Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Toàn cảnh vụ chìm tàu thương tâm làm 9 người chết

Nhiều nạn nhân trong vụ chìm tàu làm 9 người chết và mất tích tại biển Cần Giờ vẫn còn nguyên vẻ hoảng sợ và bật khóc khi gọi về cho người thân báo rằng mình đã may mắn thoát nạn.

Toàn cảnh vụ chìm tàu thương tâm làm 9 người chết

Nhiều nạn nhân trong vụ chìm tàu làm 9 người chết và mất tích tại biển Cần Giờ vẫn còn nguyên vẻ hoảng sợ và bật khóc khi gọi về cho người thân báo rằng mình đã may mắn thoát nạn.

Chuyến tàu định mệnh

Tối 2/8, gần 30 nhân viên công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam bước lên con tàu xuất phát tại Tiền Giang lúc 18h trực chỉ Vũng Tàu. Trong số nhân viên này, có người đi đám cưới, có người đi du lịch. Lúc tàu khởi hành, họ còn bàn tính với nhau khi tới Vũng Tàu sẽ đi tắm biển, ăn hải sản, đi chơi rất rôm rả.

Nhưng không ngờ, chuyến tàu du lịch trên đã biến thành chuyến tàu thảm họa. Khởi hành được khoảng 1 giờ đồng hồ, chiếc tàu đến khu vực Cồn Ngựa trên biển Cần Giờ thì bị nhiều cơn sóng đánh liên tiếp và lật úp giữa biển đêm mang theo bà Nông Thị Thiên, 34 tuổi, xuống lòng biển. Những người khác cố gắng nhảy xuống biển sau khi tàu lật, đã bám vào thành tàu đang trôi nổi, người sức yếu không biết bơi và phụ nữ được ưu tiên mang áo phao. Tất cả mọi người cùng bám trụ với hy vọng được cứu sống.

Một phần chiếc tàu gặp nạn nhô lên khỏi mặt nước vào sáng 3/8.

Trong số các nạn nhân chỉ có anh Nguyễn Văn Cương còn giữ được điện thoại khô ráo đã gọi cho lực lượng cứu hộ, người trong công ty, gia đình để được giúp đỡ từ nhiều hướng. Tuy nhiên, đến 22h đêm, chiếc điện thoại là “cứu tinh” duy nhất cũng hết pin và gặp sự cố do thấm nước. Mọi người chỉ còn biết cố gắng bám vào thành tàu chờ lực lượng cứu hộ.

Trong thời gian lênh đênh cùng với con tàu đã bị lật, dù trong hoàn cảnh hoạn nạn, những người trên con tàu gặp nạn vẫn tương trợ, giúp đỡ nhau với các hành động nhân ái. Đó là một thanh niên nhường lại chiếc áo phao của mình cho một phụ nữ chới với kiệt sức để rồi chính mình bị sóng cuốn trôi mất tích. Đó là những người mạnh khỏe sẵn sàng nhảy xuống biển lần nữa giữ cho tàu khỏi chìm để phụ nữ và người không biết bơi được an toàn ngồi ở phần còn lại của mũi tàu.

Suốt sáu giờ đồng hồ từ khi con tàu bị lật, các nạn nhân phải chiến đấu với từng con sóng để hy vọng được cứu. Họ bám vào thành tàu nhưng bị sóng đánh ra xa, lại bơi vào bám thành tàu, lại bị đánh ra xa, bơi vào… Cứ thế hàng chục lần bị “thủy thần” hành hạ, vài nạn nhân dần kiệt sức không bơi nổi đã bị sóng cuốn trôi đi mất, một số người không trụ được nữa đã phải buông tay rồi trôi mất tích giữa dòng nước lạnh.

Đến 1h sáng ngày 3/8, sáu giờ sau khi con tàu gặp nạn, lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được chiếc tàu chìm, vớt được 21 nạn nhân đưa đến các bệnh viện cấp cứu.

Đến sáng 3/8, những người được cứu vẫn chưa hết hoảng sợ khi nhắc lại thời khắc kinh hoàng. Có người bật khóc nức nở khi gọi điện thoại về cho gia đình báo rằng mình may mắn tai qua nạn khỏi. Có người bật khóc khi chứng kiến những đồng nghiệp của mình lần lượt ra đi mà không làm gì được.

Những giả thuyết lý giải chìm tàu

Theo các nạn nhân được cấp cứu tại bệnh viện H. Cần Giờ, thời điểm xảy ra vụ việc thì tàu ở gần khu vực Cồn Ngựa, biển Cần Giờ đang trong thời điểm sóng to gió lớn. Trong khi đó, thuyền trưởng lại cho tàu chạy song song với chiều đánh vào của sóng nên bị đánh lật.

Một số thông tin khác cho rằng tải trọng của tàu chỉ chở được khoảng 18 người trrong khi số hành khách thời điểm gặp nạn lên đến 30 người. Trên tàu lại trang bị ít áo phao nên khi xảy ra tai nạn, số áo phao không đủ cho hành khách khiến thiệt hại về người nặng nề hơn.

14 nạn nhân trong vụ chìm tàu cấp cứu tại bệnh viện H.Cần Giờ.

Con tàu xảy ra tai nạn thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vào khoảng đầu tháng 7, tàu gặp trục trặc nên Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bàn giao lại cho công ty Việt – Séc sửa chữa.  Trong khi sửa chữa tại đây, một nhân viên trong công ty đã “mượn” tàu và cho công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam thuê chở nhân viên đi Vũng Tàu và xảy ra vụ việc.

Bên cạnh đó, thời điểm xảy ra vụ việc là đêm tối, sóng to gió lớn nên dù lực lượng cứu hộ đã triển khai công tác tìm kiếm khá sớm nhưng phải mất gần 6 giờ mới tiếp cận được con tàu cùng những nạn nhân đang bám víu trên đó.

Đến sáng 3/8, chiếc tàu gặp nạn đã được kéo vào bờ phục vụ công tác điều tra.

Tìm được hai thi thể, bảy người vẫn đang mất tích

Sau khi cứu được những người bám trên tàu chìm về bệnh viện cấp cứu, lực lượng cứu hộ tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm những người mất tích. Nhiều tàu cứu hộ hiện đại cùng hai trực thăng của Sư đoàn 370 được huy động cho cuộc tìm kiếm.

Khoảng lúc 12h, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể nạn nhân đầu tiên trong vụ chìm tàu. Nạn nhân là chị Nông Thị Thiên, 34 tuổi bị mắc kẹt trong khi con tàu lật úp, không thoát được ra ngoài và tử vong.

Đến 16h20, thi thể anh Cam Hoàng Phương Khanh, 33 tuổi, được Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 và bộ đội biên phòng Cần Giờ tìm thấy.

Nạn nhân nhân khóc nức nở sau khi gọi điện thoại về cho gia đình.

Hiện còn bảy nạn nhân mất tích vẫn chưa được tìm thấy gồm: Phạm Duy Phúc, SN 1988, quê Quảng Bình, là người lái tàu;  Nguyễn Thị Kim Hoàng, SN 1993, quê Tiền Giang;  Đào Mạnh Cường, SN 1985, quê Thái Bình;  Nguyễn Bá Đức, SN 1983, quê Thanh Hóa; Trần Hữu Hiệp, quê Thanh Hóa; Hà Tiến Sơn, quê Phú Thọ;  Hoàng Trung Biên, SN 1985, quê Thái Bình.

Chiều cùng ngày, UBND TP.HCM đã triệu tập cuộc họp khẩn dưới sự của Chủ tịch UBND Lê Hoàng Quân cùng Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể với các cơ quan liên quan về vụ chìm tàu chở 30 người lầm chín người chết và mất tích.

Tại cuộc họp, ông Quân khẳng định đây là vụ tai nạn hết sức nghiêm trọng, các cơ quan liên quan cần phải phối hợp tìm kiếm những người mất tích cũng như khắc phục hậu quả đau lòng do vụ tai nạn này. Bên cạnh đó, ông Quân cho rằng vụ tai nạn là một bài học xương máu bởi hậu quả quá lớn. Từ đó, các lực lượng cần phải thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ các phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố nhằm tránh những vụ việc đau lòng như trên.

Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vân tải Nguyễn Văn Thể nhìn nhận vụ việc trên có một phần trách nhiệm của Bộ và chỉ đạo các cơ quan tiếp tục làm rõ những thông tin về vụ việc đau lòng này. Bên cạnh đó cũng sẻ xem xét trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong vụ việc.

Cuộc họp cũng nhất trí biện pháp khắc phục hậu quả của vụ tai nạn. Đối với những nạn nhân tử vong và mất tích, các lực lượng cứu hộ sẽ làm hết khả năng tìm kiếm.

Trường Nguyên

Theo Infonet

 

Trường Nguyên

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm