Nhiều thập kỷ qua, Triều Tiên đã nắm vững công nghệ tên lửa tầm ngắn có thể tấn công tới các nước láng giềng, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản.
Giờ đây, đảo Guam đã bị đặt trong tầm ngắm. Sau nhiều năm nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung có thể tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam, vào giữa tháng 5/2017, Triều Tiên cuối cùng đã phóng thành công một tên lửa được cho là có tầm bắn đủ xa để vươn tới hòn đảo ở Thái Bình Dương này.
Rạng sáng nay 15/9, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 từ vùng lân cận Sunan ở Bình Nhưỡng bay qua vùng trời Nhật Bản và rơi xuống Bắc Thái Bình Dương, với quãng đường hơn 2.700 km và đạt độ cao tối đa 550 km. Đây là lần thứ hai kể từ năm 1998 và cũng là lần thứ hai liên tiếp trong vòng một tháng Bình Nhưỡng phóng tên lửa bay qua bầu trời Nhật Bản.
Tuy nhiên, loại tên lửa phạm vi hoạt động xa hơn của Triều Tiên khiến Mỹ lo ngại hơn cả là Hwasong-14. Hồi tháng 7/2017, lần đầu tiên Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa này. Vụ thử nghiệm cho thấy Bình Nhưỡng đã có thể tấn công tới nhiều thành phố ở sâu trong lục địa Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng những tên lửa tầm xa của Triều Tiên đều cố gắng thiết kế để chở đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, họ vẫn hoài nghi về năng lực thu nhỏ đầu đạn của Triều Tiên, cũng như năng lực của đầu đạn có thể tồn tại để tiếp tục tái xâm nhập bầu khí quyển.
Triều Tiên thử tên lửa Hwasong-14 hai lần vào tháng 7. Kết quả lần thử thứ 2 cho thấy nó có khả năng vươn đến tận Bờ Tây nước Mỹ, đặt các thành phố Chicago và Denver trong tầm bắn.
Như vậy, sau một thời gian dài chỉ thất bại hoặc chỉ đạt được những kết quả khiêm tốn, chương trình tên lửa của Triều Tiên thực sự có bước tiến đáng kể trong năm nay. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân nằm ở bộ phận động cơ chính mới có hiệu quả mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn các mẫu tên lửa trước đây.
Mô hình tên lửa đạn đạo Hwasong-14 của Triều Tiên. |
Tên lửa mới có lộ trình phóng "đường cong" để tái xâm nhập khí quyển. Đây là điều then chốt vì việc phóng một vật thể vào không gian rất dễ, nhưng việc buộc nó quay trở lại đúng mục tiêu là điều khó khăn.
Một vấn đề quan trọng khác với Triều Tiên là phát triển đầu đạn của tên lửa sao cho nó có thể chịu được nhiệt lượng khủng khiếp cũng như những lực tác động rất lớn khi nó quay trở lại bầu khí quyển. Các lực tác động này rất lớn, nếu ước tính tốc độ quay trở lại trái đất của tên lửa là khoảng 4 dặm (6,4 km)/giây.
Theo các chuyên gia, bước nghiên cứu tiếp theo của Triều Tiên là chế tạo một quả bom hạt nhân có thể đặt vừa bên trong tên lửa. Một số ý kiến quan ngại Bình Nhưỡng có thể đã sở hữu công nghệ này. "Quốc gia nào đã tiến hành 6 lần thử hạt nhân thì hoàn toàn có thể tiến tới bước này", ông Joshua J. Pollack, biên tập viên tạp chí Nonproliferation Review, nhận định.
Quả bom nguyên tử đầu tiên, gọi là Gadget, có chiều rộng 152 cm. Hồi năm ngoái, Triều Tiên công bố một bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un trao đổi cùng với các nhà khoa học bên cạnh một hình cầu được cho là quả bom thu nhỏ nhằm đưa vào đầu tên lửa.
Quả bom càng nhỏ và càng nhẹ thì tên lửa có thể đi càng xa. Biểu đồ dưới đây so sánh sự tương quan về tỷ lệ nghịch giữa khối lượng đầu đạn và quãng đường mà tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên có thể đi được.
Phương pháp thông thường để làm tăng sức hủy diệt của quả bom (dù vẫn giữ nó nhỏ và nhẹ) là gia tăng nhiên liệu nhiệt hạch. Đây là quá trình lâu dài về mặt kỹ thuật, nhưng có thể tạo ra vũ khí với sức tàn phá gấp 1.000 lần quả bom ở Hiroshima.
Bảng dưới đây thể hiện mức độ hủy diệt giữa quả bom như trong vụ tại Hiroshima và một quả bom mạnh hơn 600 lần nếu chúng được thả xuống ở trung tâm Los Angeles.
Trong một cuộc phỏng vấn với Zing.vn, Alan D. Romberg, chuyên gia về Đông Á với nhiều năm kinh nghiệm tại Bộ Ngoại giao Mỹ, thừa nhận rằng vào thời điểm này không có phương tiện hiệu quả nào có thể ngăn chặn Triều Tiên thúc đẩy chương trình hạt nhân, bao gồm tên lửa, để đạt tới mục tiêu tối thượng là tấn công hạt nhân bằng ICBM.
"Chúng ta có thể làm chậm lại quá trình này bằng cách gây khó khăn cho Triều Tiên trong việc mua nguyên liệu và hoạt động tài chính, kinh doanh quốc tế. Nhưng không một lời lẽ đanh thép, biện pháp trừng phạt hay hành động triển khai quân sự nào có thể làm thay đổi quyết tâm của Bình Nhưỡng", ông Romberg nói.