Theo bảng xếp hạng toàn cầu tháng 6 mới được SpeedTest công bố, Việt Nam đã tụt 1 bậc ở hạng mục tốc độ Internet băng rộng. Trên cả 2 bảng xếp hạng là Internet băng rộng và Internet di động, Việt Nam đều được xếp hạng 60.
Tốc độ Internet di động và băng rộng của Việt Nam đều xếp thứ 60 trong bảng xếp hạng của SpeedTest. |
Cụ thể, tốc độ tải xuống mạng di động trung bình của Việt Nam theo SpeedTest là 33,12 Mbps, còn tốc độ tải lên là 18,02 Mbps. Cả hai thông số tăng nhẹ so với tháng trước, nhưng không đủ để tăng hạng. Trong khi đó, tốc độ tải lên và tải xuống ở mạng băng rộng cũng tăng so với con số tháng 5, nhưng vẫn khiến Việt Nam tụt hạng.
So sánh với con số trung bình của thế giới, tốc độ tải xuống mạng băng rộng của Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với con số trung bình (78,26 Mbps). Mạng di động cũng thấp hơn trung bình (34,67 Mbps) nhưng chênh lệch không quá lớn. Điểm cộng là tốc độ tải lên và độ trễ của Internet tại Việt Nam đều tốt hơn mức trung bình.
Theo bảng xếp hạng của SpeedTest, Hàn Quốc là nước được đánh giá cao nhất về Internet di động với tốc độ tải xuống trung bình 110,10 Mbps. Ở mảng băng rộng cố định, Singapore dẫn đầu với tốc độ tải xuống 208,16 Mbps.
SpeedTest của Ookla là công cụ đo tốc độ Internet phổ biến tại Việt Nam. Đây là công cụ đơn giản nhất để kiểm tra Internet của bạn nhanh đến đâu. Tùy theo nhà cung cấp dịch vụ, gói cước đăng ký mà tốc độ tải xuống (download) và tải lên (upload) bị giới hạn ở một mức nhất định.
Xếp hạng Internet băng rộng tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng do các sự cố cáp quang liên tiếp diễn ra vào tháng 4 và tháng 5. Cụ thể, hai tuyến cáp quang biển quốc tế tại Việt Nam là AAG và APG gặp sự cố trong tháng 4 và tháng 5, sau đó tuyến Asia Africa Europe 1 (AAE-1) cũng gặp vấn đề vào ngày 3/6. Các tuyến cáp đã sửa chữa xong trong tháng 6.
Tuyến cáp quang SJC2 đã hoàn thành kéo cáp tại Quy Nhơn từ tháng 8/2019. Ảnh: VNPT. |
Dự kiến năm 2021 Việt Nam sẽ có thêm tuyến cáp quang SJC2 với dung lượng tới 126 Tbps. Tuyến cáp quang mới dự kiến đi qua các quốc gia gồm Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tổng chiều dài của SJC2 là 10.500 km, với 10 điểm cập bờ. Tại Việt Nam, điểm cập bờ tại thành phố Quy Nhơn, hiện đã hoàn thành việc thi công kéo cáp từ tháng 8/2019
Tuyến cáp này có kinh phí đầu tư khoảng 439 triệu USD, có phần đóng góp của nhiều công ty lớn lớn trong ngành viễn thông. Nhà mạng Việt Nam tham gia dự án này là VNPT. VNPT cho biết tập đoàn này sở hữu dung lượng 9 Tbps trên tuyến cáp.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Cáp trực tiếp châu Á (ADC) mới đây đã chấp thuận NEC làm nhà phát triển chính để xây dựng tuyến cáp quang biển dài 9.400 km, nối từ Singapore tới Nhật Bản, trong đó đi qua Việt Nam. Theo ZDNet, tuyến cáp kết nối giữa Đông Nam Á và Đông Á này dự kiến hoàn thành vào quý IV/2022, với tổng băng thông lên tới 140 Tbps.
Hiện tại, tuyến cáp quang biển có băng thông cao nhất Việt Nam là APG với băng thông 54,8 Tbps. Tuyến này kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và 4 nước Đông Nam Á.