Federico Lombardi, người phát ngôn của Tòa thánh hôm 15/11, khẳng định rằng, Giáo hoàng "cực kỳ bình tĩnh" về mối đe dọa được viện dẫn ra và "Tòa Thánh không có gì phải lo lắng bởi đây chỉ là những tin đồn thường tình."
Trước đó, Nicola Gratteri, một công tố viên ở Reggio Calabria, một thành phố miền nam Italy, đã đưa ra lời cảnh báo rằng, Đức Giáo hoàng Francis có thể là mục tiêu của mafia vì những cải cách của ông đối với Ngân hàng Vatican nhằm cải thiện tính minh bạch tài chính cho Vatican.
Vatican đã gạt bỏ mọi quan ngại xoay quanh sự an toàn của Đức Giáo hoàng Francis I. Ảnh: AP. |
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 3/2013, một trong những bước đi đầu tiên của Giáo Hoàng Francis là thiết lập một ủy ban đặc biệt có nhiệm vụ điều tra Ngân hàng Vatican và kiểm tra tình hình tài chính toàn bộ Vatican, xử lý nhiều cổ phần bất động sản trong nội bộ ngân hàng Vatican cũng như kêu gọi nhà tư vấn tài chính Mỹ tiến hành đánh giá khách quan các quy luật chuyển tiền lậu của ngân hàng của Vatican.
Ngày 7/9, Giáo hoàng Francis đã có lễ cầu nguyện tại Vatican từ 19h tối đến nửa đêm (giờ địa phương) kêu gọi hòa bình tại Syria cũng như khu vực Trung Đông. Buổi lễ cầu nguyện diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô với lời kêu gọi chấm dứt bạo lực kéo dài được nhắc đến như một "cuộc thảm sát vô nghĩa" đang diễn ra tại Syria.
"Chiến tranh dẫn đến chiến tranh. Bạo lực ắt dẫn đến bạo lực", tờ Jerusalem Post dẫn lời Giáo hoàng.
Buổi cầu nguyện dài nhất lịch sử Vatican dự kiến trong khoảng 4 giờ đồng hồ. Đức Giáo hoàng người Argentina có mặt trong suốt thời gian của buổi lễ "lịch sử" này.
"Hòa bình sẽ vượt qua mọi rào cản. Hòa bình là vật sở hữu tất yếu của nhân loại. Không có lý gì chiến tranh có thể xảy ra. Chiến tranh không thể xảy ra một lần nữa", trích đoạn trong một bài phát biểu của đại diện Tòa thánh Vatican.
Trước đó ngày 6/9, tư tưởng tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Syria cũng được Giáo hoàng nhấn mạnh trong bức thư gửi Tổng thống Nga Putin nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 diễn ra tại St. Peterburg.
Không chỉ có vậy, cách đây chưa lâu, ngày 29/3,Giáo hoàng Francis đã rửa chân cho 12 tù nhân tuổi từ 14 đến 21, trong đó có 2 nữ tù nhân. Một trong số 2 nữ tù nhân còn lại là người Công giáo Italia. Giáo hoàng đã quỳ xuống, rửa và hôn chân những tù nhân trẻ trong lễ Phục sinh đầu tiên của ngài với vai trò mới. Đây là sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử giáo hội và cũng là lần đầu có phụ nữ và những người Hồi giáo được Giáo hoàng rửa chân.
Giáo hoàng Francis đã từng kêu gọi tất cả giáo sĩ, con chiên quan tâm hơn tới người nghèo. "Chúng ta cần phải đến những vùng ngoại ô, nơi còn nhiều đau khổ, đổ máu, những người mù lòa ngày đêm mong chờ ánh sáng, những tù nhân, những người đang gặp hoạn nạn" - Giáo hoàng nói trước các tín đồ tại nhà thờ St. Peter’s Basilica.
“Dù cho ai ở vị trí cao nhất, thì họ cũng phải phục vụ những người khác,” Giáo hoàng Francis nói trong thánh lễ ở nhà tù thiếu niên Casal del Marmo.
“Tôi làm điều này với tất cả sự chân thành vì đó là trách nhiệm của tôi như một linh mục, một giám mục. Tôi phải phụng sự. Tôi yêu điều đó vì đó là những gì Chúa đã dạy tôi”, vị giáo hoàng 76 tuổi nói.
Người phát ngôn của Vatican Federico Lombardi nói nhiều người tham gia sự kiện này đã bật khóc ngay trong buổi lễ, chỉ cho phép truyền thông của Vatican tham dự. Một thiếu niên trẻ tuổi đã phải được đưa ra thay bằng người khác trong phút chót vì không thể kềm chế được cảm xúc.