Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tốc độ đường truyền là khó khăn rất lớn khi dạy học trực tuyến

“Với 20 triệu học sinh, sinh viên, chỉ cần 2 triệu lượt truy cập cùng lúc thì rất khó để đường truyền đảm bảo được”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nói.

Chiều 6/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8. Cùng dự có nhiều lãnh đạo của các bộ, ngành.

Cuộc họp báo diễn ra ngay sau khi phiên họp Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc.

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ vaccine

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết kinh tế vĩ mô cơ bản ổn đinh, lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, an ninh lương thực được bảo đảm.

Theo ông Phương, 8 tháng qua, công tác an sinh xã hội đặc biệt được quan tâm trong bối cảnh đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Hợp tác quốc tế trong tiếp cận vaccine và thúc đẩy chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 được tăng cường. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 tiếp tục cho thấy những khó khăn, thách thức không nhỏ.

hop bao Chinh phu thuong ky thang 8 anh 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Ảnh: Tùng Hiếu.

Nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương có khu công nghiệp lớn, phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch Covid-19 nên không có đủ lực lượng lao động, hoặc phải chịu chi phí sản xuất cao để thực hiện các công đoạn cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt nhiều nhiệm vụ cho việc phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với các địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhất là tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, Thủ tướng yêu cầu thực hiện giãn cách nghiêm ngặt hơn, ưu tiên tiêm vaccine, điều trị hiệu quả để sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để lây lan, giảm thiểu tử vong, bảo đảm an sinh xã hội.

“Phấn đấu đến 15/9 cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở tất cả địa phương”, Thủ tướng nêu mục tiêu.

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải hy sinh nhiều lợi ích khi thực hiện giãn cách xã hội; các lực lượng và người dân rất vất vả, khó khăn nên phải làm thật nghiêm, thật chặt để đạt mục tiêu, để sự vất vả, hy sinh này không vô nghĩa".

Từng bước lên kịch bản phục hồi kinh tế

Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chia sẻ một số nội dung tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa kết thúc.

Người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh công tác phòng chống dịch đang được triển khai rất quyết liệt với phương châm “mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài”, “mỗi người dân là một chiến sĩ”.

Ông dẫn lời Thủ tướng để nhấn mạnh giãn cách xã hội là quyết định; thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt; điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu; vaccnie, thuốc điều trị là chiến lược; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng.

Phương châm được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”.

hop bao Chinh phu thuong ky thang 8 anh 2

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8. Ảnh: Tùng Hiếu.

Khái quát một số điểm sáng trong tình hình kinh tế, xã hội 8 tháng đầu năm, song người đứng đầu Chính phủ cho rằng còn không ít thách thức do tác động của dịch bệnh, nhiều địa phương phải kéo dài giãn cách, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng, đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn.

Chính phủ dự báo tình hình dịch trên thế giới còn phức tạp, kinh tế toàn cầu phục hồi nhưng còn rủi ro, khó khăn kéo dài. Để đạt mục tiêu phát triển, người phát ngôn Chính phủ cho biết Thủ tướng nêu rõ trước hết cần ưu tiên cao nhất cho chống dịch, đồng thời phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế trong bối cảnh đã bao phủ vaccine.

Sớm bàn kịch bản khi tiêm đủ 2 mũi vaccine

Trả lời câu hỏi liên quan đến kịch bản khi tiêm đủ 2 mũi vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đây là vấn đề Chính phủ đã chỉ đạo. Bộ Y tế sẽ bàn sớm, và trước hết sẽ bàn trong nội bộ Bộ Y tế với các nhà khoa học để đưa ra đề xuất phù hợp, sau đó tham khảo ý kiến của các bộ, ngành liên quan trước khi trình ra Chính phủ.

Về việc thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết còn một số tồn tại mà Hội đồng cấp phép kiến nghị doanh nghiệp đáp ứng, giải quyết với mong muốn sớm có vaccine trong nước.

hop bao Chinh phu thuong ky thang 8 anh 3

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: Tùng Hiếu.

Trước hết về tính an toàn, cần cập nhật dữ liệu tính an toàn cho các đối tượng đã tiêm 1 liều và giải thích rõ các sự cố.

Về tính sinh miễn dịch, cần cập nhật tính sinh miễn dịch theo các biến chủng mới, cần thực hiện theo đúng đề cương nghiên cứu.

Về tính bảo vệ, Hội đồng đề nghị bàn luận, tính toán để tính sinh miễn dịch phải đảm bảo trên 50% theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

“Vaccine là sản phẩm đặc biệt, liên quan tới cả cộng đồng và nhiều thế hệ nên chủ trương Thủ tướng và Bộ Y tế chỉ đạo là nhanh chóng nhưng cũng phải chặt chẽ, an toàn, hiệu quả”, ông Thuấn nhấn mạnh.

Nơi không có học liệu tốt thì cần dạy phụ đạo

Trả lời câu hỏi về khó khăn trong việc dạy học trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng 2 khó khăn lớn nhất là thiết bị và đường truyền.

“Với 20 triệu học sinh, sinh viên, chỉ cần 2 triệu lượt truy cập cùng lúc thì rất khó để đường truyền đảm bảo được”, ông Sơn nói.

hop bao Chinh phu thuong ky thang 8 anh 4

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Tùng Hiếu.

Vị này cho rằng phương án khác trong việc dạy và học được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là hướng dẫn các trường thực hiện, tận dụng các bài giảng điện tử, bài học điện tử để học sinh học ở nhà. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị một kho học liệu rất lớn.

Riêng với lớp 1, đã có video bài học cho môn Tiếng Việt và Tiếng Anh khá đầy đủ. Các bài giảng video cũng đã phát trên kênh truyền hình quốc gia.

Sau dịch bệnh, ông Sơn nhấn mạnh với những nơi không có học liệu tốt thì cần các giáo viên dạy phụ đạo thêm để có chất lượng tốt nhất.

Vị này nhắc lại tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không lùi năm học. Nơi nào có điều kiện thì cố gắng duy trì năm học. “Cố gắng giai đoạn này tận dụng cái gì đang có để dạy và học thật tốt”, ông nói.

"Một số địa phương sốt ruột làm ảnh hưởng lưu thông hàng hóa"

Trả lời về công tác đảm bảo lưu thông hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ chỉ đạo thường xuyên để đảm bảo kiểm soát lưu thông hàng hóa. Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT tổ chức giao ban hàng tuần với các địa phương, kiểm tra tình hình thực hiện lưu thông.

“Một số địa phương có sốt ruột nhất định, đưa ra những quy định không đảm bảo chỉ đạo thông suốt hàng hóa và lưu thông. Chúng tôi đã yêu cầu bãi bỏ”, ông Đông thông tin.

hop bao Chinh phu thuong ky thang 8 anh 5

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh: Tùng Hiếu.

Bộ GTVT đã ban hành 5 hướng dẫn cho 5 loại hình vận chuyển để triển khai thực hiện. Tận dụng linh hoạt và tối đa nhất các loại hình vận tải vào vận chuyển hàng hóa.

Kết quả từ việc huy động công an, quân đội hỗ trợ TP.HCM

Thông tin về những kết quả bước đầu của việc huy động công an, quân đội hỗ trợ TP.HCM chống dịch, trung tướng Tô Ân Xô (Chánh Văn phòng Bộ Công an) cho rằng sự hiện diện của quân đội, công an khi vào tham gia chống dịch đã quá rõ ràng.

“Dịch bệnh ở tình trạng cấp bách, các lực lượng tại chỗ đã cố gắng hết mức cũng không thể đáp ứng được, nên Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã điều động lực lượng vào hỗ trợ”, trung tướng Tô Ân Xô nói.

Với Bộ Công an, ông cho biết kể từ đợt dịch lần thứ tư đến nay, công an các địa phương phía nam đã huy động tối đa quân số tham gia chống dịch với trên 200.000 chiến sĩ công an, tham gia trên tất cả trận tuyến.

“Rất nhiều cán bộ chiến sĩ, nhiều đơn vị 3 tháng nay không nghỉ ngơi”, ông Xô chia sẻ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía nam chống dịch, Bộ Công an đã điều động hơn 5.000 cán bộ chiến sĩ và hơn 2.500 học viên các trường công an tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ nhân dân và hơn 600 cán bộ y tế công an tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM và các tỉnh phía nam.

hop bao Chinh phu thuong ky thang 8 anh 6

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an. Ảnh: Tùng Hiếu.

Sáng 6/9, hơn 900 cán bộ chiến sĩ công an, các lực lượng đã vào hỗ trợ cho 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An chống dịch, xuất phát từ đề nghị của các địa phương.

“Sự hiện diện của công an trên các lĩnh vực đã rõ, hiệu quả thì để nhân dân và các cấp ủy, chính quyền đánh giá. Còn công an nỗ lực hết mình, làm mọi việc để ngăn chặn dịch bệnh và đảm bảo an ninh trật tự cho cuộc sống của người dân sau khi dịch giảm đi”, người phát ngôn Bộ Công an chia sẻ.

Ông cho biết Bộ Công an đã nhìn thấy các khả năng tiềm ẩn nên đã triển khai các kế hoạch, điều động chiến sĩ vào phía nam hỗ trợ dập dịch.

Nói thêm về việc này, thiếu tướng Nguyễn Văn Đức (Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng) cho biết trước diễn biến dịch phức tạp ở TP.HCM và các tỉnh phía nam, Bộ Quốc phòng đã điều động trên 120.000 cán bộ chiến sĩ và dân quân tự vệ để tăng cường hỗ trợ cho TP.HCM và các tỉnh phía nam, với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất cùng các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng duy trì hàng nghìn tổ chốt, trong đó có 1.900 tổ chốt kiểm soát ở tuyến biên giới để kiểm soát xuất nhập cảnh trái phép, duy trì hàng nghìn chốt trong nội địa để tổ chức tuần tra, kiểm soát, làm nhiệm vụ phục vụ việc cách ly tập trung ở các khu phong tỏa, góp phần thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, hạn chế người ra đường làm lây lan dịch bệnh…

hop bao Chinh phu thuong ky thang 8 anh 7

Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng. Ảnh: Tùng Hiếu.

Bộ Quốc phòng cũng triển khai 190 khu cách ly tập trung, các đơn vị đã nhường doanh trại đảm bảo việc ăn ở cho 190.000 lượt người; kịp thời điều động hàng nghìn y bác sĩ, kỹ thuật viên; điều động 600 tấn vật tư trang thiết bị y tế, thuốc men chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía nam.

Bộ đã thành lập 11 bệnh viện dã chiến và truyền nhiễm và trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô khoảng trên 6.000 giường bệnh để chia sẻ, hỗ trợ, giảm áp lực cho hệ thống y tế của địa phương.

Thủ tướng: Nhanh kiểm soát dịch, xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.

Hoài Thu - Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm