Toàn cầu hóa - khái niệm giải thích cho sự kết nối của các quốc gia - từ lâu đã bị những người theo chủ nghĩa dân túy, khủng bố, chiến tranh thương mại và các nhà hoạt động môi trường tấn công.
Giờ đây đến lượt virus corona mới. New York Times, dẫn lời các nhà phân tích và chuyên gia, cho rằng dịch bệnh này có thể là thời điểm quyết định trong các cuộc tranh luận về mức độ hội nhập của thế giới.
Tiếp viên hàng không trên một chiếc máy bay đi Thượng Hải tại sân bay Suvarnabhumi, Bangkok hôm 24/2. Ảnh: AFP. |
Đe dọa quá trình toàn cầu hóa
Ngay cả trước khi virus Covid-19 lan đến châu Âu, biến đổi khí hậu, các mối lo ngại về an ninh và thương mại không công bằng đã làm gia tăng sự lo lắng về ngành hàng không và chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu. Người ta cũng càng nghi ngờ mức độ tin cậy của Trung Quốc trong tư cách một đối tác quan trọng của quá trình này.
Virus Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào các nền kinh tế vốn đang chậm lại. Dịch bệnh này cũng thúc đẩy những lời kêu gọi nhuốm màu phân biệt chủng tộc và bài ngoại của những người theo chủ nghĩa dân túy. Họ muốn kiểm soát chặt chẽ người di cư, khách du lịch và thậm chí các tập đoàn đa quốc gia.
Dịch bệnh này không giống những thách thức về chính trị hay ý thức hệ của toàn cầu hóa.
“Chúng ta luôn quên rằng chúng ta chịu sự kiểm soát của thiên nhiên. Và khi vượt qua biến cố, chúng ta quên đi và tiếp tục sống”, ông Ivan Vejvoda, một học giả của Viện Khoa học Con người ở Vienna nói. “Tuy nhiên, loại virus này khiến chúng ta đặt câu hỏi về sự kết nối của thế giới. Ngành hàng không, chuỗi cung ứng toàn cầu - tất cả đều liên quan tới nhau”.
Một nhà máy sản xuất lốp xe ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Khi dịch Covid-19 lan sang châu Âu và những nơi khác, nó khiến Trung Quốc có vẻ mong manh hơn một chút và việc phụ thuộc vào Trung Quốc - công xưởng của thế giới - không có lợi, theo ông Vejvoda.
“Việc virus từ châu Á lây lan nhanh chóng đã đặt thêm áp lực lên quá trình toàn cầu hóa”, ông Robin Niblett, giám đốc của trung tâm nghiên cứu Chatham House ở London nói với New York Times.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như lo ngại về biến đổi khí hậu đã khiến người ta nghi ngờ về ý nghĩa và chi phí của việc vận chuyển các bộ phận từ quốc gia này sang quốc gia khác và khả năng đánh thuế carbon ở biên giới.
“Cùng với một chuỗi cung ứng có nguy cơ dễ bị tấn công bởi dịch bệnh tiếp theo như Covid-19, nếu là một doanh nghiệp bạn phải suy nghĩ kỹ về việc chịu những rủi ro này”, ông Niblett lưu ý.
Đặc biệt là bây giờ, nhiều quốc gia sử dụng các biện pháp trừng phạt và mối quan hệ tương thuộc về kinh tế “như một hình thức ngoại giao cưỡng chế mới. Nó càng làm tăng thêm rủi ro đối với toàn cầu hóa”, ông Niblett nói.
Toàn cầu hóa bệnh tật không phải là một thứ mới mẻ, ông Guntram Wolff, giám đốc của Bruegel, một tổ chức nghiên cứu kinh tế tại Brussels nói.
“Thứ khác biệt ở đây là máy bay có thể khiến dịch bệnh lan ra nhanh chóng”, ông Wolff nói. Khi có dịch bệnh, chúng ta ngay lập tức thu mình và dựng các rào cản. “Chúng ta đã thấy số lượng chuyến bay giảm đáng kể”.
Chuỗi cung ứng mất cân bằng
Theo một cách nào đó, dịch bệnh này làm nổi bật sự mất cân bằng trong quá trình toàn cầu hóa.
Chuỗi cung ứng của công ty tư nhân đã trở nên rất hiệu quả. Các chuyến bay có thể đến bất kỳ nơi nào bất kể ngày đêm. Vì vậy, các công ty tư nhân di chuyển gần như khắp thế giới.
Tuy nhiên, phản ứng của chính phủ thường yếu ớt và vô tổ chức - cho dù về biến đổi khí hậu, y tế hay thương mại. Và những nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh cộng đồng toàn cầu luôn bị những người theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy xem là sự xâm phạm chủ quyền.
Quang cảnh Thượng Hải vào ngày 25/2. Ảnh: AFP. |
Các chính phủ cũng không thể làm gì nhiều để chuỗi cung ứng hoạt động. Rất ít chính phủ châu Âu có đủ tiềm lực tài chính để bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Bà Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Nga, châu Âu và châu Á đồng ý rằng phần lớn sự phản kháng ở thời điểm hiện tại nhắm vào Trung Quốc.
Bà vừa trở về từ Milan. Tại đây, các quan chức kiểm tra nhiệt độ của khách du lịch, các bác sĩ cẩn thận khi khám bệnh và người dân địa phương rõ ràng đang giữ khoảng cách với khách du lịch Trung Quốc, bà nói với New York Times.
“Tăng trưởng của Trung Quốc là một câu chuyện dài và tươi đẹp nhưng bây giờ chúng ta phải quay lại mặt đất”, bà Fallon nói. “Dịch bệnh này như một sự kiện bất ngờ cho thấy rõ sự khác biệt của Trung Quốc”.
Nhiều công ty đã suy nghĩ lại về việc “đầu tư tất cả vào Trung Quốc”, bà Fallon chia sẻ, “đặc biệt là khi hy vọng Trung Quốc trở nên giống phương Tây đang mờ dần”.
“Cuộc khủng hoảng niềm tin vào Trung Quốc không chỉ dừng lại ở khả năng đối phó với dịch bệnh của quốc gia này”, ông Simon Tilford, giám đốc của Diễn đàn Kinh tế mới, một tổ chức nghiên cứu tại Berlin cho biết.
“Thiếu niềm tin sẽ chỉ củng cố xu hướng hiện có của các doanh nghiệp là giảm bớt sự phụ thuộc và rủi ro”, ông Tilford nói thêm.
Tuy nhiên, việc virus lan sang châu Âu cũng sẽ có tác động đáng kể đến chính trị như thúc đẩy phong trào chống người nhập cư, chống toàn cầu hóa, ông Tilford cho biết.
“Chúng ta đã thấy những người theo chủ nghĩa dân túy lo rằng toàn cầu hóa chỉ mang lại lợi ích cho các công ty đa quốc gia, giới thượng lưu và người nước ngoài chứ không phải người dân địa phương và các công ty địa phương”, ông nói.
Các chính trị gia luôn đòi kiểm soát biên giới và người nhập cư sẽ được lợi trong dịch bệnh này, ngay cả khi virus có thể dễ dàng vượt qua biên giới.
Người dân đeo khẩu trang ở Milan sau khi Italy phát hiện nhiều ca nhiễm virus corona. Ảnh: New York Times. |
“Lập luận của họ là hệ thống hiện tại không chỉ phải đối mặt với các mối đe dọa về kinh tế mà còn về sức khỏe và an ninh. Đây là những vấn đề sống còn và chúng ta không thể mở cửa chỉ để làm hài lòng doanh nghiệp lớn”, ông Tilford nói.
Lập luận đó có thể thu hút các cử tri “ghét sự phân biệt chủng tộc nhưng sợ mất kiểm soát và sợ có một hệ thống dễ bị tổn thương trước một nơi xa xôi khác trên thế giới", ông nói thêm.
Virus thúc đẩy phân biệt chủng tộc
Tất cả đều đồng ý rằng virus có tác động một cách tế nhị đến vấn đề chủng tộc.
“Mọi thứ sẽ khác khi nó xảy ra ở nơi bạn sống và với những người như bạn”, ông Stefano Stefanini, một cựu nhà ngoại giao người Italy nói. “Khi nó xảy ra ở Đan Mạch, Tây Ban Nha hoặc Italy, bạn có cảm giác rằng điều đó xảy ra giữa những người có cùng lối sống. Vì vậy bạn có thể thấy điều đó xảy ra với mình”.
Tuy nhiên, dịch bệnh này cũng khiến mọi người thể hiện thái độ thù địch họ luôn cảm nhận nhưng không nói ra với người Trung Quốc, ông Tilford nói. “Có nỗi sợ người Trung Quốc ngầm ở châu Âu và Mỹ vì Trung Quốc đại diện cho thách thức đối với bá quyền của phương Tây”, ông nói thêm.
Nỗi sợ hãi đó đang được khơi dậy bởi chiến dịch chống lại công ty viễn thông Trung Quốc Huawei của chính quyền ông Trump.
Nhiều người Trung Quốc đang sống hoặc đi du lịch ở phương Tây đã lên tiếng về sự gia tăng thấy rõ của thái độ kì thị và tránh né ở những nơi công cộng.
Các phương tiện truyền thông cũng có chung cảm giác về khoảng cách văn hóa và sự khác biệt, ông Stefanini và ông Tilford nói.
Ông Stefanini kể với New York Times các cuộc tranh luận trong Bộ Ngoại giao Italy về việc có nên gửi tin nhắn chia buồn với các quốc gia khác hay tùy thuộc vào số người chết và địa điểm chúng xảy ra.
“Các sự kiện ở Australia được đưa tin khắp nơi. Nhưng lũ lụt và hàng loạt cái chết ở Bangladesh hầu như không được nhắc tới", ông Tilford chỉ ra. “Dịch bệnh ở Trung Quốc nghe có vẻ xa xôi về mặt địa lý và văn hóa với những người phân biệt chủng tộc, như thể chúng ta đo lường tổn thất nhân mạng theo cách khác”.
Nhà xã hội học người Italy Ilvo Diamanti có mối quan tâm triết học hơn. Dịch bệnh lan sang Italy “đã khiến người ta nghi ngờ về sự chắc chắn của các hệ thống phòng thủ khi đối mặt với các mối đe dọa an ninh phức tạp hơn”, ông viết trong tờ La Repubblica. “Không còn biên giới nào không thể bị xâm nhập”.
Để chống virus, “một người sẽ phải tự bảo vệ mình khỏi thế giới”, ông Diamanti viết. Bạn sẽ phải trốn ở nhà, tắt tivi, radio và mạng Internet. “Để không chết vì bị người khác lây và bản thân không trở thành kẻ làm lây lan mầm bệnh, chúng ta sẽ phải chết một mình”.
Theo ông Diamanti, điều này là một “mối nguy còn lớn hơn virus corona”.