Mới đây bộ phim Mouse lên sóng khiến khán giả ám ảnh bởi những tình tiết được xây dựng từ vụ án có thật gây chấn động dư luận Hàn. Trước đó, nhiều phim điện ảnh Hàn cũng từng xây dựng kịch bản dựa trên những tội ác có thật.
I Can Speak (2017)
I Can Speak được xây dựng từ câu chuyện có thật của một nô lệ tình dục thời chiến. Ảnh: Lotte. |
Trong bộ phim I Can Speak, Na Ok Boon (Na Moon Hee) là một bà lão khó chiều, thường xuyên tìm cậu nhân viên công vụ Park Min Jae (Lee Je Hoon) để sinh sự. Sau nhiều tình huống hài hước, bà Ok Boon nhờ Min Jae dạy mình tiếng Anh. Từ chối chẳng đành, anh đã nhận lời giúp đỡ bà.
Bộ phim gây bất ngờ khi tiết lộ mục đích học tiếng của Na Ok Boon. Bà từng bị phát xít Nhật bắt làm nô lệ tình dục thời Thế Chiến II. Ok Boon muốn học tiếng Anh để ra làm chứng trước tòa quốc tế, đòi lại công bằng cho bản thân và những người phụ nữ giống mình.
Kịch bản I Can Speak được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật về bà Lee Yong Su, một nô lệ tình dục trong chiến tranh. Năm 2007, bà đã ra làm chứng tại phiên điều trần của Hạ viện Mỹ trước khi các nghị sĩ bỏ phiếu thông qua Nghị quyết 121.
Nghị quyết 121 buộc Nhật Bản thừa nhận, xin lỗi và nhận trách nhiệm về hành vi bóc lột tình dục phụ nữ của binh lính nước này thời Thế chiến II.
1987: When the Day Comes (2017)
1987: When the Day Comes thắng giải Phim xuất sắc tại lễ trao Giải Rồng xanh lần thứ 39. Ảnh: CJ. |
Trong thập niên 1980, tại Hàn Quốc, rất nhiều sinh viên đại học bắt đầu các hoạt động biểu tình chống chế độ độc tài Chun Doo Hwan. Mâu thuẫn trong xã hội gia tăng sau vụ thảm sát người biểu tình tại Gwangju năm 1980 và bùng nổ từ năm 1987 sau sự việc sinh viên Park Jong Chul thiệt mạng vì bị cảnh sát giam giữ và tra tấn.
1987: When the Day Comes là một lát cắt của lịch sử dưới góc nhìn điện ảnh. Phim xoay quanh hành trình làm sáng tỏ vụ sát hại Park Jong Chul và những hệ quả mà cái chết oan khuất ấy gây ra với xã hội Hàn Quốc đương đại.
Tác phẩm phát hành đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày phong trào Khởi nghĩa dân chủ Tháng sáu nổ ra tại Hàn Quốc. Theo chia sẻ của đạo diễn Jang Joon Hwan, ông muốn dùng bộ phim của mình để kể ca ngợi những con người bình dị cùng sát cánh để viết nên trang sử mới cho chính họ và dân tộc Hàn Quốc. Đó là điều khiến họ trở nên phi thường.
Hope (2013)
Đạo diễn Lee Joon Ik chia sẻ Hope thể hiện sự sẻ chia của ông với nạn nhân của tội phạm tình dục. Ảnh: Lotte. |
Tháng 12/2008, bé gái 8 tuổi (được truyền thông gọi bằng tên giả) Nayoung bị bắt cóc trên đường về nhà bởi Cho Doo Soon, một người đàn ông 57 tuổi. Cho Doo Soon đã đánh đập và cưỡng bức cô bé trong một nhà vệ sinh công cộng và bỏ mặc em giữa cơn nguy kịch.
Nayoung may mắn sống sót và mang nhiều thương tật vĩnh viễn. Cho Doo Soon bị xử 12 năm tù giam nhưng đã mãn hạn vào tháng 12/2020. Hắn trở về nhà cũ, cách không xa nơi ở của gia đình Nayoung, và tiếp tục bị quản thúc trong 20 năm tới.
Vụ trọng án đã được kể lại trên màn ảnh trong Hope. Dù mang thông điệp tươi sáng về tình yêu và khát vọng sống, phim vẫn lấy đi nước mắt khán giả vì những phân cảnh mô tả nỗi đau mà nữ chính và gia đình em phải trải qua.
Voice of a Murderer (2007)
Khán giả đã biết trước cái kết của Voice of a Murderer. Ảnh: CJ. |
Ngày 29/1/1991, bé Lee Hyung Ho, 9 tuổi, đã bị bắt cóc để đòi tiền chuộc. Trong khoảng thời gian 44 ngày con trai bị bọn bắt cóc giam giữ, bố mẹ của Lee đã tìm cách thương lượng với bọn tội phạm về khoản tiền chuộc 70 triệu won.
Tuy nhiên, họ mất dấu những kẻ bắt cóc sau khi thi thể của Lee Hyung Ho được tìm thấy trong một con mương gần nhà ở Apgujeong. Khám nghiệm tử thi cho những kẻ bắt cóc đã giết em ngay sau khi bắt được. Đây là một trong những vụ án chưa có lời giải nổi tiếng nhất Hàn Quốc. Vụ án hết hiệu lực truy tố tháng 1/2006, một năm trước khi Voice of a Murderer (2007) phát hành.
Sự nổi tiếng của vụ án khiến nhiều khán giả đều biết rõ kết cục bi thảm của phim trước khi ra mắt. Nhưng, số phận bi thảm của người con càng khiến nỗ lực trong tuyệt vọng của ông bố bà mẹ trên màn ảnh thêm phần ám ảnh với người xem.
Memories of a Murder (2003)
Memories of a Murder là tác phẩm điện ảnh thứ hai trong sự nghiệp đạo diễn của Bong Joon Ho. Ảnh: CJ. |
Trong khoảng thời gian từ tháng 10/1986 tới tháng 4/1991, tại vùng Hwaseong, Hàn Quốc đã xảy ra liên tiếp ít nhất 10 vụ giết người dã man nhắm vào nữ giới ở nhiều độ tuổi. Trọng án được biết đến với tên gọi "Vụ giết người hàng loạt tại Hwaseong".
Do hạn chế trong nghiệp vụ và kỹ thuật điều tra, tại thời điểm các vụ án xảy ra, cảnh sát Hàn Quốc không thể tìm ra thủ phạm.
Tháng 9/2019, vụ giết người hàng loạt có tình tiết mới khi Cơ quan Cảnh sát tỉnh Gyeonggi Nambu cho biết, nhờ xét nghiệm DNA, họ đã khoanh vùng nghi phạm đối với một tù nhân ở độ tuổi 50.
Tới tháng 10/2019, cảnh sát Hàn Quốc công bố nghi phạm đã thừa nhận mình là thủ phạm của 10 vụ giết người tại Hwaseong và thêm bốn án mạng tại các địa phương khác.
Bộ phim Memories of a Murder của Bong Joon Ho được xây dựng dựa trên những tình tiết chính của vụ giết người hàng loạt trên kết hợp với cốt truyện của vở kịch Come to See Me của nhà viết kịch Kim Kwang Rim. Phim ghi dấu ấn diễn xuất của hai nam diễn viên Song Kang Ho và Kim Sang Kyung.
Năm 2016, Memories of a Murder được biên kịch Kim Eun Hee phóng tác thành phim truyền hình Signal. Thủ vai nữ chính trong series là minh tinh Kim Hye Soo.