UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng phát triển 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) thành quận. Trong đó, hai huyện Đông Anh, Gia Lâm sẽ lên quận đầu năm 2025; Thanh Trì, Hoài Đức phấn đấu lên quận cuối năm 2025. |
Quận Gia Lâm được thành lập dựa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên là 116,64 km2, quy mô dân số hơn 300.000 người và thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm. |
22 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Gia Lâm hiện nay gồm: 2 thị trấn Trâu Quỳ và Yên Viên; 20 xã là Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Xá, Phú Thị, Dương Quang, Kim Sơn, Lệ Chi, Đông Dư, Bát Tràng, Kim Lan, Văn Đức, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Yên Thường, Yên Viên, Dương Hà, Ninh Hiệp, Đình Xuyên, Phù Đổng, Trung Màu. |
Huyện Gia Lâm có vị trí nằm tại cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, nơi giao cắt với nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1A kết nối với tỉnh Bắc Ninh; Quốc lộ 3 mới kết nối Hà Nội - Thái Nguyên; Quốc lộ 5B nối với tỉnh Hưng Yên và thành phố Hải Phòng. |
Nút giao Cổ Linh kết nối trực tiếp vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Nút giao này được đánh giá là một trong những công trình hạ tầng hiện đại bậc nhất góp phần tạo nên sự bứt phá cho khu vực phía đông Hà Nội. |
Ga Yên Viên nằm trên địa bàn huyện Gia Lâm. Có tuổi đời hơn 100 năm, ga Yên Viên là cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, lại là đầu mối bốn tuyến đường sắt nối liền các vùng miền, thành phố lớn nhất của miền bắc là Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Thái Nguyên. |
Trong tương lai, ga Yên Viên sẽ được đầu tư để xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi. |
Gia Lâm được xác định là đô thị nằm trong khu vực phát triển mở rộng nội đô về phía Đông của Thủ đô Hà Nội với chức năng chính là phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế... gắn với các ngành công nghiệp, công nghệ cao theo hướng quốc lộ 5 và quốc lộ 1A. |
Nằm tại trung tâm huyện Gia Lâm là học viện Nông nghiệp Việt Nam. Với diện tích gần 200 ha, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện là trường rộng nhất Việt Nam, với rất nhiều khoa ngành đào tạo như: Chăn nuôi, Công nghệ sinh học, Nông học, Quản lý đất đai, Thú y, Thủy sản… |
Nhà thi đấu Gia Lâm nằm trên mặt đường QL5 thuộc địa phận thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm. Tại SEA Games 31, Nhà thi đấu Gia Lâm được chọn là địa điểm thi đấu môn vật với 3 nội dung gồm: Vật cổ điển (nam), vật tự do (nam) và vật tự do (nữ). |
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2018 đến nay, Gia Lâm đã có gần 100 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao đến 5 sao. Nổi tiếng trong số đó là làng gốm sứ Bát Tràng, là địa điểm du lịch ưa thích của nhiều du khách khi đến Hà Nội. |
Cơ sở hạ tầng của huyện Gia Lâm cũng được chú trọng, tập trung xây dựng phát triển theo định hướng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ, gắn kết giữa Quy hoạch xây dựng đô thị với cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị và phát triển không gian đô thị. Tại Gia Lâm cũng có nhiều dự án bất động sản của nhiều tập đoàn lớn, chủ yếu tập trung dọc theo hai tuyến quốc lộ lớn là QL5 và QL5B. |
Khu Trung tâm Hành chính, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Gia Lâm được khánh thành và đi vào sử dụng từ tháng 1/2022. Khu vực Hành chính của quận Gia Lâm sẽ đi vào hoạt động khi chính thức lên quận. |
Tính đến hiện tại, huyện Gia Lâm đã hoàn thành 31/31 tiêu chí thành lập quận. Về tiêu chuẩn, đã đảm bảo đạt 5/5 tiêu chuẩn thành lập quận và 4/4 tiêu chuẩn thành lập phường theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |