Đầu 2016, Việt Nam chính thức triển khai mạng 4G trong khi công nghệ này đã xuất hiện từ lâu tại nhiều nước trên thế giới. Theo báo cáo của 4Gamericas, hiện có khoảng 442 nhà mạng trên thế giới khai thác thương mại công nghệ LTE tại 147 quốc gia. Trong đó, 104 nhà mạng đã triển khai công nghệ LTE- Advanced tại 51 nước. Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế của người đi sau khi nhà mạng có thể lên thẳng LTE-A (LTE Advanced) tốc độ cao để không bị tụt hậu so với các nước.
Trong đợt thử nghiệm 4G đang tiến hành tại Vũng Tàu của Viettel, tốc độ download (trên lý thuyết) đạt 300 Mbps, tương đương với Category 6 LTE (Cat6). Đây là chuẩn LTE-A phổ biến tại nhiều nước phát triển hiện nay. Bản thân các nước này cũng triển khai công nghệ LTE-A cho tốc độ 300 Mbps chưa lâu.
Chẳng hạn, nước có mức độ phủ sóng LTE cao nhất thế giới là Hàn Quốc (97%) giới thiệu công nghệ LTE-A lần đầu tiên vào 7/2013, bởi nhà mạng SK Telecom. Tuy nhiên, tốc độ download lý thuyết khi đó chỉ đạt 150 Mbps (Cat 4). Phải đến cuối 2014, nhà mạng này mới thương mại hóa chuẩn Cat6, cho tốc độ 300 Mbps. Sau này, người ta coi việc đạt tốc độ 300 Mbps mới đạt chuẩn LTE-A.
Tốc độ download lý thuyết của chuẩn LTE-A so với LTE và 3G. |
Một số thị trường khác như Hong Kong, Singapore lần lượt giới thiệu chuẩn này lần lượt vào tháng 2 và 5/2014. NTT Docomo của Nhật phải đợi đến 3/2015 mới chính thức phủ sóng mạng 4G LTE-A đạt tốc độ download lý thuyết 300 Mbps.
Trên thực tế, việc triển khai mạng di động LTE-A tốc độ cao (còn gọi là 4G+) không quá khó khăn. Ông Thiều Phương Nam – Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho biết, việc nâng cấp 4G tốc độ cao sử dụng công nghệ ghép sóng mang (ghép 2,3 thậm chí 4 sóng mang lại với nhau để tạo ra ưu thế về tốc độ truy cập). Điều này không yêu cầu các nhà mạng phải thay đổi hoàn toàn cơ sở hạ tầng giống như việc nâng cấp từ 3G lên 4G mà chỉ cần thêm ăng-ten và cập nhật phần mềm cho phù hợp.
Số lượng smartphone hỗ trợ chuẩn LTE Cat 6 vẫn còn khiêm tốn. Ảnh: Thành Duy. |
Một trong những yếu tố quan trọng của việc phổ biến mạng di động tốc độ cao là các thiết bị di động sẵn sàng hay chưa. Chẳng hạn, hiện tại chỉ có khoảng trên dưới 30 mẫu smartphone có hỗ trợ mạng LTE Cat6, cho phép khai thác tối đa tốc độ download lên đến 300 Mbps. Đây phần lớn đều là những smartphone cao cấp, hoặc mới ra mắt trong năm 2015.
Một số sản phẩm như Samsung Galaxy Note 5, S6 Edge+, Sony Xperia Z3+, Xperia Z5 hay LG G4, G Flex 2 đã hỗ trợ chuẩn Cat9, cho tốc độ download tối đa 450 Mbps. Những smartphone ra mắt năm 2016 có thể sẽ dùng chip Snapdragon 820, hỗ trợ LTE Cat 12 với tốc độ 600 Mbps. Trên lý thuyết, 4G LTE có thể đạt tốc độ cao nhất ở mức 1 Gbps.
Một điểm cần lưu ý khác là tốc độ dowload hay upload trên lý thuyết của mạng 4G, cũng như mạng 3G trước đây khác xa với thực tế. Chẳng hạn, các nhà mạng tại Việt Nam hiện đang triển khai công nghệ 3G+ với tốc độ download về lý thuyết có thể lên đến 42 Mbps. Tuy nhiên, tốc độ 3G trung bình tại Việt Nam chỉ ở mức 1,9 Mbps, theo số liệu của Tech in Asia (tháng 6/2015).
Chuyện tương tự xảy ra với mạng 4G. Chẳng hạn, New Zealand, Singapore và Romania là top 3 nước có tốc độ download nhanh nhất thế giới cũng chỉ dừng ở mức 36 Mbps, 33 Mbps và 30 Mbps (theo số liệu từ OpenSignal, tháng 9/2015) trong khi con số trên lý thuyết lên đến vài trăm Mbps.
Cũng theo OpenSignal, những nước phổ cập 4G LTE sớm nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đức và Thụy Điển đều có tốc độ mạng di động trung bình ở mức thấp bởi thông thường, những nước chậm chân sẽ có lợi thế lớn bởi họ áp dụng công nghệ tiên tiến hơn.
Với người dùng Việt Nam, họ phải đợi đến khi các nhà mạng chính thức triển khai mạng 4G trong nước để xác định xem tốc độ Internet di động được cải thiện ra sao so với thời dùng 3G. Điểm được các nhà mạng và nhiều chuyên gia lĩnh vực mạng di động khẳng định, giá cước 4G tại Việt Nam sẽ không cao hơn so với 3G.