nhận tiền quyên góp từ fan để thực hiện những hành động kỳ quặc, man rợ. Trong buổi livestream trước đó, người này thậm chí xịt bình hơi cay liên tục vào người bạn gái.

Vụ việc khiến cộng đồng mạng bàng hoàng về cách hành xử độc ác của người đàn ông.

Song song, người dùng đặt câu hỏi lớn về việc trách nhiệm của các nền tảng Facebook, YouTube ở đâu khi đây không phải lần đầu tiên, cái chết của một ai đó được phát trực tiếp trên mạng xã hội, với hàng nghìn người dõi theo nó.

Cái chết nhiều lần xuất hiện trên livestream

Chưa đầy 3 tháng trước, vụ việc Lạp Mẫu, vlogger người dân tộc Tạng ở châu tự trị Ngawa (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) bị chồng cũ thiêu sống khi livestream cũng gây rúng động dư luận Trung Quốc và nhiều nước châu Á.

Hôm 14/9, Lạp Mẫu đang trò chuyện với người hâm mộ qua hình thức phát sóng trực tiếp thì chồng cũ bất ngờ xông vào nhà. Những gì diễn ra trong vài phút ngắn ngủi sau đó khiến người xem không tin vào mắt mình.

Gã đàn ông tưới xăng lên người Lạp Mẫu, châm lửa đốt. Trước khi bỏ đi, chồng cũ còn tiếp tục đâm cô nhiều nhát.

Theo một số trang tin, Lạp Mẫu bị thiêu sống trong 3 tiếng mới được hàng xóm phát hiện, tiến hành dập lửa và đưa đi cấp cứu. Người phụ nữ 31 tuổi bị bỏng đến 90% cơ thể. Cô không qua khỏi sau 16 ngày điều trị.

noi dung chet choc tren livestream anh 3
Lạp Mẫu qua đời ở tuổi 31 sau khi bị chồng cũ tẩm xăng thiêu sống. Bi kịch xảy ra lúc cô đang livestream trò chuyện với người hâm mộ. Ảnh: Sixth Tone.

Tháng 6/2016, Antonio Perkins đang livestream cảnh mình và nhóm bạn đứng trước dãy nhà ở khu West Side tại Chicago (Mỹ) thì một kẻ tấn công không rõ danh tính bất ngờ nổ súng. Đoạn video ghi lại cái chết của Perkins có hàng nghìn lượt chia sẻ trước khi bị xóa.

Tháng 8/2016, VĐV Armin Schmieder (Italy) mất mạng vì mạo hiểm nhảy từ đỉnh núi cao 3.000 m ở Thụy Sĩ. Trước khi thực hiện cú nhảy, Schmieder mở tính năng phát video trực tiếp trên Facebook.

Toàn bộ quá trình từ trước lúc cất cánh đến cú tiếp đất kinh hoàng đều được quay lại. Hình ảnh từ video cho thấy Armin đã chuẩn bị sẵn sàng trước khi cất cánh. Anh còn hào hứng nói: "Hôm nay, các bạn tận hưởng cảm giác bay cùng tôi nhé".

Thế nhưng, chỉ vài phút sau đó, người xem nghe thấy một tiếng hét thất thanh cùng tiếng va đập mạnh.

Đến tháng 12 cùng năm, cảnh tượng chàng trai tên Anthony Stanford II (Mỹ) chết sau khi trúng đạn khi tham dự bữa tiệc tối ở Cleveland (Ohio, Mỹ) xuất hiện trên sóng livestream. Steven Leannais, bạn của nạn nhân, nghịch một khẩu súng, đảm bảo rằng súng đã tháo đạn và giả vờ bắn vào người Stanford.

noi dung chet choc tren livestream anh 4

Trong khi Facebook đang gặp bất lực trong quá trình kiểm duyệt các video phản cảm, bạo lực, thì với tính năng livestream, việc kiểm soát còn khó hơn rất nhiều. Ảnh: NY Post.

Cái chết của Lạp Mẫu hay Grigoryeva, Schmieder được nhiều người chứng kiến qua màn hình có thể coi là nằm ngoài chủ ý phát sóng ban đầu, song không thiếu trường hợp người dùng lựa chọn chia sẻ trực tiếp cảnh tự kết liễu cuộc đời lên mạng xã hội.

Tháng 12/2016, cô bé 12 tuổi Katelyn Nicole Davis ở bang Georgia (Mỹ) phát trực tiếp cảnh tự treo cổ bên ngoài ngôi nhà, sau khi tố cáo một người họ hàng quấy rối tình dục.

Sau khi Davis ngưng thở, đoạn livestream vẫn tiếp tục kéo dài thêm 20 phút nữa. Video ghi lại toàn bộ quá trình sau đó được chia sẻ rộng rãi.

Tháng 1/2017, diễn viên Frederick Jay Bowdy (33 tuổi) phát trực tiếp cảnh mình tự tử bằng súng. Anh ngồi trong xe hơi, quay livestream trên trang cá nhân và thông báo với người hâm mộ rằng anh sắp tự kết thúc cuộc đời.

Một người thân trong gia đình kịp thời phát hiện nhưng khi cảnh sát đến nơi, Bowdy đã tự bắn vào đầu.

noi dung chet choc tren livestream anh 5

Nội dung chết chóc xuất hiện trên livestream không lâu sau khi tính năng này được đưa vào sử dụng.

Facebook, YouTube chịu thua livestream phản cảm?

Tính năng Live được Facebook giới thiệu lần đầu tiên vào đầu tháng 12/2015, cho phép người dùng phát sóng trực tiếp video quay lại môi trường xung quanh. Không lâu sau đó, những mặt tối của tính năng này xuất hiện.

Hai năm sau đó, câu chuyện tương tự lặp lại với YouTube khi nền tảng này mở livestream cho người dùng nếu có 10.000 người đăng ký.

Sau khi thông tin nam YouTuber người Nga livestream cảnh bạn gái qua đời lan truyền, đại diện của YouTube cho biết họ rất sốc khi biết về vụ việc thương tâm.

"Loại nội dung phản cảm này không nên được xuất hiện trên Internet. Chúng tôi đã nhanh chóng xóa video về buổi livestream trên và gỡ bỏ tài khoản có liên quan”, phía YouTube thông báo.

Tuy nhiên, xóa video hay tài khoản phát sóng chỉ là động thái muộn màng khi “sự đã rồi”.

Hàng loạt các vụ livestream cảnh xả súng, khủng bố, giết người, khiêu dâm khi bị phát hiện đều đã lan truyền mạnh mẽ tới hàng trăm nghìn người dùng. Đáng nói, trẻ em hoàn toàn có thể truy cập xem các video này dễ dàng.

noi dung chet choc tren livestream anh 6
Cái chết cũng trở thành nội dung trong không ít đoạn livestream từng xuất hiện trên mạng. Ảnh: BBC.

Các video có tính chất tiêu cực nhắm vào trẻ em như Thử thách Momo có nội dung dạy trẻ tự tử đã tồn tại nhiều tháng trước khi bị gỡ khỏi YouTube. Thậm chí trong thời gian đó, cá nhân đăng tải còn có thể kiếm tiền thông qua lượt xem.

Hồi chuông cảnh báo những hình thức bạo lực tồn tại tràn lan trên Internet đã được gióng lên từ lâu. Song, thực tế là các nền tảng có đông người sử dụng nhất vẫn bất lực trong việc ngăn chặn.

Vấn đề kiểm duyệt vốn bộc lộ nhiều lỗ hổng trong các bài đăng, hình ảnh, đến những video livestream, khả năng khó kiểm soát càng lộ rõ.

Khi người dùng tải tệp tin lên một nền tảng, công nghệ có thể giúp kiểm tra nhằm đảm bảo file đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng (không chứa nội dung bạo lực, tình dục, hành vi phạm tội...) và gỡ xuống nếu vi phạm điều khoản. Thế nhưng, việc phát trực tiếp khó kiểm soát hơn nhiều.

Theo Rasty Turek - CEO của nền tảng phân tích video Pex, bắt kịp các video livestream khi chúng diễn ra gần như không thể bởi nội dung trong các luồng phát trực tiếp liên tục thay đổi. Trong khi đó, người dùng mạng lại không có quyền kiểm soát lập tức nội dung nào xuất hiện trong nguồn cấp dữ liệu của họ.

Đó là lý do livestream là lĩnh vực rủi ro cao đối với YouTube và Facebook.

Dù cả hai “ông lớn” đều từng nói sẽ cố gắng sửa chữa tình hình và tuyên bố đã thuê thêm hàng nghìn nhân viên kiểm duyệt nội dung, YouTube và Facebook vẫn đang lệ thuộc vào thuật toán vốn chưa hoàn hảo lẫn ý thức báo cáo nội dung của người dùng.

Tuy nhiên, chức năng báo cáo nội dung "bẩn" cũng không giúp ích gì hơn khi phần lớn trường hợp đều ở dạng “đang chờ giải quyết”, cho thấy các mạng xã hội không phản ứng kịp thời.

Trong vụ việc của cô bé Katelyn Nicole Davis, Kenny Dodd, cảnh sát trưởng hạt Polk - nơi nạn nhân sinh sống, cho biết văn phòng của ông nhận hàng loạt cuộc gọi đến thông báo vụ việc.

"Chúng tôi muốn gỡ video xuống vì nó có thể gây hại đến những đứa trẻ khác. Song, cảnh sát không có thẩm quyền can thiệp với các mạng xã hội và chỉ có thể yêu cầu các trang web gỡ đoạn video", ông cho hay.

Lớp học bị chỉ trích vì dạy phụ nữ lấy tiền đàn ông ở Trung Quốc

Dù vấp phải chỉ trích dữ dội, những nơi dạy phụ nữ cách moi tiền, kiểm soát đàn ông vẫn nở rộ ở Trung Quốc nhiều năm qua.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm