Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm qua các con số

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp thành lập mới là hơn 14.000. Nhiều chỉ số khác đều khởi sắc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2017. 

2 tháng đầu năm: 14.451 doanh nghiệp mới

Theo báo cáo của bộ, trong 2 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 14.451 (tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước) với số vốn đăng ký là 152,6 nghìn tỷ đồng (tăng 35% so với cùng kỳ năm trước).

14.451 doanh nghiep moi anh 1
Số doanh nghiệp thành lập mới trong thời gian qua. Đồ họa: Kiều Vui. 

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 10,6 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động tăng 7,6%, số đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 20,1%, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 14,9%.

Chi ngân sách 134.800 tỷ đồng

Tổng thu ngân sách Nhà nước tính đến ngày 15/2 vừa qua đạt 131.800 tỷ đồng, bằng 10,9% dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 134.800 tỷ đồng, bằng 9,7% dự toán năm.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tính đến ngày 20/2 ước đạt 1triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần ước đạt 3.407 triệu USD, tăng 21,5%. Vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân tính đến ngày 22/2 ước đạt 263 triệu USD.

Xuất khẩu tăng 15,4% so với cùng kỳ 2016

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27,34 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016 trong khi kim ngạch nhập khẩu ước đạt 27,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. 2 tháng đầu năm nhập siêu 46 triệu USD bằng 0,17% tổng kim ngạch xuất khẩu.

CPI tăng 0,23%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,23% so với tháng trước đó, tăng 0,69% so với tháng 12/2016 và tăng 5,02% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá bình quân 2 tháng đầu năm tăng 5,12% so với cùng kỳ 2016.

Tín dụng tăng 1,23%

Tổng phương tiện thanh toán tăng 1,87% so với tháng 12/2016, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 1,23% so với tháng 12. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt, mặt bằng lãi suất diễn biến ổn định.

Nhiều chỉ số khác cũng tăng

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng qua tăng 2,4% trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,6%; sản xuất, phân phối điện tăng 9,3%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải twang 6,6%, riêng ngành khai khoáng tăng trưởng âm 13,5%.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm cũng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016. Hoạt động du lịch tiếp tục có khởi sắc. Ngay trong 2 tháng đầu năm, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 2,2 triệu lượt khách, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định. Tình hình thời tiết khá thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Sản lượng thủy sản ước tính đạt 859,5 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay trong thời gian tới, mục tiêu là kiểm soát lạm phát không quá 4%, tăng trưởng GDP đạt 6,7% như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra.

Để làm được điều này, ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Ông nhấn mạnh: “Tới đây, nợ công sẽ chỉ bao gồm các khoản nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương còn các khoản vay của doanh nghiệp Nhà nước không được tính là nợ công nữa.

Nói cách khác, doanh nghiệp Nhà nước tự vay phải tự trả. Không chuyển nợ của doanh nghiệp thành nợ của Chính phủ nữa và nếu doanh nghiệp vay không trả nợ được thì có thể áp dụng Luật phá sản để trả nợ”. 

6 lý do khiến Nhà máy Đạm Ninh Bình thua lỗ nghìn tỷ

Bộ Công Thương vừa chỉ ra 6 nguyên nhân chính khiến dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nghìn tỷ.


Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm